Tuyển sinh theo nhóm: Thuận cho trường, lợi thí sinhTuyển sinh theo nhóm là giải pháp đang được kỳ vọng sẽ giải quyết nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh năm 2016. Ảnh: Thái Hiền

Càng đông càng đỡ "ảo"

Về sự cần thiết ra đời nhóm tuyển sinh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Trần Văn Tớp phân tích: Trong Quy chế tuyển sinh năm 2016, Bộ GD-ĐT đã có một số điểm mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Theo đó, thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa vào 2 trường trong đợt 1 và 3 trường vào các đợt bổ sung, tối đa 2 nguyện vọng vào mỗi trường. Với quy định này, một mặt thí sinh được quyền chọn trường rộng rãi hơn so với kỳ tuyển sinh năm 2015, nhưng hiện tượng "trúng tuyển ảo" sẽ tái diễn đối với nhiều trường, gây khó khăn, xáo trộn trong quá trình tuyển sinh của các trường ĐH, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trúng tuyển của thí sinh.

Nhằm khắc phục vấn đề này, Bộ GD-ĐT cũng cho phép thực hiện xét tuyển theo nhóm trường và nhóm GX do Trường ĐH Bách khoa chủ trì đã được hình thành. Nhóm sử dụng phương thức xét tuyển chung nhằm giảm thiểu hiện tượng "trúng tuyển ảo" cho các trường tham gia. Hiện, nhóm đã là G10 với 10 trường trên địa bàn Hà Nội đã chính thức tham gia. Ngoài ra, còn có Trường ĐH Y Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông, Trường ĐH Thương mại… đang xem xét khả năng tham gia nhóm. Ngoài nhóm trường GX ở khu vực Hà Nội, ĐH Đà Nẵng cũng đang trình đề án tuyển sinh theo nhóm trường.

Trong buổi họp báo mới đây để ra mắt nhóm GX, ông Trần Văn Tớp nhấn mạnh: Việc tuyển sinh theo nhóm không chỉ thuận lợi cho các trường thành viên mà cũng bảo đảm quyền lợi của thí sinh. Việc có nhiều thí sinh "trúng tuyển ảo" dẫn tới khả năng điểm trúng tuyển sẽ bị đẩy lên, như vậy có những thí sinh bị trượt oan khi mức điểm chuẩn được kéo trở lại. Lúc đó, thí sinh có điểm sát điểm chuẩn đã đăng ký vào trường khác, nên mất cơ hội. Như vậy, tránh được "trúng ảo" cũng có nghĩa là tránh được việc thí sinh bị trượt oan. Bên cạnh đó, phương thức tuyển sinh theo nhóm trường vẫn bảo đảm quyền tự chủ trong việc phân định và xác định chỉ tiêu dự kiến cho từng nhóm ngành.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, cũng khẳng định: Đề án tuyển sinh của nhóm GX đã được Bộ duyệt dựa vào tính khả thi: Các trường tham gia có chung phương thức xét tuyển là chỉ dùng kết quả thi THPT quốc gia. Giải pháp tuyển sinh nhóm sẽ hạn chế được trúng tuyển ảo bởi nhóm đã tập hợp được nguyện vọng của thí sinh đăng ký vào phần mềm dữ liệu chung. Càng có đông trường tham gia thì tỷ lệ ảo sẽ càng giảm, bởi thí sinh đã đủ sự lựa chọn trong nhóm nên không cần phải có lựa chọn ngoài nhóm nữa. Như vậy, các trường sẽ chủ động trong khâu xét tuyển vì đã nắm trong tay nguyện vọng của thí sinh. "Nếu nhóm có được 15 trường thì có thể coi như không còn trúng tuyển ảo nữa", ông Nghĩa nói thêm.

Thí sinh "ăn gian" sẽ mất ngành yêu thích

Trước ý kiến băn khoăn rằng, liệu quy định của nhóm cho phép thí sinh được đăng ký tối đa tới 4 trường trong nhóm (theo Quy chế tuyển sinh là tối đa 2 trường trong đợt đầu) có vi phạm Quy chế tuyển sinh hay không, ông Trần Văn Tớp cho biết: Đề án tuyển sinh theo nhóm trường bám rất sát Quy chế. Mặc dù thí sinh được đăng ký tới 4 trường nhưng số ngành tối đa vẫn chỉ là 4. Ví dụ, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào 4 trường khác nhau trong nhóm với mỗi ngành/trường; hoặc 2 nguyện vọng vào cùng 1 trường và 2 nguyện vọng còn lại vào 2 trường khác nhau… Thí sinh cũng có thể đăng ký cả trường trong nhóm và trường ngoài nhóm, miễn sao tổng số trường đăng ký không quá 2 ở đợt 1 và không quá 3 ở các đợt bổ sung. Nếu thí sinh trúng tuyển nguyện vọng xếp trên theo thứ tự ưu tiên thì sẽ không được xét các nguyện vọng sau nữa.

Khi đặt ra khả năng có thí sinh sẽ "ăn gian" bằng cách đăng ký 4 nguyện vọng ở các trường trong nhóm rồi lại đăng ký thêm các nguyện vọng ở các trường ngoài nhóm, ông Trần Văn Nghĩa khẳng định có thể xử lý vấn đề bằng giải pháp công nghệ thông tin: Thí sinh có thể sẽ nộp đơn vào nhiều trường hơn quy định, nhưng dữ liệu của thí sinh sẽ không nhập vào hệ thống của Bộ GD-ĐT sau khi đã đăng ký tối đa nguyện vọng. Trong trường hợp này, thí sinh sẽ gặp rủi ro bởi hệ thống sẽ thực hiện lựa chọn bất kỳ, như vậy thí sinh "ăn gian" sẽ mất đi cơ hội đăng ký vào trường, ngành học mà mình thực sự yêu thích. Do vậy, thí sinh không nên gian dối.

Thời hạn chốt số thành viên nhóm GX là ngày 22-4 và được mở cho tất cả các trường, miễn là có cùng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, theo phân tích của Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi Nguyễn Quang Kim: Các trường đều sẽ cân nhắc xem có lợi ích gì khi tham gia nhóm. Những trường chỉ lấy điểm trúng tuyển bằng ngưỡng bảo đảm chất lượng của Bộ GD-ĐT hay muốn xét tuyển bằng học bạ thì sẽ không tham gia, bởi không có lợi gì khi vào nhóm.


Theo Hà Nội mới, nguồn: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Tuyen-sinh/831116/tuyen-sinh-theo-nhom-thuan-cho-truong-loi-thi-sinh


Xem điểm thi tốt nghiệp 2016 nhanh và chính xác nhất tại kenhtuyensinh.vn