Tin liên quan:

>> Điểm sàn đại học 2012

>> Điểm chuẩn đại học 2012

>> Điểm cao vẫn rớt đại học Y Dược TpHCM

Theo quy định mới về chính sách ưu tiên, ở kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại các huyện này thì hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học. Tuy nhiên, việc thực hiện thiếu thống nhất ở từng trường đã khiến hàng trăm thí sinh chịu thiệt thòi.

Từ chối thẳng thừng

Chẳng hạn, trường ĐH Ngoại thương quy định, chỉ tuyển học sinh xếp loại học lực loại giỏi các năm lớp 10, 11, 12 và tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi. Chỉ tiêu xét tuyển không quá 1% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường năm 2012. Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, TS Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Ngoại thương cho biết: "Nhà trường nhận được 14 hồ sơ xin tuyển thẳng nhưng chỉ có 8 thí sinh đủ điều kiện nhập học. 6 hồ sơ còn lại, trường ĐH Ngoại thương phải trả lại vì không đủ điều kiện".

Ở phía Nam, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM không nhận được bất cứ hồ sơ xét tuyển nào của học sinh thuộc 62 huyện nghèo (theo danh mục quy định). Ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM cho biết: "Thí sinh có học lực các năm lớp 10, 11, 12 và tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi sẽ được nhà trường tuyển thẳng vào hệ đại học. Còn thí sinh có học lực 3 năm THPT đạt loại khá được tuyển thẳng vào hệ cao đẳng. Có lẽ, do tiêu chuẩn quá cao nên không có thí sinh nào dám nộp hồ sơ xét tuyển".

Tương tự, trường ĐH Tôn Đức Thắng chỉ có 2 hồ sơ xin xét tuyển nhưng không thí sinh nào đạt tiêu chuẩn do nhà trường đưa ra. ThS Trịnh Minh Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Để tiêu chí cao quá thì không có thí sinh nào đạt yêu cầu. Nhưng nếu hạ tiêu chuẩn xuống thì học sinh được xét tuyển vào làm sao theo kịp sinh viên trong lớp?".

Không những để tiêu chuẩn cao, một số trường đại học, cao đẳng còn thẳng thừng từ chối hồ sơ xét tuyển của học sinh 62 huyện nghèo. Theo Sở GD - ĐT Thanh Hóa, Sở này đã chuyển hơn 1.000 bộ hồ sơ của các thí sinh được hưởng chính sách xét tuyển tới hơn 100 trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Đến nay, trường CĐ Y tế Thái Nguyên và trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội đã có văn bản trả lời Sở GD - ĐT Thanh Hóa là không nhận xét tuyển học sinh thuộc 62 huyện nghèo vào học.

Cần cụ thể hơn

Theo các chuyên gia giáo dục, Quy định tuyển thẳng thí sinh ở 62 huyện nghèo là điều tốt, mở đầu cho xu hướng tuyển thẳng học sinh vào đại học thay vì thi tuyển như hiện nay. Tuy nhiên, Bộ GD - ĐT cần phải có quy định rõ ràng để các trường thực hiện.

Bạn Trần Thị Dung, thí sinh ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: "Lúc đầu, mình định nộp hồ sơ xét tuyển vào trường ĐH Kinh tế TP. HCM nhưng thấy tiêu chuẩn của trường phải là học sinh giỏi 3 năm THPT và tốt nghiệp đạt loại giỏi nên đành ngậm ngùi rút lại. Học sinh ở các vùng sâu, vùng xa thường thường có sức học trung bình, vì vậy sẽ không có nhiều thí sinh được hưởng lợi từ chính sách trên".

Trong khi đó, ông Phạm Thái Sơn cho rằng, việc đưa ra tiêu chuẩn cao hay thấp để xét tuyển thẳng là do hội đồng khoa học và ban giám hiệu của mỗi trường quyết định. Vì vậy, Bộ GD - ĐT cần phải đưa ra chuẩn, học lực loại giỏi thì học sinh được xét vào ngành gì ở bậc đại học hay thí sinh loại khá, trung bình thì được xét tuyển vào trường nào, ngành nào. Mỗi trường sẽ dành bao nhiêu phần trăm chỉ tiêu tuyển sinh để tuyển thí sinh ở 62 huyện nghèo. Dựa trên chuẩn của Bộ GD - ĐT đưa ra, các trường sẽ đối chiếu để thực hiện. Tránh tình trạng như năm nay, chính sách ưu tiên thì có nhưng rất ít thí sinh được thụ hưởng.

Ông Phạm Thái Sơn cho biết thêm, năm nay trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM dự định, thí sinh nào thuộc diện tuyển thẳng ở 62 huyện nghèo sẽ được nhà trường cấp học bổng trong 4 năm. Chỉ tiếc, không có thí sinh nào nộp hồ sơ xét tuyển. Tương tự, ThS Trịnh Minh Huyền cho biết, quy định trên của Bộ GD - ĐT là thiếu thực tế. Dù có trường chịu nhận thí sinh vào, các bạn cũng rất khó hòa nhập với các sinh viên khác. Vì vậy, Bộ GD - ĐT cần phải có chính sách cho các thí sinh này học chương trình dự bị, giống như sinh viên nước ngoài theo học tại Việt Nam. Nếu không, khi tuyển vào các bạn theo không kịp chương trình, học rồi phải thi lại, học lại. Từ đó, sẽ nảy sinh gánh nặng học phí cho gia đình, bản thân các bạn thì mặc cảm với bạn bè. Tình trạng này kéo dài thì việc nghỉ học là không thể tránh khỏi. Như thế, một chính sách nhân văn của Nhà nước đã bị hoàn cảnh thực tế làm mất đi ý nghĩa.

Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, GS. TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT cho biết: "Bộ GD - ĐT đã có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện vấn đề trên. Các trường từ chối nhận thí sinh ở 62 huyện nghèo là sai. Trong thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu và điều chỉnh để quy định phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn".

Tin đang được quan tâm:

ĐIỂM THI - ĐIỂM THI 2012 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC NĂM 2012

ĐIỂM CHUẨN - ĐIỂM CHUẨN 2012 - ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC 2012

TUYỂN SINH - THÔNG TIN TUYỂN SINH, TIẾNG ANH - HỌC TIẾNG ANH

Kênh Tuyển Sinh

(Theo: Sinhvienvietnam)