Học trường nào tổ chức thi ở ngay trường đó?

Từ những “bất cập” đã xảy ra ở kỳ thi THPT quốc gia 2015, GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD khẳng định, việc đổi mới thi cử là rất cấp thiết, để nhằm đạt được các mục tiêu chất lượng, tiết kiệm thời gian, công sức của phụ huynh và học sinh, giảm chi phí cho xã hội.  “Việc đổi mới thi cử, thì Bộ GD&ĐT chỉ nên làm đúng vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước thôi. Cụ thể, đối với thi tốt nghiệp THPT, Bộ có thể ra đề, ra quy chế thi, và giao cho các Sở GD&ĐT địa phương phụ trách. Còn việc tiến hành cụ thể kỳ thi nên giao cho trường THPT, tổ chức cho học sinh theo học ở trường nào thi luôn tại trường đó. Khâu chấm thi có thể tổ chức theo cụm trường trong huyện, hoặc vài quận huyện, trong phạm vi tỉnh thành. Việc cấp bằng, thì giao cho Sở GD&ĐT tỉnh, TP cấp bằng, trên bằng đề rõ các thông tin: Tên người đã tốt nghiệp kỳ thi THPT, địa điểm thi tại trường học cụ thể nơi người đó theo học; kỳ thi được tổ chức ở địa phương nào, thời điểm thi ra sao?” –GS. Phạm Minh Hạc nói.

Tương tự như vậy, đối với thi tuyển CĐ, ĐH, GS. Phạm Minh Hạc cũng cho rằng,  nên để từng trường tự tổ chức thi tuyển. Thực tế trong năm 2015 tiếng gọi là “kỳ thi chung” – 2 trong 1, tốt nghiệp THPT xét tuyển ĐH, CĐ nhưng có nhiều trường đã tổ chức phương án tuyển sinh riêng của họ, không theo kỳ thi chung Bộ tổ chức.  Trước ý kiến lo ngại chất lượng kỳ thi do các trường “tự tổ chức” có khả năng không đảm bảo chất lượng GS. Phạm Minh Hạc cho rằng, “lo ngại” đó không giải quyết được tận gốc vấn đề. Bởi lẽ, quản lý chất lượng học sinh cần phải làm trước ngay từ khâu dạy học ở THPT – chất lượng dạy học như thế nào thì sẽ tạo ra chất lượng học sinh như thế ấy. Quản lý ngay từ khâu dạy học, mới là vấn đề mấu chốt để tạo ra chất lượng sản phẩm giáo dục.

“Nhà nước ta giao trách nhiệm cho các trường, các thầy cô trực tiếp quản lý dạy dỗ học sinh ròng rã 12 năm (cả 3 cấp học). Riêng cấp THPT, các thầy cô giáo cũng được giao quyền trực tiếp quản lý giáo dục các em trong thời gian 3 năm (lớp 10,11,12). Thế thì tại sao lại không tiếp tục tin tưởng họ, giao cho họ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cho các học sinh? Tại sao lại không để họ có điều kiện nâng cao tinh thần trách nhiệm, trong việc đánh giá sản phẩm giáo dục do mình tạo ra?” – GS. Phạm Minh Hạc thắc mắc.

Việc thi cử hiện nay, nên giao cho các trường tự “gánh vác”Khâu nộp hồ sơ xét tuyển thí sinh tại kỳ thi 2015 xảy ra tình trạng quá tải, và xuất hiện những tình huống “bi hài” – mục tiêu giảm phiền hà, tiết kiệm cho phụ huynh đã không đạt được.

Rạch ròi trách nhiệm…

Cùng trao đổi với PV xung quanh vấn đề góp ý cho phương án tuyển sinh năm 2016, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT ĐH FPT cho biết: Hiện đang xảy ra tình trạng, không rõ ràng đâu là việc của trường và đâu là việc của Bộ GD&ĐT. Do vậy, trong phương án tuyển sinh từ năm 2016 trở đi, Bộ GD&ĐT không nên làm hộ các trường, mà chỉ làm những công việc ở góc độ quản lý Nhà nước. Việc “rạch ròi” ra như vậy, sẽ dễ dàng quy trách nhiệm đối với những vấn đề nảy sinh trong kỳ thi.

