Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh 2014

Phương thức thi “3 chung” sẽ kết thúc sau 3 năm nữa. Tuy nhiên, điều này khiến nhiều thí sinh, phụ huynh và các chuyên gia giáo dục khá băn khoăn bởi không thể thay đổi kịp cách học, cũng như làm quen với kỹ năng thi mới chỉ với thời gian 6 tháng.

Thí sinh chưa kịp thích nghi

Phương thức thi “3 chung” sẽ kết thúc sau 3 năm nữa. Như vậy học sinh lớp 9 năm nay sẽ phải đối đầu với cuộc cải cách thi cử đại học sắp tới. Tuy nhiên, trong Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ 2014, Bộ GD-ĐT đã cho phép những trường có đủ điều kiện được tuyển sinh riêng ngay năm 2014.

Những thay đổi mang tính “bước ngoặt” này lại rất cận kề với kỳ thi “3 chung” (kỳ thi đã được sử dụng hơn 10 năm nay), khiến nhiều thí sinh và phụ huynh hoang mang, lo lắng bởi không thể thay đổi kịp cách học, cũng như làm quen với kỹ năng thi mới chỉ với thời gian 6 tháng.

Cụ thể, vào năm 2014, các trường có thể lựa chọn phương thức tuyển sinh riêng theo hình thức: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Ngoài ra trường có thể bổ sung thêm các hình thức kiểm tra thông qua: Phỏng vấn, viết luận, thực hành, kiểm tra năng khiếu…

thí sinh băn khoăn với đề án đổi mới tuyển sinh

Nhiều học sinh vẫn quen với cách đánh giá của kỳ thi "3 chung".

Nhiều học sinh, phần lớn là những em sắp bước vào kỳ thi ĐH cho rằng sửa đổi thi cử là đúng, nhưng cần phải có thời gian. Đây là sự kiện có ảnh hưởng “trọng đại” đến cuộc đời một con người, thay đổi phải có kế hoạch chứ không thể thực hiện chỉ trong vài tháng. Từ trước đến nay, học sinh THPT chỉ thiên học lý thuyết, kỹ năng thực hành và trả lời phỏng vấn rất yếu. Hơn nữa, đến thời điểm này việc ôn thi theo “truyền thống” đã đi vào “quỹ đạo”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Xuất phát từ thực tế các trường đã thực hiện kỳ thi “3 chung” trong một giai đoạn dài. Đến nay, điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và kinh nghiệm tổ chức thi… của các trường là khác nhau. Do đó, để đảm bảo quá trình chuyển từ phương thức thi “3 chung” sang phương án tuyển sinh riêng do từng trường đảm nhiệm không gây xáo trộn, lo lắng cho học sinh và phụ huynh, Bộ GD-ĐT chủ trương giao cho các trường có đề án tuyển sinh riêng, đáp ứng các yêu cầu của Dự thảo.

Thời điểm này hiện đã có 17 trường ĐH, CĐ gửi tới Bộ GD-ĐT phương án tuyển sinh riêng, tất cả đều là các trường ĐH ngoài công lập. Thời gian này, các trường được tự lựa chọn phương án tuyển sinh, nếu các trường chưa thực hiện tuyển sinh riêng, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh “3 chung” trong vòng 3 năm tới.

Đây là lộ trình nhằm giúp từng trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng đáp ứng các yêu cầu, nội dung, điều kiện quy định. Đồng thời, phù hợp với những học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10, có thời gian dài để thích nghi với cách thi và học mới.

Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Ngọc Sơn (phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương) cũng bày tỏ băn khoăn: “Việc đổi mới thi riêng được đặt ra trong điều kiện hiện nay khiến tôi e ngại về tình trạng luyện thi tràn lan, tiêu cực trong thi cử. Tại sao không phải là mở rộng số kỳ thi ĐH trong năm? Chẳng hạn mỗi năm sẽ có hai kỳ thi ĐH và mỗi kỳ vẫn có 2-3 đợt, cách nhau 5-7 ngày/đợt. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT với lợi thế và chức năng của mình sẽ là nơi cung cấp đề thi cho các trường. Trong cùng đợt thi, các trường cùng thi khối A sẽ thi chung đề khối A, khối B, C ... cũng như vậy.

