ĐIỂM THI ĐẠI HỌC - ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC 2013

Nếu xét tuyển sợ không đánh giá đúng thực chất năng lực học sinh. Nếu thi tuyển lại quá tốn kém và cũng không đạt kết quả như mong muốn. Câu chuyện này đang diễn ra tại một số tỉnh, thành.

Điểm chuẩn vào lớp 10 thấp

Tại Huế, kết quả kỳ thi vào lớp 10 do Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế vừa công bố ngày 2/7 đã gây xôn xao dư luận. Phần lớn các trường đều tuyển không đủ chỉ tiêu. Trong đó, trường THPT Hai Bà Trưng có điểm chuẩn 23 điểm (ba môn), tuyển được 614 học sinh/630 chỉ tiêu, thiếu 16 chỉ tiêu. Trường THPT Nguyễn Huệ 20,5 điểm, tuyển được 611 học sinh/630 chỉ tiêu, thiếu 19 chỉ tiêu. Và thấp nhất là trường THPT Đặng Trần Côn chỉ với 1,25 điểm nhưng chỉ tuyển được 330 thí sinh/450 chỉ tiêu, thiếu 120 CT và được sở cho phép tuyển bổ sung 120 chỉ tiêu.

Tương tự, theo kết quả công bố điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2013-2014 mà Sở GD-ÐT Quảng Ngãi vừa công bố, trong 25 trường THPT tổ chức thi tuyển có điểm số đầu vào chênh nhau khá lớn. Trường có điểm xét tuyển nguyện vọng 1 cao nhất là THPT số 2 Mộ Ðức 27,4 điểm, thấp nhất là THPT số 2 Nghĩa Hành chỉ 6 điểm, THPT Thu Xà 10 điểm.

Theo phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi Trần Hữu Tháp, do đặc thù vùng miền (THPT số 2 Nghĩa Hành là miền núi, còn THPT Thu Xà ở miền biển) phải chịu thế thôi. Muốn đủ chỉ tiêu phải hạ điểm thấp mặc dù các trường đã thấy rõ chất lượng số học sinh này yếu hơn hẳn so với các vùng khác của Quảng Ngãi.

Thi để hạn chế bệnh thành tích

Điều bất thường ở cuộc thi vào lớp 10 vừa qua tại TP Huế là chỉ có 4.143 học sinh đăng ký thi vào tám trường THPT, trong khi tổng chỉ tiêu của các trường đã lên đến 4.070 chỉ tiêu (kể cả 300 chỉ tiêu ở TP Huế vào trường THPT chuyên Quốc học), chỉ thừa 73 chỉ tiêu nên gần như không có “tỉ lệ chọi”.

Lãnh đạo một trường THPT ở Huế cho rằng với số lượng thí sinh không nhiều như vậy, lẽ ra sở GD-ĐT chỉ nên tổ chức xét tuyển chứ không nên tổ chức thi gây sức ép không cần thiết cho học sinh, làm tốn kém cho gia đình thí sinh lẫn Nhà nước, mất nhiều ngày nghỉ hè đối với giáo viên. “Kỳ thi này kỳ lạ ở chỗ chỉ cần không bị điểm chết là đậu. Cả nước xưa nay làm gì có chuyện ba môn chỉ có 1,25 điểm cũng đậu” - vị này nhận xét.

Ông Phạm Văn Hùng, giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, cho biết việc tổ chức thi nhằm hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục. Các trường có sự đánh giá chưa thực chất nên nếu căn cứ vào kết quả của các trường để tuyển thì vẫn không có được chất lượng tốt. Vả lại số lượng đăng ký vượt so với chỉ tiêu. Mục tiêu của thi cử là để nhìn nhận rõ hơn việc dạy học tại các trường THCS để có sự chấn chỉnh trong quản lý. Mặt khác, việc thi cũng giúp các trường THPT nhìn rõ đối tượng (học sinh mới) của mình để có phương pháp dạy tốt hơn. Thực tế nếu không tổ chức thi thì làm sao biết được 250 học sinh bị điểm 0, trong khi hồ sơ đều đạt kết quả trung bình.

Bỏ thi tuyển dễ sinh tiêu cực

Theo ông Lê Tuấn Tứ - giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa, năm nay tỉnh Khánh Hòa đã quyết định bỏ kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trong toàn tỉnh, trừ trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Việc bỏ kỳ thi tuyển sinh lớp 10 để thay bằng việc xét tuyển như đã kể trên là “giảm được rất nhiều gánh nặng, lo toan cho cả học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo từ trường tới sở”.

Ông Tứ cho biết để chuẩn bị một kỳ thi vào lớp 10 như trước đây, học sinh phải lo học thêm, phụ huynh lo lắng, còn thầy cô giáo bị huy động đến cả ngàn người để tham gia tổ chức, coi thi, chấm thi. Trong khi đó, năm nào cả tỉnh cũng đều phải tuyển ít nhất 80% trở lên số học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào lớp 10 các trường công lập. Nếu tổ chức thi tuyển, điểm thi của thí sinh có thấp đến đâu cũng phải hạ xuống để đảm bảo phải tuyển cho đủ chỉ tiêu vào từng trường, của từng địa phương và của tỉnh.

Theo ông Tứ, như vậy hóa ra tổ chức một kỳ thi với quá nhiều vất vả, tốn kém như vậy cũng chỉ là để sàng lọc đối với 15-20% số học sinh còn lại mà thôi. Do đó bỏ bớt được một kỳ thi tuyển sinh như thế không chỉ tiết kiệm một khoản ngân sách rất lớn trong việc tổ chức thi mà còn góp phần chống, giảm tình trạng dạy thêm, học thêm vào mỗi mùa thi - ông Tứ nói.