“Về phương án thi năm 2016, trên cơ sở định hướng tăng tự chủ cho các trường, Bộ GD&ĐT chỉ nên làm những công việc “tối thiểu”. Thứ nhất, Bộ vẫn có thể sẽ tổ chức kỳ thi “2 trong 1” – tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH, CĐ, đương nhiên rút kinh nghiệm từ kỳ thi trước, để có những giải pháp mang tính kỹ thuật đảm bảo các mục tiêu: chất lượng, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của thí sinh và phụ huynh… Thứ hai, Bộ sẽ vẫn quy định một mức điểm sàn, để đảm bảo chất lượng tuyển sinh đạt yêu cầu. Thứ ba, tìm cách để cung cấp thông tin thuận lợi hơn cho thí sinh so với kỳ thi trước – có thể thêm nhiều cổng thông tin khác, để thí sinh biết điểm thi của mình. Việc lựa chọn vào học trường nào, hay việc xét tuyển như thế nào là do thí sinh và các trường “tự chủ” với nhau” – TS. Lê Trường Tùng nói.

Rút kinh nghiệm từ hiện tượng ùn tắc khâu nộp hồ sơ như đã xảy ra ở kỳ thi trước, kỳ thi năm 2016, Bộ GD&ĐT cần phối hợp các phương tiện truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, để làm sao cho người dân hiểu rằng: cứ nộp hồ sơ ở địa phương cũng… không sao cả. Vì khi xét tuyển các trường sẽ căn cứ vào thời gian nộp hồ sơ. Sở GD&ĐT tại địa phương cũng có văn bản bàn giao ký nhận rõ ràng ngày giờ tiếp nhận (thời điểm trường nhận được hồ sơ không phải là căn cứ xét tuyển), nên phụ huynh và thí sinh hoàn toàn yên tâm.

Việc hạn chế quyền lợi của thí sinh như quy định hiện nay cũng vấp phải những ý kiến cho là không hay, nên trong năm 2016 Bộ có thể xem xét để tháo gỡ. Ví dụ, quy định hiện hành trúng tuyển trường này không được đăng ký học trường khác – điều đó đã gây thiệt thòi vô lý cho các trường hợp thí sinh có nhu cầu thay đổi nguyện vọng.

“Không nên có những biện pháp hành chính để hạn chế quyền lợi của thí sinh, mà quyền lợi của thí sinh là họ hoàn toàn có quyền thay đổi nguyện vọng. Giả dụ thí sinh đăng kí nguyện vọng vào trường A được 25 điểm, nhưng không đủ điểm đỗ, thì thí sinh hoàn toàn có quyền nộp đơn dự tuyển vào trường B chứ sao lại “cấm” họ? Chưa nói trường hợp, điểm đỗ của trường B chỉ lấy 20 điểm, vậy thì “gạt bỏ” những người đạt 25 điểm chỉ vì họ “trượt ở trường A”, hay vì những “quy định này kia” là không hợp lý. Trong khi thi cử, về nguyên tắc những người đạt điểm cao hơn, thì khả năng vào trường sẽ chắc chắn hơn những người đạt điểm thấp. Mặt khác quyền lợi của các trường cũng ảnh hưởng, vì họ đều muốn lựa chọn được những thí sinh tốt nhất, chứ không muốn lựa chọn thí sinh theo “quy định hành chính” – TS. Lê Trường Tùng nói.


Theo PL&XH, nguồn: http://phapluatxahoi.vn/giao-duc/goc-nhin/viec-thi-cu-hien-nay-nen-giao-cho-cac-truong-tu-ganh-vac-104280