Kỹ năng thuyết trình: Những câu nói nên tránh khi diễn thuyết

1. “Tôi đang vô cùng mệt mỏi”

Khi bạn thuyết trình, có hàng trăm thậm trí hàng nghìn khán giả đang theo dõi bạn, bạn tuyệt đối không được bắt đầu bằng câu nói: “Tôi thực sự mệt mỏi…Tôi đang vô cùng mệt mỏi…”. Hãy đặt địa vị của mình vào khán giả, bạn có muốn nghe một câu nói như vậy không? Khán giả chỉ muốn nghe những thông tin thú vị, tốt đẹp và ý nghĩa thay vì những câu nói trống rỗng, vô nghĩa. Nếu bạn đang thực sự mệt mỏi, tốt hơn hết là nên hủy bỏ buổi thuyết trình và lấy lại tinh thần cho một ngày đẹp trời khác.

2. “Tôi sẽ quay trở lại vấn đề này sau”

Nếu có khán giả nào đó quan tâm đến một trong những vấn đề bạn đưa ra ở bản thuyết trình, thì đây chính là điều may mắn với bạn, bạn hãy chớp lấy cơ hội này và thông tin lại với khán giả. Nếu họ đặt câu hỏi, bạn nên giải đáp ngay vào cuối buổi thuyết trình, tránh bỏ lửng vấn đề và hứa quay trở lại vào dịp khác. Nếu một người nào đó đủ can đảm đặt câu hỏi cho bạn, bạn nên khen ngợi, cảm ơn họ và mời gọi những khán giả khác đặt câu hỏi cho mình. Bí quyết thuyết trình quan trọng là đừng trì hoãn bất kỳ điều gì.

3. “Các bạn có nghe thấy tôi nói gì không?”

Đây là câu hỏi của rất nhiều người khi bắt đầu buổi thuyết trình của mình? Nhiều người còn hét to vào micro vài ba lần với câu hỏi “các bạn có nghe thấy tôi nói gì không?”. Đấy không phải là một kỹ năng thuyết trình khôn ngoan. Tất nhiên là tất cả đều nghe thấy rất rõ, nhưng họ không trả lời bạn. Kiểm tra tần số âm thanh không thuộc về trách nhiệm của bạn. Nếu chẳng may hệ thống âm thanh trục trặc, bạn hãy bình tĩnh đi ra phía rìa sân khấu và kín đáo yêu cầu người điều hành kiểm tra giúp bạn. Lúc này, bạn cần phải bình tĩnh, tự tin, nhìn, cười với khán giả và chờ đợi bộ phận kỹ thuật sữa chữa.

4. “Tôi không thể nhìn thấy bạn vì ánh sáng chói quá!”

Khi bạn đứng trên sân khấu, ánh đèn và sức nóng của sân khấu sẽ làm bạn khó khăn để nhìn thấy rõ khán giả. Lúc này, bạn hãy nhìn chằm chằm vào khoảng tối trước mặt, thỉnh thoảng nở nụ cười và hành động như thể bạn nhìn thấy rõ từng người khán giả một. Bạn có thể tự do đi bộ về phía khán giả nếu bạn muốn nhìn thấy họ rõ hơn. Bạn tuyệt đối không dùng tay che mắt, nhưng hãy lịch sự yêu cầu bộ phận chiếu sáng điều chỉnh lại hệ thống ánh sáng để bạn không bị chói mắt. Tốt hơn hết, trước buổi thuyết trình, bạn hãy quan sát hệ thống chiếu sáng và yêu cầu điều chỉnh trước khi bắt đầu.

5. “Bạn có nhìn rõ những chữ này không?”

Trong bài thuyết trình có thêm phần trình chiếu slide minh họa, có một nguyên tắc cơ bản về kích cỡ phông chữ mà bạn nên lưu ý. Đó là, kích cỡ chữ thường gấp đôi độ tuổi trung bình của khán giả. Ví dụ, nếu khán giả của bạn ở độ tuổi 40, thì phải để phông chữ ở kích cỡ 80. Có thể bạn sẽ không áp dụng kỹ năng mềm này với nhiều dạng văn bản slide, nhưng hãy quan tâm đến vấn đề này.

6. “Hãy để tôi đọc to điều này cho bạn”

Có một điều chắc chắn không bao giờ xảy ra đó là khán giả dành thời gian đọc toàn bộ các slide trong bản thuyết trình của bạn. Nếu bạn đọc từng trang của slide đó sẽ làm người nghe cảm thấy buồn chán. Cách tốt nhất để khán giả chú ý là để văn bản đó dưới dạng slide show. Khán giả sẽ chú ý đến bản slide của bạn khi trên đó có càng ít chữ càng tốt. Khi bản slide của bạn gây được sự chú ý thì họ sẽ lắng nghe bạn. Điểm mấu chốt của vấn đề đó là chỉ sử dụng tiêu đề ngắn trên các bài thuyết trình của mình và ghi nhớ các văn bản mà bạn muốn đọc to. Nếu có vấn đề gì đó cần phải suy ngẫm, hãy dành một khoảng thời gian ngắn để khán giả tự đọc nó.

7. “Hãy tắt điện thoại, laptop, tablet của bạn”

Việc yêu cầu khán giả tắt tất cả các thiết bị cá nhân khi bạn bắt đầu thuyết trình có vẻ là việc làm xưa cũ. Khán giả có thể không quan tâm đến yêu cầu này của bạn và không thực hiện theo yêu cầu của bạn. Bạn chỉ có thể yêu cầu họ để điện thoại ở chế độ im lặng. Nếu bản thuyết trình của bạn thực sự hấp dẫn, bạn sẽ thu hút được toàn bộ sự quan tâm của mọi người. Vì vậy không nhất thiết phải yêu cầu họ tắt các thiết bị cá nhân.

