Vấn đề cốt lõi là đổi mới cách tiếp cận mục tiêu giáo dục

Vấn đề cốt lõi là đổi mới cách tiếp cận mục tiêu giáo dục
“Chương trình, sách giáo khoa mới sẽ góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục.” - Đó là khẳng đinh của thầy Lương Đào Quốc Dũng – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Chương trình, SGK mới hướng người học đến khả năng tự học, sáng tạo

Phân tích tác động của chương trình, sách giáo khoa mới đối với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, thầy Lương Đào Quốc Dũng cho biết:

Chương trình và sách giáo khoa hiện nay còn nặng về học thuật, ít tính ứng dụng, các yêu cầu về kỹ năng đối với người học cũng chưa được chú ý rõ rệt.


Vấn đề cốt lõi là đổi mới cách tiếp cận mục tiêu giáo dục - Ảnh 2Thầy Lương Đào Quốc Dũng  Các bộ môn tích hợp, liên môn, tự học, tự nghiên cứu bài học... được ngành giáo dục quan tâm chỉ đạo thực hiện nhưng hiệu quả thực sự còn chưa được như mong muốn.

Mối liên thông giữa các cấp học cũng là vấn đề phải giải quyết, điều đó có ảnh hưởng đến cách dạy cách học hiệu quả cũng như chất lượng của giáo dục toàn diện.

Chương trình, sách giáo khoa mới sẽ giải quyết những vấn đề trên, hướng người học đến khả năng tự học, sáng tạo, khả năng tự giải quyết vấn đề, khả năng chiếm lĩnh trí thức, kinh nghiệm và kỹ năng cấn thiết để thích ứng với "việc học, việc làm, việc sống và khẳng định mình". Đây cũng là yêu cầu của thời đại.

Chương trình, sách giáo khoa mới cũng đặt ra yêu cầu định hướng nghề nghiệp đối với học sinh phổ thông. Điều này phù hợp và cần thiết.

Các em học sinh cần sớm xác định thiên hướng bản thân, điểm mạnh, điểm yếu, sự đam mê, yêu thích và triển vọng thành công đối với các cơ hội nghề nghiệp mà mình sẽ chọn trong tương lai.

Chẳng hạn học sinh yêu thích và có năng khiếu về nghệ thuật nhưng các em chưa có sân chơi, chưa có cơ hội khẳng định, chưa được tư vấn... nên không thấy được mình nên chọn các ngành có liên quan đến nghệ thuật là phù hợp, mà chỉ chọn theo phong trào, chọn do cha mẹ, người lớn áp đặt ...

Từ đó dẫn đến nhiều khả năng thất bại trong nghề nghiệp hoặc không phát huy năng lực của mình.

Trong đề án 404/QĐ-TTg của Chính phủ về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông có xác định mục tiêu "góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục và phát triển con người Việt Nam toàn diện về Đức, Trí, Thể, Mỹ, hướng tới công dân toàn cầu". Điều đó khẳng định tầm quan trọng của việc thay đổi nội dung chương trình, cách dạy cách học và cách đánh giá.

Đổi mới cách tiếp cận mục tiêu giáo dục

Cũng theo ông Lương Đào Quốc Dũng, với chương trình, sách giáo khoa mới, các trường phổ thông phải có sự chuẩn bị, những chuyển động kịp thời.

“Trong năm học 2014 – 2015, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn về đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông cho cán bộ quản lý các Sở GD&ĐT; cán bộ quản lý trường trung học, trung tâm giáo dục thường xuyên.

Tinh thần chung là cần quán triệt những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết 88/2014/QH13 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa; Đề án 404/TTg của Thủ tướng Chính phủ” – ông Dũng cho biết.

Từ kinh nghiệm người đứng đầu một trường THPT, thầy Lương Đào Quốc Dũng cho rằng, chuẩn bị cho chương trình, sách giáo khoa mới, các trường học cần rà soát, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, những khó khăn thuận lợi của việc dạy học hiện nay.

Từ đó, xác định những thách thức và cơ hội khi thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa. Đồng thời, chuẩn bị dần những điều kiện như cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, điều kiện bên ngoài (xã hội cộng đồng), điều kiện bên trong (nội lực nhà trường), … đảm bảo cho việc tiếp cận mục tiêu thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình.

Từ đó, có thể thấy rõ vấn đề cốt lõi là đổi mới cách tiếp cận mục tiêu giáo dục và xây dựng hệ thống giáo dục mở hướng tới xã hội học tập và xây dựng nhu cầu học tập suốt đời.

Đối với giáo viên, cần tiếp tục thực hiện việc thay đổi phương pháp dạy học, lấy người học là trung tâm; sử dụng tốt các kỹ thuật giảng dạy; làm thế nào để giúp người học đi từ chủ động tiếp thu kiến thức đến ứng dụng tri thức vào thực tế cuộc sống ngay khi ngồi trên ghế nhà trường, từ sự độc lập của tư duy đến sự sáng tạo.

Điều này có thể còn khó khăn với chương trình và điều kiện hiện nay, nhưng nếu xác định hướng đi, chuẩn bị dần dần ở một số tiết, số môn thì sẽ thuận lợi hơn khi thực hiện thay đổi chương tình sách giáo khoa năm học 2018 -2019.

“Bên cạnh đó, giáo viên cần chú ý việc dạy học tích hợp liên môn và dạy học theo nghiên cứu bài học nhằm phát huy năng lực học sinh” – Thầy Lương Đào Quốc Dũng nhấn mạnh.

Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)