Ông Lê Tuấn Tứ và một số hiệu trưởng các trường THPT đều cho biết việc xét tuyển vào lớp 10 theo phương án mà tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện là hết sức nhẹ nhàng. Tuy nhiên tất cả đều thừa nhận: “Dù tổ chức thi tuyển hay xét tuyển cũng đều không thể loại hết được 100% khả năng tiêu cực có thể xảy ra”. Một trong những khả năng tiêu cực được quan tâm nhiều nhất đó là có thể chạy điểm, chạy hạnh kiểm ở cấp THCS. Vừa qua Sở GD-ĐT đã cho kiểm tra đột xuất 12 trường THCS ở các địa phương và phát hiện một số trường tại TP Nha Trang, Cam Ranh, huyện Vạn Ninh... có chuyện cho điểm, ghi điểm không đúng.

Kinh nghiệm TP.HCM

Ông Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết hiện trên địa bàn TP.HCM có 9/24 quận, huyện thực hiện xét tuyển vào lớp 10. Các quận, huyện còn lại tổ chức thi tuyển. Phương pháp vừa thi vừa xét tuyển TP đã thực hiện từ nhiều năm nay (trước đây TP cho phép các vùng ven, ngoại thành nếu số lượng trường, lớp đáp ứng chỗ học cho 80% học sinh tốt nghiệp THCS trở lên sẽ được thực hiện xét tuyển) và khá ổn định, tạo được sự đồng thuận của nhiều người. Những học sinh thuộc khu vực xét tuyển vẫn có quyền đăng ký thi tuyển vào trường mình yêu thích nhưng sẽ mất quyền ưu tiên xét tuyển.

Cũng theo ông Đạt, mặc dù nhiều quận, huyện đủ sức nhận 100% học sinh tốt nghiệp THCS nhưng TP vẫn chỉ cho xét tuyển 80% (chỉ riêng Cần Giờ do đặc thù địa bàn khó khăn nên được tuyển hơn 90% vào công lập), số còn lại phải thực hiện phân luồng vào trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường THPT tư thục. Trong tương lai, sở cũng đang tính toán các bước nhưng có lẽ vẫn duy trì cả hai hình thức xét và thi tuyển. Vì hiện tại chúng ta đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS, việc thi tuyển ở một số địa bàn vẫn là việc làm cần thiết, tạo động cơ cho học sinh phấn đấu học tập, tạo điều kiện cho giáo viên nỗ lực hơn trong giảng dạy.

Thế nhưng theo các chuyên gia về tuyển sinh, sở dĩ các tỉnh, thành vẫn phải tổ chức thi tuyển vào lớp 10 nhằm làm giảm bớt căn bệnh thành tích, như một phương pháp khá hiệu quả để đánh giá chất lượng giáo dục. Nếu công tác thanh tra, kiểm tra, công tác kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện đồng bộ, nhất quán và khoa học thì bảo đảm giáo viên không dám nâng điểm, học sinh không dám lơ là. Lúc ấy chỉ cần xét tuyển vào lớp 10 mà thôi.

- Tại Long An: Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cho biết kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2013-2014 có 15.230 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 14.727 thí sinh dự thi hết cả ba môn. Mặc dù đã có điểm thi, nhưng sở vẫn chưa công bố số lượng thí sinh trúng tuyển của các trường THPT vì phải đợi hoàn tất công tác xét vào các lớp giáo dục thường xuyên (GDTX). Dự kiến có hơn 70% học sinh trúng tuyển vào lớp 10 công lập, khoảng 17% vào hệ GDTX, số còn lại sẽ học nghề tại các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).

- Tại Tiền Giang: Sở GD-ĐT cho biết kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm nay có khoảng 81% học sinh trúng tuyển vào hệ công lập. Số học sinh còn lại sẽ được các trường hướng dẫn đăng ký xét tuyển vào các trung tâm GDTX, lớp GDTX ở trường THPT và trường TCCN. Điểm chuẩn NV1 nhỏ nhất là 10 điểm, điểm chuẩn lớn nhất là 23,5 điểm.

- Tại Đồng Tháp: Ông Trần Thanh Liêm, phó giám đốc Sở GD-ĐT, khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất để học sinh có thể vào lớp học. Chỉ tiêu tuyển sinh của tỉnh năm nay là hơn 80% học sinh vào hệ THPT công lập. Trong đó sẽ ưu tiên cho những học sinh ở vùng sâu và vùng đặc biệt khó khăn. Riêng đối với những học sinh không vào được hệ THPT, các trường sẽ tính toán và đăng ký chỉ tiêu mở lớp GDTX ngay trong trường THPT.
- Tại Vĩnh Long: Ông Lý Đại Hồng, phó giám đốc Sở GD-ĐT, cũng khẳng định nếu thí sinh có nhu cầu học dù là học văn hóa, học nghề thì đều có thể đến lớp được. Hiện nay toàn tỉnh có bốn trường dạy nghề và các trung tâm GDTX. Nếu học sinh có nhu cầu học sẽ được xét tuyển vào các cơ sở này. Ngoài ra, Sở GD-ĐT Vĩnh Long cũng chấp thuận việc mở các lớp GDTX ngay trong trường phổ thông để tạo điều kiện cho các học sinh nhà xa, không đến được trung tâm GDTX ở các huyện.

 

Theo Tuổi trẻ - Xem tin gốc