Đã vào học được 5 tháng và thi xong 1 học kỳ nhưng ít nhất 141 sinh viên liên thông trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội sẽ phải nghỉ học theo quyết định của Thanh tra Bộ GD-ĐT vì được trường tuyển vào khi chưa đủ điều kiện để đào tạo liên thông.

ĐH Tài chính Ngân hàng Hà Nội vi phạm đào tạo liên thông ra sao?

 

Nhiều sinh viên muốn học liên thông nhưng không phải thi lại ĐH

 

Sinh viên và nhà trường cùng “tranh thủ”

Sau khi thanh tra việc đào tạo liên thông tại trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã phát hiện 141 thí sinh chưa đúng đối tượng đào tạo liên thông, bao gồm cả thí sinh tốt nghiệp CĐ loại trung bình, trung bình khá chưa đủ 1 năm làm việc gắn với chuyên môn đào tạo cũng được nhà trường xét cho tham gia dự tuyển và trúng tuyển nhập học. Điều này trái với quy định trước đây về đào tạo liên thông: yêu cầu sinh viên tốt nghiệp hệ CĐ loại trung bình, trung bình khá muốn học liên thông lên ĐH phải có thâm niên 1 năm công tác đúng chuyên môn đào tạo. Không những vậy, trường này cũng bị xử phạt hành chính vì tuyển sinh liên thông vượt chỉ tiêu tới hơn 40%.

Sai phạm trên xuất phát từ tâm lý muốn tranh thủ tuyển “vớt” đợt cuối hệ đào tạo liên thông trước khi quy định mới của Bộ GD-ĐT có hiệu lực. Với quy định mới, sinh viên CĐ muốn được đào tạo liên thông lên ĐH bắt buộc phải thi cùng thí sinh dự thi ĐH thông thường hoặc phải có 3 năm làm việc đúng chuyên môn. Quy định này được cho là khắt khe và gần như “đóng” lại cơ hội được học liên thông với sinh viên hệ dưới ĐH. Chính vì vậy, nhà trường cũng như sinh viên đều “tranh thủ” cho chuyến “tàu vét” này mà bỏ qua quy định khá rõ ràng của Bộ GD-ĐT.

>> Tìm hiểu về: Quy định đào tạo liên thông Đại học - Cao đẳng 2013

 

Với sai phạm trên của trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã ra quyết định xử phạt hành chính 140 triệu đồng, đặc biệt Bộ yêu cầu trường này kiểm tra, rà soát và hủy bỏ quyết định trúng tuyển đối với các sinh viên trường đã tuyển sinh năm 2012 không đúng đối tượng đào tạo liên thông cùng 141 sinh viên do Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT qua kiểm tra hồ sơ tại trường đã phát hiện.

Trường xin “nới tay”

Thời điểm này đã quá 10 ngày kể từ khi có quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ GD-ĐT, tuy nhiên việc xử lý hậu quả theo yêu cầu của thanh tra vẫn chưa được triển khai. Lý giải về việc này, ông Phạm Ngọc Ánh, Hiệu trưởng trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội cho rằng mức phạt hành chính đưa ra, trường hoàn toàn chấp nhận nhưng với quyết định hủy kết quả trúng tuyển đối với các sinh viên của trường và trả lại học phí như vậy thì cực kỳ nặng nề với trường ngoài công lập và lo ngại gây khó khăn lớn cho sinh viên và gia đình các em.

Theo ông Phạm Ngọc Ánh, kỳ tuyển sinh năm 2012, trường chỉ gọi nhập học được nửa số chỉ tiêu mà Bộ GD-ĐT giao và Bộ GD-ĐT đã tạo điều kiện cho các trường khó tuyển sinh được chuyển đổi chỉ tiêu chính quy dài hạn sang chỉ tiêu liên thông. Đây cũng là thời điểm quy định mới về đào tạo liên thông có hiệu lực nên trường gọi nhập học bù vào số ảo. Tuy nhiên, thí sinh đến nhập học đông quá dự kiến nên dẫn tới tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu. Điều khiến trường này khó giải quyết theo quyết định thanh tra là các sinh viên nói trên đã học được 5 tháng và thi học kỳ rồi. Với mong muốn không gây ảnh hưởng lớn đến các gia đình có con em học tập ở trường, nhà trường có kiến nghị với Bộ GD-ĐT là muốn Bộ xem xét xử lý theo hướng không hủy quyết định trúng tuyển của sinh viên, các em vẫn được tiếp tục học tập nhưng có thể nhận bằng tốt nghiệp sau 1 năm.

Trước kiến nghị này, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết, Bộ đang xem xét đề nghị của trường. “Quan điểm của Bộ là nếu không có tình tiết mới thì không thay đổi quyết định và thực hiện theo quyết định đã ký” - ông Nguyễn Huy Bằng khẳng định. Cũng theo ông Nguyễn Huy Bằng,  đối với những trường tuyển vượt chỉ tiêu nhưng sinh viên không đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn thì phải hủy quyết định và trả lại học phí cho sinh viên. “Quan điểm của Bộ là xử phạt luôn theo hướng đặt quyền lợi của sinh viên lên trên nhưng không thể cứ làm theo hướng phạt để cho tồn tại” - ông Nguyễn Huy Bằng khẳng định.

 

Tin bài gốc: aninhthudo

 

Thông tin cần biết:

 

Kenhtuyensinh

Theo: aninhthudo