>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Năm nay, TPHCM bỏ hình thức xét tuyển và số lượng học sinh lớp 9 tăng cao nên cuộc đua vào lớp 10, nhất là các trường tốp trên, dự báo sẽ căng thẳng hơn.

Trường tốp dưới ngậm ngùi

Theo thống kê, năm nay tổng số học sinh đang học lớp 9 trên địa bàn TPHCM có 74.000 em, tăng hơn 10.000 so với năm học trước. Để đáp ứng nhu cầu tuyển sinh, nhiều trường trung học phổ thông (THPT) đều tăng chỉ tiêu tuyển sinh và tính chung toàn TP tuyển 61.742 học sinh (tăng thêm 1.320 chỉ tiêu so với năm học trước).

Theo các chuyên gia giáo dục, việc bỏ hình thức xét tuyển, cộng thêm số lượng thí sinh tăng cao so với năm học trước sẽ tạo áp lực cho học sinh có học lực giỏi, khá chạy đua vào các trường top trên hoặc tốp giữa.

Đối với các trường tốp trên như THPT Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân… cuộc đua càng quyết liệt hơn vì nhiều học sinh ở khu vực trước đây xét tuyển cũng đăng ký dự thi. Tiếp theo đó là các trường tốp giữa như Lê Quý Đôn, Gia Định, Nguyễn Du, Nguyễn Hiền, Hùng Vương, Nguyễn Hữu Huân, Mạc Đĩnh Chi… cũng tăng nhiệt so với trước đây.

Thấy rõ chỗ học vào trường công năm nay căng thẳng hơn năm học trước, nhiều trường THCS đã triển khai ôn luyện, hướng dẫn học sinh chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực của mình.

Tuyển sinh lớp 10: Canh tranh quyết liệt trường tốp trên

Tuyển sinh lớp 10: Canh tranh quyết liệt trường tốp trên

Thầy Trần Việt Ái, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ quận 7, cho biết: “Điều quan trọng phải tư vấn, hướng dẫn học sinh chọn, đăng ký nguyện vọng phù hợp với năng lực học tập của từng em. Trước khi định hướng chọn trường cho các em, nhà trường đều thống kê, tham khảo mặt bằng điểm tuyển sinh 3 môn - toán, văn, ngoại ngữ của các trường THPT trên địa bàn TPHCM…”.

Nhiều năm nay, TPHCM đã áp dụng hai hình thức thi tuyển và xét tuyển vào lớp 10 nhưng năm nay bỏ hẳn việc xét tuyển. Theo lý giải của ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, việc xét tuyển vào lớp 10 đối với 9 quận, huyện nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh lớp 9.

Tuy nhiên, gần đây nhiều hiệu trưởng trường THPT phản ánh rằng chất lượng xét tuyển đầu vào lớp 10 thấp, nhiều em không học nổi phải bỏ học giữa chừng. Nguyên nhân do không phải thi tuyển nên các em không chịu học, chất lượng sa sút. Như thế sau 7 năm thí điểm xét tuyển, năm học 2014 - 2015, TPHCM lại quay về phương án cũ thi tuyển.

Một vấn đề cần đặt ra là tại sao được xét tuyển vào lớp 10 nhưng nhiều học sinh học không nổi? Như thế lỗi tại ai và việc kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo bậc THCS đã sát với thực tế? Một số chuyên gia giáo dục ở TPHCM cho rằng, hướng tới mục tiêu đổi mới giáo dục, chúng ta đang nghiên cứu để bỏ kỳ thi đại học, cao đẳng gây tốn kém, tạo nhiều áp lực nhưng chất lượng tuyển sinh chưa cao. Vậy tại sao ngành GD-ĐT TPHCM không chú trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc THCS, mà lại quay về hình thức thi tuyển lớp 10 để tiếp tục gây áp lực cho học sinh, phụ huynh?

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, áp lực thi cử vào lớp 10 các trường THPT top trên của TPHCM căng thẳng như thi vào đại học. Và hầu hết học sinh vượt qua cuộc đua vào các trường THPT tốp trên này, đa số đều bước tiếp vào các trường đại học có tên tuổi. Thế nhưng, học quá nhiều ở bậc phổ thông và học chỉ để thích ứng với thi cử, nhiều sinh viên thi đại học điểm cao nhưng thụ động, không có tư duy độc lập, khả năng khám phá, nghiên cứu, sáng tạo yếu. Đó là mặt trái của việc học hành chỉ để thi cử…

Phân luồng học nghề vẫn bế tắc

Đến hẹn lại lên, chuẩn bị cho học sinh lớp 9 bước vào cuộc đua giành chỗ học ở những trường THPT công lập, trường THCS nào cũng đốc thúc học sinh ôn luyện. Không những thế, nhiều trường còn tổ chức họp phụ huynh, hướng dẫn tỉ mỉ việc ghi, đăng ký nguyện vọng 1, 2, 3 sao cho phù hợp với năng lực học tập của học sinh và quan trọng là xác suất an toàn cao.

Chính vì thế, cuộc đua tìm một chỗ học lớp 10 tại các trường công lập sẽ căng hơn, quyết liệt hơn. Dự báo sẽ có trên 12.000 học sinh (chiếm 20%) trong tổng số thí sinh dự thi sẽ bị loại khỏi đường đua căng thẳng này. Vậy số thí sinh thi rớt không có cơ hội vào học lớp 10 trường công lập sẽ đi đâu?

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, hệ thống các trường THPT ở TP đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh lớp 9 và số học sinh thi rớt này sẽ vào học các trường dân lập, tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên-khu vực này chỉ xét tuyển.

Vẫn biết học sinh thi rớt lớp 10 còn có nhiều cơ hội vào học tiếp ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhưng cánh cửa này càng rộng mở bao nhiêu thì mục tiêu phân luồng, học nghề càng hẹp bấy nhiêu. Bởi lẽ, dù học lực yếu, học không nổi kiến thức ở lớp 10, lớp 11 nhưng các em vẫn dắt tay nhau bám trụ đến chặng cuối - thi tốt nghiệp THPT.

Trên thực tế, một số ít em đuối quá bỏ học giữa chừng, còn lại cố học xong THPT và tiếp tục ngoi lên bậc cao đẳng, đại học. Như thế, muốn phân luồng, hướng học sinh có lực học trung bình, yếu vào học các trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp thì phải đánh giá đúng năng lực học sinh từ bậc THCS, không để các em lẫn phụ huynh nuôi hy vọng phải vào cao đẳng, đại học bằng mọi giá.

Theo Khánh Bình, SGGP