8. “Bạn không cần ghi chép, bản thuyết trình sẽ có trên mạng”

Việc bạn tải bản thuyết trình của mình lên mạng không có gì là mới mẻ. Nhưng nếu đó là một bản thuyết trình tốt thì sẽ chứa không quá nhiều từ và nhiều người sẽ quan tâm đến nó. Đối với nhiều người, việc ghi chép một cái gì đó là cách dễ dàng để ghi nhớ một vấn đề mà họ quan tâm. Hành động viết ra một câu cũng là cách mà họ đưa nó vào trong bộ não của mình. Họ có thể thực sự có cảm hứng và nảy ra một ý tưởng từ những điều mà họ đã nghe được. Hãy để họ tự do làm bất cứ điều gì mà họ muốn trong khi bạn đang thuyết trình.

9. “Tôi sẽ giải đáp thắc mắc của bạn ngay lập tức”

Khi bạn đang trong mạch thuyết trình hiệu quả, một khán giả quan tâm đến vấn đề nào đó và họ đặt câu hỏi cho bạn. Bạn không nhất thiết phải giải đáp câu hỏi đó ngay. Hãy dành thời gian suy nghĩ để có được câu trả lời hay nhất. Bạn cứ tiếp nhận câu hỏi và dành thời gian giải đáp vào cuối buổi thuyết trình, vừa là để bạn có thời gian suy nghĩ cho thấu đáo, vừa là để giữ chân khán giả đến khi kết thúc buổi thuyết trình.

Tuyệt đối không được nói những điều này khi thuyết trìnhKỹ năng thuyết trình: Những câu nói bạn nên tránh khi diễn thuyết

10. “Tôi sẽ nói ngắn gọn thôi”

Đây là một lời hứa mà chưa chắc bạn đã giữ được. Nhiều người khi bắt đầu bài thuyết trình đều nói như vậy. Khán giả thực sự không quan tâm đến việc bản thuyết trình ngắn hay dài, cái mà họ quan tâm là nó có hay không thôi. Họ dành thời gian để lắng nghe bạn, vậy bạn phải làm sao cho họ có cảm hứng. Hãy nói với họ “Bản trình bày của tôi có thể góp phần thay đổi cuộc sống của bạn” hay “Bài trình bày này dự kiến sẽ diễn ra trong 30 phút, nhưng tôi sẽ làm điều đó trong 25 phút để bạn có thể đi ra ngoài và có một ly cà phê sớm hơn dự kiến”. Sau đó, tất cả những việc mà bạn phải làm là giữ đúng lời hứa đó.

Một số tips nhỏ giúp bạn cải thiện kỹ năng thuyết trình trước đám đông của mình

1/ Tìm hiểu về khán giả

Mỗi nhóm khán giả sẽ có những mô thức tính cách khác nhau. Hiểu rõ được điều này, bạn có thể thay đổi phong cách của mình phù hợp với thị hiếu từng nhóm mà không bị đóng khuôn vào một kiểu cách cứng nhắc nào.

2/ Cấu trúc bài nói của bạn

Nội dung hay sẽ chẳng là gì nếu như khi đứng trước đám đông bạn không còn nhớ gì về nó. Hãy cấu trúc bài viết của bạn theo trình tự dẫn dắt người nghe, và bạn chỉ cần ghi nhớ trình tự đó thay vì tất cả nội dung trong bản thảo, điều này cho phép bạn có thể diễn thuyết một cách tự nhiên thay vì phải nhớ và đọc làu làu lại như học sinh trả bài.

3/ Sử dụng ngôn ngữ cơ thể phù hợp

Hơn 50% hiệu quả bài nói đến từ việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là bạn phải cố sử dụng điệu bộ, cử chỉ bất cứ khi nào có thể. Hãy thể hiện bản thân ở mức độ vừa phải và sử dụng các cử chỉ thích hợp cho từng tình huống, bài thuyết trình của bạn sẽ trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều.

4/ Điều hòa cảm xúc bản thân

Không có gì lạ khi bước lên vị trí trình bày, tay chân bạn bỗng run bắn, miệng bạn lắp bắp mãi mới nói được tiếng “Xin chào!”, và tệ nhất là, nội dung và kỹ năng thuyết trình bỗng dưng bay biến đâu mất hết. Đừng lo, đây là phản ứng thông thường mà thôi! Trước hết hãy nhớ rằng, trong mắt khán giả, bạn luôn có vẻ bình tĩnh hơn thực tế. Điều đó có nghĩa, nếu bạn hồi hộp và vấp váp một vài chỗ, đừng xem đó như thảm họa, vì thực ra khán giả cũng không để ý nhiều, chỉ mình bạn ”có tật giật mình” mà thôi. Qua một lúc, sự tự tin sẽ dần trở về với bạn khi đã hoàn toàn tập trung tâm sức vào bài nói. Vài lần sau, phản ứng hồi hộp tự nhiên của cơ thể sẽ dần biến mất, và bạn trở thành một diễn giả đầy thuyết phục.

Kết luận:

Để có một bài thuyết trình hiệu quả và lôi cuốn người nghe phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Song, nếu bạn có sự chuẩn bị, tự tin vào bản thân, và đặc biệt tránh những lỗi ảnh hưởng xấu đến bài thuyết trình như trên thì phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về bạn.

 

Tham khảo từ Kynangthuyettrinh


Bài viết thuộc chủ đề: kỹ năng thuyết trình, các lỗi khi thuyết trình, bí quyết thuyết trình, tip cải thiện kỹ năng thuyết trình, kỹ năng thuyết trình hiệu quả.