Vì sao phổ điểm môn tiếng Anh thấp

Duy Thanh (Hà Nội) thi THPT quốc gia được 3 điểm môn tiếng Anh, nhưng không hề buồn mà cảm thấy may mắn vì không bị điểm liệt. Nam sinh đến từ trường THPT có tiếng trên địa bàn Hà Nội này cho biết, vì học kém tiếng Anh nên càng lúc càng không thích và bỏ bê môn này. Giống như nhiều thí sinh khác, Thanh thi chỉ để lấy điểm đủ đỗ tốt nghiệp.

Những năm trước tiếng Anh là môn thi tự chọn nên theo tư duy “truyền thống”, ngoài thí sinh ban D và những bạn có niềm yêu thích, các học sinh khác sẽ bỏ qua tiếng Anh để chỉ tập trung cho môn thi đại học. “Năm nay lần đầu tiên tiếng Anh trở thành môn thi bắt buộc, với những người không biết tý gì hoặc mất gốc như em đây là khó khăn lớn. Chúng em không dung nạp kịp kiến thức và thích ứng được với cấu trúc đề thi có thêm phần tự luận, viết lại”, nam sinh nói.

Việc học kém môn tiếng Anh, Duy Thanh không đổ lỗi cho giáo viên vì thầy cô đã rất nhiệt tình. Nguyên nhân quan trọng nhất là em cũng như nhiều học sinh đã có định hướng khối thi đại học và chỉ chú tâm học những môn này. Ngay từ đầu các em đã quan niệm thi tiếng Anh chỉ để tốt nghiệp nên không cố gắng học.

Vì sao phổ điểm môn tiếng Anh thấp

Nhiều giáo viên, học sinh cho rằng, phổ điểm thi THPT quốc gia môn tiếng Anh thấp thể hiện đúng thực trạng học môn này. Ảnh: Giang Huy.

Anh Thư, thí sinh của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 cho rằng phổ điểm tiếng Anh đã phản án đúng, nhưng chưa đủ về thực trạng học ngoại ngữ trong các nhà trường. Nếu nhìn nhận đúng trình độ của học sinh hiện nay, tỷ lệ điểm kém sẽ phải cao hơn. “Cách ra đề thi mới đã phản ánh được một mặt khác của vấn đề học ngoại ngữ ở Việt Nam”, Thư nói.

Nữ sinh này phân tích, hiện tại tiếng Anh chưa thể trở thành môn học phổ cập như Toán, Văn vì chất lượng dạy và học không đảm bảo. Chuyện giáo viên ngoại ngữ dạy sai, phát âm sai là hoàn toàn bình thường. Hơn nữa, việc phân ra khối ngành đào tạo để thi đại học, đã làm học sinh học lệch một cách nghiêm trọng. Rất đông thí sinh chỉ coi tiếng Anh là môn thi điều kiện để đỗ tốt nghiệp nên không chú tâm học và bị mất gốc. Phổ điểm THPT quốc gia môn tiếng Anh rất thấp, cũng vì lý do có cả thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT.

“Nhưng thẳng thắn mà nói, có những ngành nghề thật sự không cần quá nhiều đến vốn tiếng Anh và học sinh thì nghĩ lên đại học rồi học cũng chưa muộn nên môn học này càng ít được coi trọng”, Thư nói.

Trưởng bộ môn tiếng Anh của một trường chuyên ở Hà Nội cho rằng, kết quả thi tiếng Anh năm nay với nhiều học sinh bị điểm liệt hoặc rất thấp cho thấy thực trạng đáng buồn của việc học tập môn này. Có 3 nguyên nhân khiến phổ điểm thấp. Thứ nhất là quy trình tổ chức thi và chấm thi hoàn toàn nghiêm túc, chặt chẽ, khó có thể gian lận được. Thứ hai cấu trúc đề thi thay đổi (thêm bài viết lại câu và viết đoạn văn), mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đến hết 2 tuần đầu tháng 3 mới thông báo là quá muộn.

