>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Rút - nộp hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ: Mệt mỏi chờ đợi

Từ sáng sớm, nhiều thí sinh và phụ huynh đã đứng chờ tại Đại học Sư phạm TP HCM để vào rút hồ sơ xét tuyển. Bà Lê Thị Nhàn cho biết, bà đã phải đi từ lúc 2h sáng, bắt hai chặng xe buýt từ Tây Ninh xuống trường lúc 4h và ngồi chờ từ đó đến lúc nhà trường mở cửa. Con gái bà trước đó nộp hồ sơ vào ngành Sư phạm Văn, sau nhiều ngày mất ăn mất ngủ vì thấy hồ sơ ngày càng tụt hạng trên bảng danh sách nên đã quyết định rút.

Sau 4 giờ chờ đợi, bà Nhàn cùng nhiều phụ huynh khác được Phòng Đào tạo nhà trường thông báo đến chiều mới giải quyết. Bà Nhàn mệt mỏi cho biết: “Tôi ngồi chờ tại trường luôn, hy vọng sẽ rút được hồ sơ trong ngày hôm nay. Nếu hôm nay không rút được, tôi sẽ sang ngủ nhờ nhà người quen ở quận 6 để đỡ mất công đi lại. Từ khi bắt đầu thi đến giờ, mẹ con tôi đã 3 lần bắt xe lên thành phố để nộp và rút hồ sơ”.

Đứng tần ngần trước cửa Phòng Đào tạo, em Ngô Châu Linh không giấu được sự hoang mang, lo lắng. Em cho biết, em bắt xe từ Long An về TP.HCM từ sáng sớm để mong được rút hồ sơ được ngay, nhưng nhà trường lại thông báo đến ngày hôm sau mới trả hồ sơ. Em không có người quen tại TP.HCM nên đang băn khoăn nên tìm nhà trọ hay lại bắt xe về rồi hôm sau xuống sớm.

Cùng tâm trạng như Ngô Châu Linh, em Lê Xuân Kim Thi (Tân Trụ, Long An) cũng ngồi đợi được rút hồ sơ tại Đại học Sư phạm TP.HCM từ sáng sớm. Em than thở: “Các thầy cô nói khoảng 4h chiều sẽ trả hồ sơ cho em, nếu không kịp thì phải đợi đến ngày mai. Em ngồi tại trường đợi luôn, mệt mỏi cũng đành phải chịu chứ không biết làm sao”

Ngồi bệt ở cầu thang, mẹ con chị Thanh Thu cho biết, 2h sáng mẹ con chị đã bắt xe từ Vũng Tàu lên Đại học Sư phạm rút hồ sơ. Tuy nhiên, con chị trước đó đã làm mất biên lai thu tiền lệ phí nộp hồ sơ nên cán bộ tuyển sinh không giải quyết liền mà bắt viết đơn trình báo rồi hẹn tới chiều mới quyết định cho rút hay không.

Chị Thu lo lắng: "Hôm nay tôi đã phải nghỉ làm để đưa con đi, cứ rút tới rút lui mệt mỏi vô cùng. Giờ rút xong tôi lại lo không biết có nộp được hồ sơ luôn không hay phải chờ 1-2 ngày trường này xóa dữ liệu trường khác mới nhập được hồ sơ cho con mình. Nộp sang trường khác có an toàn không hay lại phải đi rút lần nữa. Từ đầu mùa thi tới giờ mẹ con tôi đã 5-6 lần đi lên thành phố rồi nhưng vẫn chưa có kết quả”.

Dù con chị được hơn 28 điểm khối D (môn Ngoại ngữ nhân hệ số 2) nhưng cả hai mẹ con vẫn lo rớt đại học vì quy trình xét tuyển năm nay quá rối rắm.

Giải thích về việc chậm giải quyết hồ sơ cho thí sinh, ThS Trần Văn Châu, Phó phòng Đào tạo Đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết do lượng thí sinh rút hồ sơ quá đông, cán bộ tuyển sinh phải làm thủ công nên không thể làm nhanh được. Tuy nhiên, nhà trường luôn cố gắng giải quyết ngay trong ngày, đặc biệt đối với những thí sinh ở tỉnh xa, cùng lắm là sang ngày hôm sau chứ không để phụ huynh phải chờ đợi 2 – 3 ngày, chỉ trừ những trường hợp các em khi đến rút lại quên hoặc mất giấy tờ vì việc tìm ra hồ sơ của các em mất rất nhiều thời gian.

Ông Châu cho biết, tính đến thời điểm này, nhà trường đã nhận được khoảng 8.000 hồ sơ nộp đăng ký xét tuyển và gần 1.000 thí sinh đến rút hồ sơ, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay chỉ hơn 3.000.

Tuyển sinh Đại học 2015: Phụ huynh bất an, học sinh lo lắng

Xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng đợt 1 năm nay đã và đang gây ra nhiều lo lắng, bất an cho phụ huynh và học sinh.

Hiện, số lượng thí sinh đến rút hồ sơ tại Đại học Đà Nẵng tăng lên từng ngày. Mấy ngày nay, số lượng thí sinh đến rút hồ sơ xét tuyển vào  Đại học Đà Nẵng ngày càng tăng. Những ngày đầu xét tuyển, số hồ sơ rút ra chỉ vài chục đến nay đã tăng lên vài ba trăm hồ sơ mỗi ngày.

