Tin liên quan:

>> Đáp án đề thi đại học

>> Lịch thi Đại học Cao Đẳng

>> Đã có đáp án chính thức đề thi đại học

Với hành trang kiến thức 12 năm đèn sách, sự trông chờ, động viên của gia đình, thầy cô, và khát khao được vươn tới một cánh cửa mới của cuộc đời, những thí sinh của mùa thi ĐH, CĐ 2012 chia sẻ suy nghĩ.

Hồ Hoàng Phương (Biên Hòa, Đồng Nai), thí sinh thi vào Trường ĐH Tài nguyên - môi trường TP.HCM:

Tự lựa chọn con đường riêng của mình

* Vì sao bạn chọn ngành quản lý đất đai? Có ai định hướng chọn nghề cho bạn không?

- Từ hồi lớp 9 em đã chọn và thích nghề này. Nói chung em thích mày mò, đo đạc, tìm hiểu về lĩnh vực đất đai và rất thích công việc của một người quen đang công tác trong ngành địa chính. Ba mẹ em thì không can thiệp và tôn trọng sở thích, lựa chọn của con, chỉ đưa ra những lời khuyên. Ngay cả đi thi, mẹ muốn đưa đi thi nhưng em muốn tự lập, nên ba mẹ đã để em đi thi một mình.

* Sao bạn không chọn trường gần nhà để thi?

- Em muốn đi xa hơn để học hỏi và khám phá, và cũng là dịp thay đổi bản thân mình khi ở một vùng đất mới.

* Ba mẹ có đặt nặng việc bạn phải thi đậu trong kỳ thi này?

- Hoàn toàn không. Ba mẹ nói con cứ thoải mái tinh thần, rớt thì năm sau thi lại, không có gì phải lo. Nói chung ba mẹ từ xưa tới nay tạo điều kiện cho em được tự lập trong cả suy nghĩ lẫn hành động. Em thấy các bạn cùng lứa muốn thi trường này nhưng ba mẹ các bạn bắt phải thi vào trường mà ba mẹ thích. Mình đang ở tuổi lớn, đang tìm kiếm ước mơ mà ước mơ bị “vùi dập” như vậy thì thật sự rất mất tự do. Ngay cả việc học bài, ba mẹ em cũng không ép mà nêu cao tính tự giác. Vì ép học mà con cái không muốn học thì kiến thức cũng không thể vào trong đầu được.

* Bạn có thấy căng thẳng trước kỳ thi không?

- Em coi các kỳ thi chỉ giống như các bài kiểm tra, bài thi học kỳ trong trường. Thi đại học thì sẽ ở một bậc cao hơn, khó khăn hơn một chút để thử sức mình. Thậm chí em thấy hôm thi tốt nghiệp còn áp lực hơn thi đại học. Vì nếu thi tốt nghiệp rớt, sẽ không có cơ hội đi thi đại học nữa.

* Bạn có dự định gì sau khi thi xong?

- Nếu đậu, em sẽ tranh thủ ôn tập lại kiến thức cũ để có thể học tốt năm thứ nhất là kiến thức đại cương. Chắc sẽ tìm một việc làm thêm gì đó để có thể tự lo cho mình một phần, không phụ thuộc hoàn toàn vào ba mẹ. Nếu rớt thì về nhà, năm sau thi lại. Cũng có thể em sẽ nghĩ đến chuyện đi học nghề rồi vừa học vừa làm. Nếu có tay nghề, em nghĩ mình vẫn sẽ tìm được một công việc tốt.

* Bạn chỉ đăng ký thi khối B vào trường duy nhất, trong khi nhiều thí sinh khác thường đăng ký cả hai đợt, rồi thi thêm cao đẳng cho... chắc ăn. Vì sao vậy?

- Vì trước giờ em đã nghiên cứu kỹ và thấy thích trường này. Đã quyết tâm vào trường này rồi nên em không đăng ký thi cao đẳng nữa. Nếu rớt, năm sau em vẫn thi trường này mà thôi.

Nguyễn Thị Quỳnh (xã Ea Sar, Ea Kar, Đắk Lắk), thí sinh dự thi vào Trường ĐH Tài chính - marketing:

Học tập để giúp đỡ gia đình

* Lần đầu tiên khăn gói xuống Sài Gòn dự thi, cảm xúc của bạn như thế nào?

