Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Chỉ còn đúng một tuần nữa là đến ngày 30/10, thời điểm các trường ĐH, CĐ phải hoàn tất việc  xét tuyển. Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH công lập và ngoài công lập đã bước vào năm học mới, tuy nhiên còn có không ít các trường, chủ yếu là trường ngoài công lập vẫn mong ngóng thí sinh.

Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận, dịch vụ đào tạo đại học đang cạnh tranh hết sức quyết liệt. Trường nào có uy tín với xã hội sẽ  thu hút được người học và ngược lại.

Khó tuyển

Cho dù mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 này, xã hội ghi nhận việc Bộ GD&ĐT đã có nhiều giải pháp nhằm giúp các trường đại học ngoài công lập có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để xét tuyển. Đến thời điểm này, nhiều trường đã hoàn tất công tác xét tuyển như Đại học Thăng Long, Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, Đại học Phương Đông... nhưng cũng còn nhiều trường đang lo lắng vì vắng bóng người đến đăng ký xét tuyển.

>> Mô hình đại học ngoài công lập thiếu sức hút

Những ngày cuối cùng xét tuyển các nguyện vọng nhưng Trường Đại học Lương Thế Vinh chỉ nhận được hơn 100 bộ hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong khi tổng số chỉ tiêu trường đăng ký và được giao là 1.000. Đại học Hòa Bình cũng nhận được khoảng 150 hồ sơ với 600 chỉ tiêu đào tạo cho năm học này.

Đại học ngoài công lập khó tuyển sinh

Do đâu đại học ngoài công lập khó tuyển

Cá biệt như Trường Đai học Chu Văn An chỉ tiêu do trường xây dựng và được giao lên đến 1.000 chỉ tiêu, nhưng cũng chỉ có khoảng gần trăm hồ sơ đăng ký.  Cũng như vậy, tình trạng khó khăn về nguồn tuyển cũng đến với các trường ngoài công lập khác như Đại học Hà Hoa Tiên, Đại học Đông Đô, Đại học dân lập Hải Phòng… số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển còn thấp hơn.

Nhằm tháo gỡ khó khăn nguồn tuyển cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, thể theo yêu cầu của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, Bộ GD&ĐT đã bổ sung nhiều điểm mới trong quy chế để các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh. Từ việc không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn đợt trước, miễn không thấp hơn điểm sàn (năm 2012).

Tuy nhiên cách này không hiệu quả, các trường ngoài công lập lại cho rằng đây là một trong những lý do khiến trường không nhận đủ người học so với chỉ tiêu nên Quy chế năm 2013 lại yêu cầu: “Điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm đợt trước”. Đặc biệt việc thay đổi cách thức xác định điểm sàn dựa vào phổ điểm (tổng điểm bình quân của các thí sinh), đề thi được ra phù hợp với sức làm bài của thí sinh, điểm thi tăng cao.... nhưng vẫn không giúp cho các trường những năm trước khó tuyển, năm nay thuận lợi hơn.

>> Cần nhiều biện pháp cứu trường đại học ngoài công lập

Tại sao vẫn khó tuyển?

Ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Hải Phòng đưa ra câu hỏi rằng: Không hiểu thí sinh chạy đi đâu? Và cho biết trường sẽ tiếp tục xét tuyển đến hết ngày 30/10, nếu thí sinh vẫn đến ít, chúng tôi sẽ đề nghị Bộ GD&ĐT cho trường xét tuyển riêng. Thực ra câu trả lời có ngay trong câu hỏi của ông hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Hải Phòng.

Không nói nhưng nếu làm quản lý các trường đại học ai cũng biết, cứ vào mỗi mùa tuyển sinh, cạnh tranh trong nguồn tuyển giữa các trường ngày càng quyết liệt, đặc biệt là những trường mới thành lập, mọi thứ đều bắt đầu. Trong khi xã hội, người học ngày càng thông thái hơn thì việc quyết định trường nào sẽ dựa vào uy tín xã hội, chi phí vừa phải thứ đến mới là những điều kiện khác.

Không nằm ngoài khó khăn chung trong tuyển sinh của các trường ngoài công lập, mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 này Trường Đại học Đại Nam được nhận 2.000 chỉ tiêu, đến thời điểm này trường có khoảng gần 800 thí sinh đăng ký xét tuyển.

Cho dù số đăng ký xét tuyển chỉ chưa được 50% nhưng ông Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường này khá lạc quan khi cho rằng: Có nhiều nguyên nhân khiến trường ngoài công lập khó tuyển sinh, do xã hội chưa tin tưởng, trường ĐH công lập lấy điểm chuẩn sát sàn và học phí lại thấp hơn.

Tuy nhiên ông Sơn vẫn tin tưởng thời gian sẽ ủng hộ các trường, nếu làm việc trách nhiệm và có được uy tín với người học và xã hội. Ông Sơn cũng dẫn chứng thành lập được 6 năm, trường đã mạnh dạn đầu tư lớn về cơ sở vật chất, đội ngũ, dù phát triển chậm nhưng dần đều, uy tín của trường với xã hội ngày càng tăng theo thời gian.

Không thể phủ nhận một điều là tâm lý chung trong xã hội hiện nay người học vẫn ưu tiên chọn các trường công lập, do uy tín đảm bảo, học phí vừa phải.... Thế nên việc nhiều trường ĐH công lập lấy điểm chuẩn ngang điểm sàn thì thí sinh nộp hồ sơ vào trường này cũng là điều tất nhiên.

Thêm nữa cũng phải nói rằng, chính sự mất ổn định trong các trường ngoài công lập cũng là nguyên nhân căn bản khiến uy tín những trường này giảm sút, người học không tìm đến. TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, chuyên gia tuyển sinh kỳ cựu đã từng có nhận xét: Kể cả việc Bộ GD&ĐT chấp nhận cho các trường ngoài công lập không cần thi, chỉ xét tuyển vào học, sẽ có những trường phải chấp nhận giải thể vì không có người học. Chỉ có trường nào gây dựng được uy tín, lòng tin với người học thì mới có chỗ đứng trong xã hội!

Còn nhớ ngay từ ngày mới thành lập trường, ông Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Trường Đại học Đại Nam đã từng lên tiếng: “Tôi không tin những ai bỏ tiền ra làm trường mà lại nói là vì sự nghiệp giáo dục. Là nhà đầu tư, chúng tôi bỏ tiền ra là mong thu lợi.

Tuy nhiên với giáo dục, là loại hình dịch vụ đặc biệt thì cần có thời gian và quan trọng nhất là không được ăn sổi, phải có trách nhiệm với người học và xã hội. Xem ra đây cũng là bài học vẫn còn mới với nhiều trường khi cần đi vào ổn định phát triển thì lại nảy sinh mâu thuẫn, kiện cáo, xói mòn lòng tin của người học và xã hội.

Theo Hiên Kiều, GDTĐ