>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Nếu như năm học trước tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 TP.HCM cao hơn số học sinh (HS) lớp 9 sẽ tốt nghiệp THCS, đảm bảo tất cả HS đều có chỗ học, thì năm nay cánh cửa trường công lập bị thu hẹp lại do số HS dự thi cao hơn.

Chiều 8-4, Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 vào các trường công lập, tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn TP. Khác với năm học 2013-2014 có 15 quận huyện thi tuyển và 9 quận huyện xét tuyển, năm nay HS tại 24 quận huyện đều phải thi tuyển. Nhiều người dự đoán vì thay đổi này mà tỉ lệ chọi sẽ cao hơn và tính cạnh tranh cũng khốc liệt hơn.

Căng thẳng chỗ học

Chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM năm học 2014-2015 vào khoảng 62.000, trong khi tổng số HS dự kiến tốt nghiệp THCS khoảng 75.000 em. Như vậy, có khoảng 13.000 HS sẽ không có chỗ học ở trường công và phải tìm chỗ học tại các trường tư, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề. Mặt khác, ban giám hiệu một số trường THCS dự đoán số HS ở các quận, huyện trước đây xét tuyển sẽ hướng đến việc tìm chỗ học tại các quận lân cận, khiến tỉ lệ chọi ở các trường này căng thẳng hơn.

Số lượng HS lớp 9 tăng là cơ sở để nhiều trường công lập đều đăng ký chỉ tiêu tăng lên so với năm học trước như Trường Bùi Thị Xuân, Ernst Thalmann (Q.1); Nguyễn Trãi, Nguyễn Hữu Thọ (Q.4); Hùng Vương (Q.5); Lê Thánh Tôn, Tân Phong (Q.7); Lương Văn Can, Ngô Gia Tự (Q.8)... Bên cạnh đó, một số trường lại giảm nhiều chỉ tiêu như Marie Curie (Q.3) giảm 420 chỉ tiêu, Gia Định (Q.Bình Thạnh) giảm 180 chỉ tiêu.

Tuyển sinh lớp 10 Tp.HCM: Tỉ lệ chọi năm nay sẽ tăng cao

Tuyển sinh lớp 10 Tp.HCM: Tỉ lệ chọi năm nay sẽ tăng cao

Các quận huyện trước đây xét tuyển nay cũng tăng nhẹ chỉ tiêu so với năm học trước. Trong khi bảy trường công lập ở huyện Củ Chi khá ổn định về chỉ tiêu, thì tại Q.6, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi tăng chỉ tiêu từ 930 của năm ngoái lên 1.020 HS; ở Q.Thủ Đức, hai trường Nguyễn Hữu Huân và Hiệp Bình cũng tăng nhiều chỉ tiêu. Hai trường Bình Khánh và An Nghĩa tại huyện Cần Giờ cũng tăng chỉ tiêu so với mọi năm. Các trường Bình Chánh, Đa Phước, Lê Minh Xuân, Tân Túc ở huyện Bình Chánh đều đồng loạt tăng chỉ tiêu.

Tăng tư vấn hướng nghiệp

Cô Kiều Thị Thùy Trang, hiệu trưởng Trường THCS Hậu Giang, Q.11, cho biết: “Năm ngoái trường chỉ có tám lớp 9 thì năm nay là 12 lớp. Số HS tăng lên nhiều, HS khu vực này có tâm lý muốn chọn trường gần nhà. Do vậy, mức độ cạnh tranh chắc chắn sẽ cao hơn. Thời gian qua nhà trường đã tổ chức nhiều buổi giao lưu, hướng nghiệp, chuyên đề hướng dẫn cách chọn trường, chọn nghề phù hợp cho HS. Thực tế cho thấy nhiều em sức học tốt nhưng khi được tư vấn kỹ vẫn chọn học nghề vì nhanh có việc làm và phù hợp năng lực bản thân”.

Trong khi đó tại Q.5, ban giám hiệu Trường THCS Kim Đồng cho biết chờ kết thúc kỳ kiểm tra học kỳ II, sau đó sẽ dựa trên kết quả này để định hướng, tư vấn cho HS chọn trường phù hợp. Trường cũng dự kiến tổ chức tư vấn cho cả phụ huynh cách tính điểm, so sánh điểm chuẩn mọi năm của các trường tốp trên và các trường nằm trên địa bàn để phụ huynh có thể hướng dẫn cho con.

Trường THCS Nguyễn Văn Bé (Q.Bình Thạnh) có 500 HS lớp 9. Để chuẩn bị cho việc phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, nhà trường đã tiến hành làm việc với phụ huynh trên cơ sở điểm số, năng lực học tập của từng em. Những HS có nguy cơ không thể tốt nghiệp cũng được tư vấn kỹ để chọn lối đi phù hợp cho mình.

Theo số liệu do Sở GD-ĐT TP.HCM công bố, rất nhiều trường trung cấp tăng chỉ tiêu tiếp nhận, như Trường trung cấp Nguyễn Hữu Cảnh tăng 270 chỉ tiêu, Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Nam Sài Gòn tăng 120 chỉ tiêu, Trung cấp Phương Đông tăng 250 chỉ tiêu, Trung cấp Kinh tế kỹ thuật quận 12 tăng 350 chỉ tiêu... Như vậy, nếu làm tốt công tác tư vấn, số lượng HS chọn học nghề tăng lên, căng thẳng trường lớp ở bậc THPT sẽ giảm đi.

Sở GD-ĐT TP.HCM cũng khuyến khích các trường đẩy mạnh công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS nhằm giúp HS chọn lối đi phù hợp với năng lực bản thân, tuy nhiên số HS có thiên hướng học nghề sau lớp 9 chưa tăng nhiều. Nhiều hiệu trưởng cho biết do tâm lý của phụ huynh muốn con ăn học theo “nếp” truyền thống, tốt nghiệp THCS, THPT rồi vào đại học, nên HS còn thiếu mặn mà với việc học nghề. Thay vào đó, những HS không tìm được chỗ học ở trường công thì chuyển sang các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên để “đeo đuổi” tấm bằng tốt nghiệp THPT.

Nhiều trường tư thục giảm chỉ tiêu tuyển sinh

Năm học 2013-2014 được đánh giá là một năm “hẩm hiu” của các trường tư thục. Số lượng học sinh vào lớp 10 giảm hẳn. Khá nhiều trường không tuyển nổi chỉ tiêu, số học sinh nhập trường ít, khiến nhiều trường lao đao về kinh tế suốt một năm học vừa qua, đặc biệt là những trường mới thành lập.

Danh sách chỉ tiêu tuyển sinh năm nay cho thấy nhiều trường tư thục như Thăng Long, An Đông, Quang Trung - Nguyễn Huệ, Phan Bội Châu, Hoa Sen, Vạn Hạnh... đều giảm khá nhiều chỉ tiêu tuyển sinh do nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận. Một số ít các trường tư tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhưng số tăng không nhiều như Đông Du, Sao Việt, Khai Minh, Đinh Tiên Hoàng...

Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.12 cũng tăng từ 600 lên 768 chỉ tiêu. Trong khi đó, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.Tân Bình lại giảm từ 900 chỉ còn 700 chỉ tiêu. Tương tự, các trung tâm giáo dục thường xuyên ở quận 1, 3, 4, 5 và 8 đều giảm nhẹ chỉ tiêu.

Theo tác giả Lưu Trang, Thanh niên