Lý do cuối cùng quan trọng nhất là việc học ngoại ngữ nói chung, đặc biệt môn tiếng Anh, hầu như chỉ được sự quan tâm của học sinh, phụ huynh ở thành phố, thị xã lớn. “Các học sinh miền núi, hải đảo, nông thôn xã - thị thành, dù nhiều năm học tiếng Anh nhưng nếu những năm trước coi và chấm thi nghiêm túc hơn, kết quả cũng không khá hơn năm nay”, giáo viên này nói.

Đồng tình với quan điểm trên, giáo viên tiếng Anh của trường cấp ba công lập có tiếng ở Hà Nội cho rằng phổ điểm thi THPT môn tiếng Anh phản ánh đúng đến 90% thực tế học tập môn này. Từng giảng dạy ở trường “quê” Quảng Ninh rồi lên thủ đô dạy cả lớp chuyên ban A, D, cô giáo này cho biết, rất nhiều học sinh bị mất gốc tiếng Anh. Những em này vì đã dốt ngoại ngữ nên không yêu thích và giáo viên cố gắng dạy đến mấy cũng không ngấm kiến thức được.

“Lớp 12 tôi dạy có một em thi tiếng Anh THPT quốc gia chỉ đạt 1,75. Em này mất gốc hoàn toàn từ cấp 2 nên không thể tiếp thu kiến thức của lớp mới được. Giáo viên dù đã cố gắng quan tâm nhưng thời lượng môn tiếng Anh ít ỏi, không thể chỉ tập trung giảng lại kiến thức cơ bản cho một học sinh đó được”, cô giáo nói và đề xuất giải pháp lâu dài để nâng cao trình độ tiếng Anh cho học sinh là các trường THPT thi đầu vào lớp 10 có môn bắt buộc Ngoại ngữ.

Cô giáo này cũng cho rằng lý do lớn nhất khiến học sinh kém ngoại ngữ là nhận thức đây chỉ là môn thi tốt nghiệp, các năm trước thậm chí còn không phải môn bắt buộc. Thêm nữa là do mục tiêu của mỗi lớp, mỗi em khác nhau, lớp chuyên ban A, B, C thì không chú trọng môn học này nên giáo viên đôi khi chỉ dạy theo nhu cầu người học.

Một lý do khác khiến phổ điểm tiếng Anh bị thấp là việc thông báo thi bắt buộc, cấu trúc đề thay đổi quá muộn làm học sinh không chuẩn bị kịp. Cách tính điểm tốt nghiệp có 50% kết quả ở cấp ba, tức là chỉ cần đạt trên điểm liệt (1 điểm) khiến học sinh tiếp tục chủ quan bỏ lửng môn học này.

Nhìn vào phổ điểm thi THPT quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo GS Trần Xuân Nhĩ đặc biệt trăn trở với điểm Ngoại ngữ vì nhiều thí sinh có điểm thấp quá. Với trình độ như vậy, việc hội nhập với quốc tế của Việt Nam sẽ khó khăn.

Để khắc phục tình trạng này, giáo sư Nhĩ cho rằng nên thay đổi quy định không cho trẻ mẫu giáo học ngoại ngữ, chỉ dạy học từ năm lớp 3 như hiện nay. "Điều này là chưa hợp lý bởi trẻ nhỏ dễ tiếp thu ngôn ngữ nhất. Học sinh ở Singapore vào tiểu học là đã biết 1.000-2.000 từ tiếng Anh rồi", ông nói và kể rằng khi mang đề thi tiếng Anh THPT quốc gia của Việt Nam cho một học sinh lớp 3 của Singapore, em này đã làm gần đúng hết.

"Tôi nhớ có lần ông Lý Quang Diệu sang thăm Việt Nam nói lý do đất nước họ phát triển, một trong số đó là chú trọng dạy ngoại ngữ cho toàn dân tộc, để người dân đi khắp thế giới kiếm tiền về và những người trên thế giới cũng có thể tới Singapore phát triển kinh tế", GS Nhĩ chia sẻ.

