Tuyển sinh 2016: Chọn ngành nghề dự tuyển sao cho phù hợp?

Tuy nhiên, cũng không phải không có việc những tư vấn quá đà về sự hấp dẫn của ngành nghề hay đầu ra rộng cửa việc làm sau này. Lời khuyên dành cho thí sinh lúc này là những lời khuyên từ chính giáo viên chủ nhiệm, các thầy cô đang dạy các bạn là chính xác nhất vì hơn ai hết họ trực tiếp hiểu năng lực học tập của các bạn đến đâu cũng như học ngành gì phù hợp. Sau đó thì mới tham khảo thêm các cuộc tư vấn tuyển sinh, hội thảo ngành nghề của các trường ĐH, CĐ.

Lo vì quá nhiều gợi ý

Những ngày này, học sinh lớp 12 trên cả nước đang tất tả với học, ôn, cùng với những lời mời chào tư vấn nóng hôi hổi về sự hấp dẫn của các ngành học, đầu ra sau tốt nghiệp rộng cửa; rồi các học bổng du học nước ngoài mà mới nghe tưởng như được miễn phí hết hấp dẫn hơn cả học những trường trong nước.

Những thông tin về tư vấn tuyển sinh đến với thí sinh thời điểm này không phải tất cả không đúng, nhưng các bạn cũng không nên đặt niềm tin một cách mù quáng vì thực tế là không phải hiếm trường thông qua các hoạt động tư vấn này để quảng bá, lôi kéo người học. Lẽ tất nhiên là khi đó người ta sẽ nói quá so với những thứ mình đang có.

Đặng Phương Thảo - một học sinh Trường THPT ở Hà Nội cho biết, không chỉ thông tin, lời mời tham gia các buổi hội thảo tư vấn ngành nghề, du học đến với em mà bố mẹ em cũng nhận được rất nhiều lời mời.

Cảm giác em tham dự một số buổi tư vấn thì thấy các ngành nghề này quả thật rất hấp dẫn, đi du học thì quá đơn giản và không tốn kém. Nếu gia đình nào, bạn nào mà không tìm hiểu kỹ và được những người có kinh nghiệm tư vấn tốt thì rất dễ đưa ra những quyết định sai lầm.

Em đã có kinh nghiệm về việc này của một chị đi trước đăng ký du học ở Pháp, khi được tư vấn thì gia đình và chị nghĩ đơn giản, kinh phí không quá lớn bố mẹ tài trợ được. Nhưng đến khi đi học thì chi phí ngày một cao và chị đó đã rất vất vả hoàn thành khóa học.

Nói về việc này, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Minh Quân cho rằng: Thật khó cho học sinh đưa ra quyết định chính xác, cho dù các em đã học đến lớp 12 và cũng có những hiểu biết nhất định về ngành nghề và đầu ra sau tốt nghiệp từ nhiều nguồn thông tin. Nhưng khi quá nhiều thông tin thì việc lựa chọn lại khác, với những học sinh xuất sắc thì các em chỉ có ít trường và ngành học tốp đầu nên không có vấn đề gì.

Nhưng với số đông học sinh khác với lực học khá thì vấn đề tư vấn chuẩn là rất cần thiết. Chính vì thế, chúng tôi chỉ đạo các trường THPT cần phải làm tốt công tác hướng nghiệp cho các em. Ở Vĩnh Phúc, giáo viên của chúng tôi nắm chắc việc này. Hoạt động tư vấn cho học sinh là trực quan sinh động để học sinh hiểu về năng lực và sở thích ngành nghề của mình có phù hợp không mà đưa ra quyết định có lợi nhất cho mình sau này.

Sáng suốt đưa ra quyết định

Lời khuyên của các chuyên gia với thí sinh vào lúc này là trước ngưỡng cửa giảng đường đại học lúc này là, trước khi chọn cho mình một ngành nghề phù hợp cần xác định được tầm quan trọng của ngành, nghề mà mình đã chọn. không nên quá tin vào những lời đường mật ở các trường đại học trong nước hay du học nước ngoài.

Còn khi đã quyết định học ngành nghề gì ở trường nào thì cần đặc biệt cân nhắc đến nhu cầu việc làm của từng ngành, chứ không phải chọn trường theo tiêu chí “dễ đậu” với lời hứa của các nhà tuyển sinh là ra trường rất dễ xin việc.

Kinh nghiệm hay và dở không thiếu trong thực tế. Bài học đầu tiên là phải tự lượng sức mình chứ không nên chạy theo những ngành nghề không phù hợp với năng lực và khả năng của mình. Bùi Quang Tuyên - tốt nghiệp 12 Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, cô giáo khuyên em có năng khiếu ngoại ngữ nên theo học các ngành khối D, tốt nhất là khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội hay Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội vì rất phù hợp với em.

Không theo lời khuyên của cô, Tuyên cùng bạn dự thi vào Đại học Kiến trúc, 2 năm liền không trúng tuyển, cuối cùng nghe theo lời cô giáo và nay đã trở thành sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội.

Bài học của việc quá tin vào những lời đường mật là với Nguyễn Phương Thảo, được nghe tư vấn về một trường đại học ngoài công lập ở Hà Nội có thế mạnh về đào tạo ngành ngân hàng mà chủ tịch Hội đồng quản trị cũng từng là giám đốc điều hành tiếng tăm, học ở trường này có ngân hàng thực hành rồi đầu ra rộng mở, vân vân và vân vân.

Thảo đăng ký theo học cho dù đã trúng tuyển vào Đại học Công đoàn năm đó. Nhưng theo học một thời gian thì mới vỡ lở là tư vấn tuyển sinh vào trường này, ngành này chỉ là quảng cáo chiêu sinh, những gì bạn nghe được khi dự tư vấn là quá lên nhiều so với thực tế đào tạo ở trường. Theo học hay bỏ giữa chừng để làm lại là việc không phải dễ gì đưa ra.

Lời khuyên của Thảo là không thiếu gì thông tin để tham khảo, nhưng chọn thông tin chính xác để đưa ra quyết định có lợi cho mình thì không thể không dựa vào những chuyên gia, những người hiểu biết mà lời khuyên của họ khách quan.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, tại sao có những trường ĐH, CĐ rất có uy tín và tại sao lại có sự từ chối từ các cơ quan và cộng đồng doanh nghiệp với một số trường ngoài công lập hay hệ đào tạo vừa làm vừa học, cho dù họ gặp phải muôn vàn ý kiến phản đối, rằng phạm luật, rằng phân biệt bằng cấp, trường công và trường tư.

Nhưng nói đi phải nói lại, việc không chấp nhận của họ là có cơ sở, tất cả đều xuất phát từ việc dễ dãi gọi người học, nhằm tăng nguồn thu cho các nhà trường. Nhưng vấn đề là thị trường lao động có quy luật cạnh tranh của nó, sản phẩm không tốt thì không được thị trường chấp nhận, chứ không thể có quyết định hành chính nào chi phối để họ nhận những tấm bằng tại chức, chính quy từ những chương trình đào tạo kém chất lượng.

Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dh-cd-tu-van-chu-dung-loi-keo-nguoi-hoc-1800774-b.html


Xem thêm tin tức tuyển sinh 2016, điểm thi tốt nghiệp 2016 tại kenhtuyensinh.vn