Có mặt tại trường Đại học Đà Nẵng từ sáng sớm,chị Nguyễn Thị Hồng Vân quê ở thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, 2 mẹ con chị bắt xe đò vào Đà Nẵng từ chiều tối qua. Đây là lần thứ 2 chị đưa con vào Đà Nẵng, lần trước là nộp hồ sơ xét tuyển, còn lần này là xin rút hồ sơ. Đi lại tốn kém, vất vả nhưng điều khiến chị cũng như nhiều phụ huynh lo lắng là phương thức tuyển sinh năm nay có quá nhiều điểm mới, thông tin liên tục thay đổi gây nhiều lúng túng cho thí sinh và phụ huynh.

Những năm trước, đến thời điểm này đã biết đậu hay rớt, riêng năm nay  nộp hồ sơ rồi vẫn thấp thỏm lo lắng: “Lần trước vô nộp hồ sơ ở lại 3,4 ngày vì nghe nói 3 ngày họ thông tin 1 lần, xếp bảng điểm thì mình phải theo dõi, cỡ tuần ni vô lại đây lên coi bảng hạng điểm thì thấy họ làm răng mình cũng không hiểu nữa. Mấy năm trước thấy dễ vì chọn trường trước, thi xong là biết rớt hay đậu liền, còn giờ biết điểm rồi mà như đánh số, chơi chứng khoán phải ngồi chờ đợi, nhìn trên mạng thấy mệt mỏi, đau đầu luôn hơn cả thi đại học nữa.

Hiện nay, hầu hết các trường đều công bố danh sách thí sinh ở cả 4 nguyện vọng. Với cách làm này sẽ có nhiều thí sinh điểm cao ở ngành nguyện vọng 1 cũng có tên trong danh sách ở ngành khác. Đến khi xét tuyển thí sinh chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng. Vì thế danh sách thí sinh trúng tuyển ảo rất nhiều. Điều này buộc thí sinh phải cập nhật thông tin thường xuyên để có sự điều chỉnh phù hợp. Đối với những thí sinh ở gần đã khó, các em ở vùng sâu, vùng xa, việc cập nhật thông tin xét tuyển qua mạng internet càng trở ngại hơn.Đã vậy, khi muốn rút hồ sơ các em phải đến tận nơi làm thủ tục, vừa mất thời gian vừa tốn tiền đi lại.

Thí sinh Phan Hữu Tùng đăng ký xét tuyển vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng lo lắng: “Năm nay áp dụng công nghệ rất nhiều, cứ 3 ngày cập nhật thứ hạng một lần, bắt buộc phải lên mạng coi thứ hạng của mình để coi thử nên rút hồ sơ hay giữ nguyên”.

Để giảm bớt khó khăn cho phụ huynh và thí sinh, bắt đầu từ ngày 5/8  trang thông tin tuyển sinh trực tuyến của Đại học Đà Nẵng cập nhật thông tin đăng ký xét tuyển 2 ngày 1 lần, khuyến khích thí sinh đăng ký trực tuyến.

Theo Tiến sỹ Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng Ban Đào tạo- Đại học Đà Nẵng, đăng ký trực tuyến  đầu tiên phải in, nhưng rất ít thí sinh, phụ huynh có máy in ở nhà. Mặt khác dù có đăng ký xét tuyển trực tuyến đi chăng nữa, thí sinh vẫn phải đến nộp hồ sơ trực tiếp. Nhiều người phải bỏ công ăn việc làm đưa con đến tận nơi xét tuyển.

Tiến sỹ Trần Đình Khôi Quốc cho biết  thêm, Đại học Đà Nẵng sẽ sớm công bố điểm chuẩn dự kiến giúp thí sinh chọn ngành phù hợp với mức điểm của mình: “Với công bố trước đây, trong mỗi ngành ghi tất cả thí sinh có đăng ký vào ngành đó, kể cả nguyện vọng 1, 2, 3,4 thì thí sinh cũng không thể biết được mình có khả năng trúng tuyển hay không. Khi chúng tôi chạy chương trình để ra điểm chuẩn dự kiến thí sinh có thể nhìn vào để biết mình có khả năng trúng tuyển hay không. Có nghĩa là cung cấp cho thí sinh thông tin rõ hơn để thí sinh có thể chọn ngành phù hợp với mức điểm của mình, trước đây rất là khó nhìn, bản thân như bọn tôi nhìn cũng không được”.

Đến nay, Đại học Đà Nẵng đã tiếp nhận hơn 12.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng, thì đã có 700 hồ sơ xin rút xét tuyển. Tại các trường như Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế, Đại học Sư phạm và Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Đà Nẵng, số hồ sơ đăng ký xét tuyển vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh. Càng đến những ngày cuối, phụ huynh và thí sinh càng thêm bất an, lo lắng.

Theo:

  • Infonet, tin gốc: http://infonet.vn/vat-va-di-rut-ho-so-dang-ky-xet-tuyen-dh-cd-trong-dem-post171377.info
  • VoV.vn, tin gốc: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/tuyen-sinh-dai-hoc-2015-phu-huynh-bat-an-hoc-sinh-lo-lang-422330.vov