Trong kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 1 đến 4/7, đề thi tiếng Anh gồm 64 câu hỏi trắc nghiệm chiếm 8 điểm và phần viết lại câu, viết đoạn văn chiếm 2 điểm. Trong khi đa số thí sinh thi ban D (Toán, Văn, tiếng Anh) cho rằng đề dễ, thì nhiều em thi ban A, B, C lại than khó.

Cô Võ Mỹ Dung, trưởng tổ tiếng Anh, trường THPT Anhxtanh Hà Nội nhận xét, đề thi nằm trong chương trình, yêu cầu rõ ràng, không đánh đố. Phần học sinh lo ngại là phần thi viết thì đã có gợi ý.

Phổ điểm môn Ngoại ngữ thấp cho thấy đề thi chưa được chuẩn bị kỹ

\'Đề thi lý tưởng sẽ cho ra phổ điểm có hình quả chuông, đều hai bên với điểm trung bình, điểm trung vị, điểm có tần suất cao nhất trùng nhau và dao động 7-8 điểm\', anh Phạm Hiệp (nghiên cứu sinh Đại học Văn hoá Trung Hoa, Đài Loan) nhận xét.

Với việc công bố phổ điểm các môn thi tại kỳ thi "2 trong 1", về cơ bản nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với thi THPT và tuyển sinh đại học năm nay đã hoàn thành.

Điểm đáng ghi nhận đầu tiên của quy định tuyển sinh năm 2015 là việc Bộ Giáo dục công bố phổ điểm các môn. Về nguyên tắc, bất cứ kỳ thi nào diễn ra sẽ luôn có phổ điểm kèm theo. Công bố phổ điểm không chỉ giúp thí sinh có thêm thông tin trong việc lựa chọn trường phù hợp để đăng ký mà còn là cơ sở dữ liệu cho các nhà nghiên cứu phân tích và đưa ra các khuyến nghị chính sách sau này. Nhưng trong suốt bao nhiêu năm tổ chức thi 3 chung trước kia, Bộ chưa một lần thông báo công khai rộng rãi điều này. Việc mãi cho đến năm nay phổ điểm mới được công bố chính thức là quá muộn, nhưng dẫu vậy muộn còn hơn không.

Một điểm "cộng" khác là theo quy định, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao nhiều quyền tự chủ tuyển sinh hơn cho các trường. Cụ thể, các trường đã được chủ động hơn trong việc lựa chọn hình thức, nội dung thi tuyển phù hợp với chiến lược, mục tiêu đào tạo của mình. Trong bối cảnh giáo dục đại học đại chúng, khi tổng số chương trình đào tạo trên cả nước đã lên tới con số hàng trăm, có mục tiêu chuẩn bị nhân lực cho hàng nghìn ngành, nghề khác nhau, rõ ràng việc chỉ tổ chức thi tuyển đầu vào một cách cứng nhắc thông qua các khối A, B, C… đã lỗi thời. Đưa ra tiêu chí, cách thức lựa chọn sinh viên đầu vào thế nào, tốt nhất là nên để các trường (thậm chí là các khoa trong trường tự quyết), Bộ Giáo dục không thể và không nên làm thay.

Tuy vậy, nếu nhìn kỹ hơn vào 2 điểm "được" kể trên lại lộ ra 2 điểm "chưa được" của kỳ thi tuyển sinh năm nay:

Thứ nhất là về phổ điểm. Với dự định ban đầu, mỗi đề thi có 60% câu hỏi cơ bản (phục phụ cho mục tiêu tốt nghiệp THPT) và 40% câu hỏi phân hoá (phục vụ cho mục tiêu tuyển sinh đại học), về nguyên tắc một học sinh trung bình khi làm bài thi này sẽ được 5-6 điểm cho phần cơ bản và khoảng 2 điểm phần phân hóa. Như vậy, một đề thi lý tưởng sẽ cho ra phổ điểm có hình "quả chuông" đều hai bên với điểm trung bình (mean), điểm trung vị (median), điểm có tần suất cao nhất (mode) trùng nhau và dao động 7-8 điểm.

