Trước “lệnh cấm” tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6 của Bộ GD-ĐT và trong khi Sở GD-ĐT Hà Nội chưa quyết được phương án hữu hiệu nhất, các trường THCS có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều hơn so với chỉ tiêu như “ngồi trên đống lửa”.

Nhiều trường đành đưa ra phương thức khảo sát dựa theo trắc nghiệm để kiểm tra kiến thức của học sinh như: kiểm tra chỉ số thông minh (IQ), chỉ số cảm xúc (EQ), chỉ số vượt khó (AQ) hay kiểm tra năng lực quan sát, kỹ năng, thái độ học tập của học sinh. Có trường còn đề ra ra phương án tổ chức tuyển sinh vào lớp 6 bằng hình thức tổ chức thi riêng môn Ngoại ngữ.

Là người có nhiều năm nghiên cứu tâm lý lứa tuổi học sinh, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên VOV.VN xung quanh những phương án mà các trường THCS đưa ra.

Nếu không “cấm” thì học sinh có thể đến lò luyện từ lớp 3

PV: Thưa ông, Bộ GD-ĐT nghiêm cấm các trường THCS không được thi tuyển vào lớp 6 trong khi Sở GD-ĐT Hà Nội lại chưa quyết được phương án cụ thể, hiệu quả cho các trường, nhiều người cho rằng, “lệnh cấm” của Bộ GD-ĐT hơi vội vàng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tuyển sinh lớp 6: Không thể để các trường tự tổ chức IQ, EQ - Ảnh 1
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm

TS Nguyễn Tùng Lâm: Việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường THCS không tổ chức thi tuyển lớp 6 (trong đó gồm những trường có số lượng hồ sơ lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh) là có cơ sở. Vì hiện nay, nước ta đang thực hiện Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tào” ở tất cả các cấp học.

Ở cấp Tiểu học, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 30 về không chấm điểm đối với học sinh ở cấp học này nhằm giảm tải tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan, khó kiểm soát. Việc làm này cũng là để học sinh không chỉ học tập các bộ môn văn hóa mà còn hướng tới rèn luyện toàn diện về nhân cách, đạo đức, lối sống cho các em.

Chúng ta đã và đang phổ cập THCS nên học sinh học hết Tiểu học đều được học lên cấp THCS. Điều đáng bàn là trong nhiều năm nay, những trường có số lượng hồ sơ lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh như: Đoàn Thị Điểm, Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành, Hà Nội-Amseterdam, Cầu Giấy… đều tổ chức thi tuyển đầu cấp. Nếu để những trường này tổ chức thi môn các môn văn hóa thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng phụ huynh luyện thi cho từ lớp 3 chứ không phải là lớp 5. Vì vậy, chúng ta phải ủng hộ chủ trương của Bộ GD-ĐT là không cho các trường THCS trên tổ chức thi các môn văn hóa khi tuyển sinh đầu cấp học.

Không thể để các trường tự tổ chức thi IQ, EQ…

PV: Trước “lệnh cấm” của Bộ GD-ĐT, nhiều trường đã đưa ra phương án thay thế thi tuyển bằng hình thức kiểm tra chỉ số IQ, EQ, AQ, tiếng Anh hay kiểm tra năng lực quan sát, kỹ năng, thái độ của học sinh. Theo ông, những hình thức kiểm tra này có thể thay thế bằng thi các môn văn hóa không?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Đúng là các trường có quyền đưa ra phương án tuyển sinh riêng của mình theo các hình thức trên. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là các trường chưa đủ năng lực để đưa ra phương thức kiểm tra và thẩm định các hình thức đánh giá IQ, EQ, AQ… một cách chính xác, khoa học. Vì vậy, không thể để các trường tự đưa ra các hình thức kiểm tra theo các chỉ số trên.

Nếu đưa ra phương thức đánh giá các chỉ số trên của học sinh thì cần hội đủ 3 nhà: Khoa học, tâm lý, giáo dục. Họ phải cùng thảo luận để đưa ra những bài kiểm tra phù hợp với lứa tuổi, năng lực và mong muốn tuyển sinh của các trường.

PV: Thưa ông, hiện nay, hầu như các trường có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều hơn so với chỉ tiêu chưa đủ các điều kiện để đề ra các phương thức tuyển sinh bằng kiểm tra chỉ số IQ, EQ, AQ trong khi đó, chỉ còn 2 tháng nữa là diễn ra mùa tuyển sinh đầu cấp. Vậy theo ông, để gỡ khó cho các trường, chúng ta phải thực hiện những gì?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Theo tôi, Bộ GD-ĐT ra yêu cầu cấm tuyển sinh lớp 6 là chưa đủ mà Bộ và Sở GD-ĐT các địa phương cần hướng dẫn, tạo điều kiện cho các trường thực hiện các phương thức tuyển sinh một cách hiệu quả, không gây xáo trộn trong xã hội.

Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan cần huy động các nhà khoa học, giáo dục và tâm lý thiết kế những bài kiểm tra mẫu để các trường, phụ huynh và học sinh biết và làm quen. Những bài kiểm tra này có phải có hội đồng đánh giá, thẩm định, đưa ra phổ điểm, đáp án một cách khách quan. Bài kiểm tra này có thể để do máy tính chấm. Sau đó, các trường có thể chọn lựa những dạng bài kiểm tra phù hợp nhất để tuyển học sinh vào trường mình.

Cho phép nhưng phải kiểm soát chặt việc tổ chức ôn luyện

PV: Nếu như đồng ý với phương án để các trường thực hiện các phương thức tuyển sinh một cách hiệu quả thông qua hình thức kiểm tra IQ, EQ, AQ thì có thể dẫn đến tình trạng phụ huynh đổ xô cho con tìm đến các trường, các giáo viên để ôn luyện cho hình thức thi này. Như vậy là chủ trương cấm tổ chức thi tuyển để giảm tải học thêm-dạy thêm của Bộ GD-ĐT vẫn bị “lách luật” dưới hình thức khác. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Chúng ta phải chấp nhận điều đó vì đây là “quy luật của thị trường. Khi có nhu cầu của phụ huynh muốn cho con được học ở môi trường học tập tốt thì chắc chắn phải có những dịch vụ giáo dục đi kèm để phục vụ nhu cầu đó. Điều quan trọng là chúng ta có thể kiểm soát được các cơ sở giáo dục ôn luyện cho học sinh như thế nào, có khoa học không hay là dựa trên hình thức ôn tập cho học sinh nhưng lại hoạt động biến tướng sang các hình thức khác.

Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và chính quyền địa phương phải kiểm soát được chất lượng hoạt động của các trường học, cơ sở giáo dục như thông qua chương trình ôn tập, chất lượng giáo viên… Tất cả mọi sự kiểm soát đều phải được công khai cho người dân biết.

PV: Xin cảm ơn ông!.

Theo VOV.vn, tin gốc: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/tuyen-sinh-lop-6-khong-the-de-cac-truong-tu-to-chuc-thi-iq-eq-395530.vov

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, tuyển sinh lớp 6