Chìa bảng giá hợp đồng ký với cụm thi Vinh và Hải Phòng, lãnh đạo một trường ĐH thành viên ĐH Quốc gia Hà Nội băn khoăn vì hai mức giá quá chênh lệch. “Năm 2011, tại cụm thi Vinh, trường ký hợp đồng với kinh phí khi chia cho tổng số thí sinh đăng ký dự thi ra định mức 48.000 đồng/thí sinh. Năm 2012, định mức này tăng lên hơn 95.000 đồng/thí sinh với gói ủy quyền không thay đổi.

Đặc biệt, cùng năm 2012, khi có thêm cụm thi Hải Phòng, trường có dịp so sánh và khá sốc khi định mức ở cụm Hải Phòng chỉ có 48.000 đồng/thí sinh, rẻ bằng một nửa so với cụm thi Vinh. Tại sao trường chỉ thu từ lệ phí khoảng 67.000 đồng/thí sinh mà phải chi trả cho việc tổ chức thi gần 100.000 đồng/thí sinh và việc thống kê hồ sơ, chấm thi vẫn do trường tự làm?” - vị lãnh đạo trường này bức xúc.

Mỗi cụm một giá

Trong thông báo mới nhất của ĐH Hàng hải - “chủ nhà” của cụm thi Hải Phòng, định mức chi cho một thí sinh năm 2013 đã tăng hơn so với năm 2012, nhưng vẫn thua định mức của ĐH Vinh từ năm 2012. Theo đó, định mức chung tại cụm thi Hải Phòng năm 2013 khoảng 60.000 đồng/thí sinh, nếu ủy quyền hoàn toàn sẽ là 80.000-90.000 đồng/thí sinh. Ông Nguyễn Khắc Khiêm - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hàng hải - cho hay sau năm đầu tổ chức cụm thi 2012, nhà trường tổng kết và thấy mức thu - chi cân bằng nhau.

Trong bản kê khai chi tiết các khoản chi phí tại cụm thi Vinh, ĐH Vinh đặt ra nhiều đầu mục chi tiết như bên cạnh tiền hợp đồng phòng thi thì có cả cho khảo sát, liên hệ; bên cạnh chi phí công tác coi thi, bồi dưỡng cán bộ coi thi lại tính cả phí tập huấn coi thi, tập huấn SV tình nguyện... Cùng là hạng mục giấy thi nhưng từ năm 2012, ĐH Vinh đã yêu cầu các trường phải chi trả 1.800 đồng/môn tự luận, trong khi Trường ĐH Hàng hải cho đến năm 2013 vẫn giữ mức báo giá 1.050 đồng/môn tự luận (với mức tính 3,3 tờ giấy thi/thí sinh/môn thi). Số chênh không nhiều nhưng với lượng thí sinh dự thi tại cụm Vinh lên đến hơn 60.000 thí sinh thì mức chênh này thành đáng kể.

Ngày 11-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Tú Khánh, trưởng phòng kế hoạch - tài chính ĐH Vinh, cho hay thực tế với mức thu lệ phí thi hiện nay thì chỉ đáp ứng được 70% chi phí ngay cho các đơn vị tổ chức thi tại trường. “Đằng này tổ chức ở cụm thi, các trường được giảm nhẹ gánh nặng chi phí hơn rất nhiều so với cử người vào Vinh làm nhiệm vụ. Các trường không thể nói lệ phí có ngần này mà phải đóng kinh phí nhiều hơn cho cụm thi. Cụm thi càng không thể lấy tiền túi để trang trải tổ chức cho các trường được” - ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, nếu các trường ĐH ở Hà Nội đưa người vào Vinh để tổ chức thi, chi phí tối thiểu cho một phòng thi/đợt thi phải lên đến 6-7 triệu đồng (tiền đi lại, ăn ở cho hai cán bộ coi thi, tiền văn phòng phẩm cho thí sinh), trong khi chi phí ủy quyền cho cụm thi chỉ ở mức 2 triệu đồng là quá nhẹ nhàng.

Trong khi đó, lãnh đạo một số trường ĐH tại Hà Nội cho rằng không thể tính chi phí tại chỗ trên nền cơ sở so sánh nếu đưa cán bộ từ Hà Nội vào coi thi thì tốn kém hơn nhiều lần để lý giải căn nguyên cho mức giá cao hơn bình thường. Ông Khánh cũng cho biết năm 2012, các trường ủy quyền một phần cho cụm thi Vinh có thể chịu mức chi trả 100.000 đồng/thí sinh, các trường ủy quyền toàn bộ cho cụm thi Vinh phải chi trả mức 145.000 đồng/thí sinh. Năm nay, theo dự toán, chi phí này có thể tăng thêm 15%.

Tuyển sinh 7.000 chỉ tiêu, vẫn vô tư thi nhờ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ GD-ĐT thừa nhận tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ, tất cả các trường đều phải bù lỗ vì mức thu lệ phí không đuổi kịp mức giá thị trường. Ông Phạm Văn Bổng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội - cho biết mỗi năm trường phải chịu lỗ 3 tỉ đồng cho kỳ thi. Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2012 trường cũng phải bù lỗ 1 tỉ đồng.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn - trưởng phòng đào tạo ĐH Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho hay điều bất công trong tổ chức thi tuyển sinh ĐH là nhiều trường với số thí sinh dự thi không nhỏ nhưng nhiều năm qua vẫn tránh việc phải bù lỗ tổ chức thi tuyển sinh bằng cách không tổ chức thi. Thí sinh thi vào những trường này lâu nay vẫn thi nhờ vào trường khác, mọi chi phí phát sinh trong quá trình tổ chức thi đều do trường “được” thí sinh thi nhờ gánh chịu. “Năm 2013 trường đón 2.000 thí sinh thi nhờ, trong đó có 700-800 đến từ một trường ĐH kinh tế - kỹ thuật vốn có đến 7.500 chỉ tiêu ĐH, CĐ mà không chịu tổ chức thi. Đáng lẽ các trường này cũng phải ký hợp đồng cam kết chi trả như các trường ĐH đang phải ký với cụm thi mới công bằng” - PGS Sơn nói.

Điều đáng nói, theo một số lãnh đạo các trường ĐH, các trường không thể có nguồn nào bù lỗ cho việc tổ chức cũng như ủy quyền tổ chức cho các cụm thi nên rốt cục các khoản lỗ này lại âm thầm được bù lại từ nguồn học phí. “Tất cả thí sinh dự thi, nhưng chỉ có người trúng tuyển sau đó phải bù lỗ cho nhà trường bằng học phí là điều bất công” - một hiệu trưởng thừa nhận.

 

Thông tin mùa thi:

Nguồn tin: tuổi trẻ