Vì sao phổ điểm môn tiếng Anh thấp

Đối chiếu với phổ điểm mới nhất vừa được Bộ công bố (tạm gạt vấn đề phổ điểm "giật cục" - tần suất các điểm có số lẻ đến 0 hoặc 0,5 cao hơn 0,25 hoặc 0,75), có thể thấy môn Hoá có phổ điểm cho kết quả bám sát với mục tiêu ban đầu nhất. Phổ điểm môn này hình quả chuông, điểm mean - median - mode trùng nhau tại 6,5 điểm. Các môn Ngữ văn, Vật lý, Địa lý có phổ điểm đạt yêu cầu (phổ điểm hình quả chuông, điểm mean - median - mode trùng nhau tại khoảng 5-6 điểm). Các môn Sinh học và Lịch sử có phổ điểm chấp nhận được (phổ điểm hình quả chuông, điểm mean - median - mode trùng nhau tại khoảng 4-5 điểm).

Trong khi đó phổ điểm môn Ngoại ngữ và Toán lại có nhiều vấn đề. Môn tiếng Anh có phổ điểm hình quả chuông bị lệch trái với mode tại 2,5 điểm. Môn Toán, tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Nhật có phổ điểm hình yên ngựa (nằm ngang) và thậm chí có nhiều điểm bất thường. Ví dụ môn Toán, tần suất thí sinh đạt 9 điểm còn cao hơn thí sinh đạt 8,5 điểm (thông thường điểm càng cao sẽ càng có tần suất xuất hiện ít).

Như vậy, về một mức độ nào đó, có thể nói việc ra đề năm nay đã không được chuẩn bị thật kỹ, nhất là các môn Ngoại ngữ, Toán. Điều này sẽ chắc chắn gây khó khăn cho các trường trong việc lựa chọn ứng viên phù hợp.

Vì sao phổ điểm môn tiếng Anh thấp

Phổ điểm môn Ngoại ngữ bị lệch sang trái, phần nào cho thấy sự thiếu chuẩn bị kỹ trong khâu ra đề thi.

Thứ hai, về vấn đề tự chủ tuyển sinh, mặc dù với quy định năm nay, các trường đã có thể được chủ động lựa chọn nội dung, cách tuyển sinh nhưng cuối cùng chỉ có 2 trường là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học FPT chọn phương án tổ chức một kỳ thi riêng bên cạnh kỳ thi của Bộ. Tỷ lệ chưa đến 1% (2 trường trong tổng số hơn 200 trường) trên cả nước tổ chức thêm kỳ thi riêng là quá ít.

Tỷ lệ này một mặt phản ánh sự thụ động của các trường, mặt khác cũng có thể lý giải là bởi Bộ Giáo dục vẫn giữ quyền phê duyệt phương án khiến cho nhiều trường e ngại. Ví dụ, một số trường có yêu cầu đầu vào cao như Đại học Bách khoa Hà Nội hay Đại học Xây dựng Hà Nội, vốn có khá nhiều kinh nghiệm tổ chức thi riêng (cho các chương trình kỹ sư tài năng, chất lượng cao) cuối cùng, rất tiếc vẫn sử dụng kỳ thi chung của Bộ. Có lẽ từ năm tới, Bộ Giáo dục nên bỏ quyền phê duyệt và để các trường hoàn toàn tự quyết và tự chịu trách nhiệm về phương án tuyển sinh của mình.

Nói gì thì nói, kỳ thi "2 trong 1" năm nay là một thành công lớn và tinh thần đổi mới của nó cần tiếp tục được phát huy trong các năm tiếp theo; không chỉ ở hoạt động tuyển sinh mà còn ở nhiều hoạt động khác của giáo dục đại học.

Theo:

  • VnExpress, tin gốc: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/vi-sao-pho-diem-mon-tieng-anh-thap-3255747.html
  • VnExpress, tin gốc: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tuyen-sinh/pho-diem-mon-ngoai-ngu-thap-cho-thay-de-thi-chua-duoc-chuan-bi-ky-3255041.html