- Cảm giác thành phố rộng lớn và ồn ào, ban đầu em nghĩ người thành phố không thân thiện như ở quê, nhưng rồi em rất bất ngờ khi gặp các anh chị Tiếp sức mùa thi và nhận được sự quan tâm của cô chủ nhà trọ, nơi mẹ con em được ở miễn phí. Trước khi lên xe, cha mẹ em chỉ cầu khấn trời đất để em có được một chỗ ở tốt và được giúp đỡ để đi thi. Giờ thì hết lo rồi vì em nhận được tình cảm và sự giúp đỡ của rất nhiều người.

* Bạn và gia đình kỳ vọng những gì ở kỳ thi này?

- Kinh tế gia đình em trông vào cây mía nhưng năm nay thất thu, cha mẹ phải vất vả xoay xở để có tiền cho em đi thi. Cha mẹ nuôi ba chị em ăn học rất vất vả. Em là con cả nhưng hay ốm đau nên cha mẹ rất lo, chỉ mong em ăn học đỗ đạt. Ở buôn em, đa số chỉ học tới lớp 9, hiếm người học tới lớp 12. Nên em chỉ mong mình đậu đại học hoặc cao đẳng để một lần nữa được bước chân lên mảnh đất Sài Gòn này. Lúc đó, em sẽ giúp đỡ được gia đình mình, trước hết là về mặt tinh thần. Cha mẹ sẽ vui và tự hào lắm. Và sau đó là tiếp sức cho hai đứa em của em để sau này các em cũng có thể chọn được con đường tốt. Nói chung áp lực trước kỳ thi cũng rất lớn.

* Cha mẹ có tạo áp lực cho bạn không, hay bạn tự tạo áp lực cho mình?

- Cha mẹ luôn động viên và nói “nếu con đậu đại học được thì tốt, không thì học cao đẳng rồi liên thông lên đại học hoặc năm sau thi tiếp”. Em cũng tự đặt áp lực cho mình là phải cố gắng hết sức bởi mình là học sinh nghèo, có nhiều thua thiệt hơn so với các bạn trên phố, chỉ có con đường học vấn là có thể giúp mình có một chỗ đứng trong xã hội để giúp đỡ gia đình. Nói là áp lực nhưng em cũng cố gắng giữ tâm lý thoải mái trong mấy ngày thi, chủ yếu là thư giãn và ôn tập nhẹ nhàng, vì em nghĩ căng thẳng quá sẽ không tốt.

Em đã dự tính nếu thi rớt, em sẽ về nhà lo phụ việc trồng trọt cho cha mẹ. Chờ đến tháng 4 năm sau, em lên thành phố ôn thi hai tháng để thi lại. Thi cho đến khi nào đậu thì thôi.

Ngô Quốc Nhân (Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM), thí sinh thi vào Trường Đh y Phạm Ngọc Thạch:

Tự tạo áp lực

* Kỳ thi lần này quan trọng như thế nào đối với bạn?

- Gia đình em rất khó khăn nên ba mẹ mong em đậu đại học để sau này có thể đỡ đần gia đình. Em cũng mong mình có thể cố hết sức, đạt kết quả tốt nhất để được bước chân vào cổng trường đại học, để từ đó có một công việc thật tốt, phụ giúp kinh tế gia đình, ba mẹ đỡ phải buôn bán vất vả ở ngoài đường.

* Vì sao bạn chọn ngành y?

- Cả em và ba mẹ đều thích ngành này. Em đã ấp ủ ước mơ được trở thành bác sĩ từ rất lâu rồi và mong rằng nếu đậu sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này có thể đóng góp hết mình cho xã hội.

* Bạn có tạo áp lực cho mình “nhất quyết phải đậu đại học” không?

- Em cũng tự tạo áp lực và rất căng thẳng trước kỳ thi. Bởi em biết ba mẹ rất thương mình và chỉ hi vọng con thi đậu,  ăn học thành tài để gia đình có thể khá hơn. Suốt những ngày thi ba mẹ cứ lo lắng đứng ngồi không yên. Mẹ em băn khoăn là thi đậu thì chưa biết lấy tiền đâu để đóng học phí, nhưng cũng an ủi, động viên em là “cứ thi đậu sẽ có người giúp đỡ”. Vì vậy em chỉ biết cố gắng làm bài thật tốt để có kết quả cao.

Tin đang được quan tâm:

ĐIỂM THI - ĐIỂM THI 2012 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC NĂM 2012

ĐIỂM CHUẨN - ĐIỂM CHUẨN 2012 - ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC 2012

TUYỂN SINH - THÔNG TIN TUYỂN SINH, TIẾNG ANH - HỌC TIẾNG ANH

Kênh Tuyển Sinh

(Theo: Tuoitre)