>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Những ngày gần đây, thông tin học sinh ít chọn môn lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 gây nên nhiều lo ngại và tạo nên những ý kiến trái chiều.

Có người cho rằng học sinh (HS) không chọn môn sử để thi tốt nghiệp là “quay lưng” lại với lịch sử. Người khác lại khẳng định điều này là phù hợp với xu hướng nghề nghiệp của HS, với quan điểm đổi mới giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới khi mà 2 năm cuối THPT là những năm phân hóa mạnh theo định hướng nghề nghiệp.

Là một giáo viên giảng dạy môn tự nhiên nhưng tiếp cận với nhiều HS, tôi không nghĩ rằng không đăng ký thi lịch sử là HS “quay lưng” lại với lịch sử dân tộc. Thế nhưng có một sự thật là HS rất ngại, rất sợ học và thi môn sử. Vì sao như vậy?

Chương trình nặng nề, xa lạ với thực tại

Thứ nhất, do ngành nghề liên quan đến lịch sử có ít trong xã hội. Theo thống kê năm 2013, có khoảng 6% thí sinh dự thi đại học, cao đẳng khối C. Trong đó, ngành liên quan đến lịch sử như sư phạm lịch sử, khoa học lịch sử rất ít nhưng khi ra trường vẫn khó tìm việc làm. HS hiện nay chủ yếu dự thi khối A, A1, B, D. Ngoài ra, việc HS không thích học sử không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Một số giáo sư sử học của Mỹ khi làm việc với giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết ở nước họ HS cũng ít chọn môn lịch sử.

Thứ hai, chương trình và sách giáo khoa lịch sử đã có nhiều cải tiến song vẫn còn khá nặng, nhất là về sự kiện và số liệu. Chúng tôi đã trao đổi với một số giáo viên đang trực tiếp giảng dạy hay hiệu trưởng trường THPT là giáo viên lịch sử, họ đều cho rằng kiến thức lịch sử trong chương trình là quá tải đối với HS trong khi thời lượng dành cho môn này bị cắt giảm so với trước. Ngoài ra, một số vấn đề mới của lịch sử như: chiến tranh biên giới Tây Nam, Hoàng Sa, Trường Sa, vấn đề mở cõi của Nguyễn Hoàng… chưa được đưa vào sách giáo khoa, trong khi báo chí và các phương tiện truyền thông đề cập rất nhiều. Điều này làm giảm hứng thú cho cả thầy và trò.

Thứ ba, việc giảng dạy lịch sử của một số giáo viên chưa hấp dẫn đối với HS. Một số thầy cô tâm sự, giai đoạn đầu mới ra trường, với lòng nhiệt tình của tuổi trẻ, lòng yêu nghề nên giảng dạy hứng thú. Nhưng cùng với những khó khăn, nhất là việc HS không chú trọng môn sử nên sự nhiệt tình và lòng yêu nghề cũng phai dần theo năm tháng.

Thứ tư, do hình thức thi lịch sử là tự luận, đề thi nặng về sự kiện, chi tiết đòi hỏi HS phải nhớ nhiều, trong khi hiện nay HS rất ngại học thuộc lòng. Hay nói cách khác, kiểu học tập theo lối học thuộc lòng như môn sử, nay đã lạc hậu.

Đừng quá chú trọng tiểu tiết

Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay, trong đó có môn lịch sử sẽ nói lên nhiều vấn đề. Chắc chắn những nhà sử học, nhà khoa học, giáo dục… sẽ nghiên cứu để xây dựng và biên soạn một chương trình và sách giáo khoa lịch sử hấp dẫn hơn, hay hơn.

Những nhà viết sách giáo khoa cần xây dựng chương trình lịch sử chú trọng những việc, sự kiện lớn, không cần đến tiểu tiết. Cần làm sao để HS nhận thức được toàn thể quá khứ và hiện tại của một dân tộc chứ không phải của một người hay một việc, trong một thời gian.

Cách tiếp cận lịch sử nên theo phương pháp tiệm tiến (tiến triển dần dần), tức là đi từ gần đến xa, từ đơn giản đến phức tạp, từ địa phương đến quốc gia, từ trong nước đến quốc tế. Trước khi dạy lịch sử quốc gia, nên dạy lịch sử địa phương, cho HS tham quan các di tích lịch sử trong vùng, kể chuyện sự tích hay các bậc danh nhân ở địa phương để hình thành lòng tự hào đối với nơi HS sinh ra và lớn lên.

Ở tiểu học, nên biên soạn theo chương trình tích hợp, HS học lịch sử thông qua các câu chuyện kể. Ở cấp THCS, bắt đầu học các thời đại của lịch sử và cần xây dựng chương trình lịch sử phổ thông, cơ bản đến năm lớp 11 là kết thúc. Năm lớp 12, môn lịch sử không bắt buộc mà tự chọn, những HS nào xác định theo đuổi ngành sử mới học.

Việc học sử không chỉ giới hạn trong sách giáo khoa mà mở rộng thêm nhiều hoạt động khác. Tăng cường học lịch sử thông qua việc thăm viếng các di tích lịch sử. Cách tiếp cận lịch sử cũng phải đa dạng, phong phú hơn, đặt ra nhiều vấn đề để HS thảo luận và tự mình tìm ra kiến thức. Không chỉ chương trình mà từng bài học lịch sử cần được tiếp cận với nhiều hướng khác nhau, chắc chắn sẽ là những bài học hấp dẫn.

Ngoài ra, cách kiểm tra, đánh giá môn lịch sử phải chú trọng đến cả kiến thức, kỹ năng và thái độ chứ không chỉ có tập trung vào các sự kiện và số liệu.

Nếu thực hiện được những điều này, không chỉ những em giỏi sử mà chắc chắn sẽ có nhiều HS khác thích môn lịch sử.

Học sử để làm gì?

Nhiều nhà khoa học, giáo dục, lịch sử cho rằng HS phổ thông học lịch sử để biết lịch sử nước nhà, yêu Tổ quốc một cách sáng suốt, làm phận sự công dân đối với Tổ quốc… Nếu mục tiêu học môn sử như trên thì những HS không thi sử nhưng ở phổ thông nắm được những vấn đề cơ bản, cốt lõi của lịch sử, làm nảy nở lòng tự hào, tinh thần yêu nước, có trách nhiệm với xã hội thì coi như việc học sử của các em thành công. Ngược lại, có HS đăng ký thi môn này nhưng kiến thức hời hợt, không chắc chắn, thậm chí bị điểm 0 thì chưa chắc những em này có tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc như những em không đăng ký thi.

Như vậy, lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí phấn đấu để trở thành một công dân có ích cho gia đình, Tổ quốc và xã hội không phụ thuộc vào việc chọn môn lịch sử để thi tốt nghiệp hay không. Ngoài ra, không chỉ môn sử mà các môn khác như văn, địa lý, đạo đức, âm nhạc… cũng hình thành nơi HS những đặc tính kể trên.

Theo Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh (Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)