Bộ nói các trường phải tổ chức thi riêng và việc ra đề phải do các trường tự làm (dù có thể sử dụng đề của nhau khi trường này đăng ký theo đề án của trường khác đã được duyệt) là đang đi từ thái cực này sang thái cực khác, từ siết chặt sang buông hết, mà thái cực chuyển đến ẩn chứa những tiêu cực tất yếu về sự không minh bạch, luyện thi, mua bán đề thi...”

Có gây khó cho trường NCL?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, ngay trong năm 2014, trường nào có đề án tuyển sinh riêng thỏa mãn các quy định tiêu chí của quy chế tuyển sinh thì sẽ được phép tuyển sinh riêng. Còn trường nào chưa có đề án tuyển sinh riêng thỏa mãn yêu cầu thì vẫn tiếp tục tuyển sinh 3 chung cho đến năm 2015.

Nhắc đến việc quyết định của Bộ, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết: “Trước đây, đã có phản ánh Bộ GD vi phạm Điều 14 của Luật ĐH quy định rằng việc tuyển sinh là do tự chủ của các trường, Luật có hiệu lực từ năm 2013, nhưng Bộ lại lên tiếng là phải thực hiện theo lộ trình từ 3 đến 4 năm sau”.

Bên cạnh đó, ông nói rõ thêm: “Đến bây giờ Bộ có thay đổi chút ít, nhưng lộ trình đó vẫn giữ lại, Bộ cho tự chủ nhưng trường nào xây đề án mới được tự chủ, đâu phải trường nào cũng đủ điều kiện làm việc đó. Vì vậy, có thể nhìn thấy thực sự có tiến bộ nhưng một góc độ nào đó vẫn bảo thủ, chưa thực hiện đúng theo yêu cầu của nhiều trường”.

Đã từng có khá nhiều ý kiến băn khoăn về việc nếu để cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tự chủ tuyển sinh thì sẽ khó kiểm soát quy mô, chất lượng hoạt động. PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, điều đó là sai lầm vì hiện nay, người học rất khắt khe khi chọn lựa trường học phù hợp với bản thân. Thị trường lao động cũng rất nghiêm khắc trong tuyển dụng người có năng lực, trình độ thực sự đáp ứng được yêu cầu mà cơ quan, doanh nghiệp đang cần. Nếu trường ĐH, CĐ nào không đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu trên thì tự khắc sẽ bị đào thải và dẫn đến buộc phải đóng cửa.

Việc giao cho các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh sẽ tạo bình đẳng giữa trường công lập và trường ngoài công lập. Điều này cũng phù hợp với Luật Giáo dục đại học và xu thế chung của nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Từ trước đến nay, Bộ GD-ĐT luôn đưa ra nhiều tiêu chí đối với trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Trong đó có khống chế chỉ tiêu tuyển sinh. Theo tôi, thay vì khống chế chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào, Bộ GD-ĐT nên có biện pháp quản lý hoạt động và chất lượng sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ.

Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ nên căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và năng lực tài chính thực chất của các trường để đào tạo ra nguồn nhân lực cho chất lượng cho xã hội.

Để xử lý những sai phạm trong tự chủ tuyển sinh, đào tạo, PGS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng: “Để quản lý hoạt động của các trường, Bộ GD-ĐT không nên ôm đồm quản lý nhiều trường ĐH, CĐ mà chỉ nên quản lý những trường trọng điểm, còn những trường còn lại nên thành trường ngoài công lập và để cho các Hội đồng quản trị của các trường ĐH, CĐ ngoài công quản lý, chịu toàn bộ trách nhiệm hoạt động.

Việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường phải gắn với trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân cụ thể, không thể chung chung. Trách nhiệm đó phải gắn bó mật thiết với quyền lợi của người học, vì nguồn nhân lực của quốc gia”.

Theo Khánh An, Petrotimes