Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015, thí sinh sẽ phải tiếp tục tham gia các đợt xét tuyển để vào ĐH, CĐ. Ảnh minh họa: Q.Huy

Sau thi là…chạy đua

Nói về điểm mới của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, ông Mai Văn Chinh -  Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, các năm trước, thí sinh trượt nguyện vọng 1 mà đủ điểm sàn mới được cấp giấy chứng nhận kết quả để tham gia xét tuyển vào ĐH, CĐ. Năm 2015, mỗi thí sinh đã đăng kí sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi.

Tuyển sinh 2015: Thí sinh phải chịu căng thẳng trong thời gian dài

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015, thí sinh sẽ phải tiếp tục tham gia các đợt xét tuyển để vào ĐH, CĐ. Ảnh minh họa: Q.Huy

Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng kí xét tuyển tối đa 4 đợt (mỗi đợt trong 20 ngày). Mỗi đợt xét tuyển, thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy và thí sinh được phép rút hồ sơ xét tuyển để nộp sang trường khác. Thí sinh có thể nộp hồ sơ và lệ phí xét tuyển theo đường bưu điện hoặc trực tiếp tại trường. Lệ phí đối với thí sinh rút hồ sơ xét tuyển do Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định.

Có ý kiến cho rằng, cách xét tuyển trên sẽ khiến cuộc đua tranh suất học ĐH, CĐ rất căng thẳng. Sau khi thi tốt nghiệp THPT xong, thí sinh dựa trên kết quả của mình, cân nhắc để tham gia nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Không chỉ mất thời gian, tiền bạc, thí sinh cũng căng thẳng trong khoảng thời gian chờ đợi kết quả. Nếu không trúng tuyển hoặc muốn chuyển cơ hội sang trường khác, thí sinh lại phải tới tận trường để rút và nộp lệ phí rút hồ sơ. Việc này sẽ là thiệt thòi và tốn kém cho những thí sinh ở xa trường.

Chia sẻ với PV Báo GĐ&XH, nhiều thí sinh của kỳ thi sắp tới cho biết, đã có quá nhiều thay đổi trong quy chế thi THPT Quốc gia, mỗi trường ĐH, CĐ lại tuyển sinh một kiểu... nên thí sinh sẽ rất vất vả để tìm hiểu thông tin, tham gia xét tuyển. Một số thí sinh thì lo ngại ở một số ngành “hot”, những ngành dễ xin việc làm... của các trường ĐH công lập sẽ rất căng thẳng do số lượng thí sinh tham gia nộp hồ sơ lớn.

Tỷ lệ thí sinh “ảo” sẽ cao?

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết, ở kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, Bộ sẽ thiết lập phần mềm tuyển sinh, trong đó buộc các trường ĐH, CĐ phải thường xuyên cập nhật số lượng, kết quả xét tuyển lên hệ thống để hạn chế thí sinh “ảo”. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH, CĐ vẫn canh cánh mối lo thí sinh “ảo” gây khó cho công tác tuyển sinh khi Bộ tạo quá nhiều cơ hội xét tuyển cho thí sinh.

Lấy ví dụ từ thực tế công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, PGS.TS Vũ Phán, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông chia sẻ: “Năm 2014, Bộ GD&ĐT quy định mỗi thí sinh được cấp 3 phiếu chứng nhận kết quả thi. Chỉ với 3 nguyện vọng thôi mà đã quá nhiều thí sinh “ảo” rồi, số thí sinh tới làm thủ tục học cũng chỉ đạt 1/5 số đến nộp hồ sơ. Năm nay, Bộ tạo nhiều cơ hội như thế, tôi nghĩ tỷ lệ thí sinh “ảo” sẽ tiếp tục cao”.

Chia sẻ về nỗi khó khăn, vất vả của một trường ngoài công lập và cũng lo lắng trước hiện tượng thí sinh “ảo”, GS.TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết: “Ở đợt xét tuyển, lượng thí sinh “ảo” luôn quá lớn, nhiều thí sinh tới nộp hồ sơ rồi lại ào ào tới rút, hoặc không đến nhập học. Cùng giống điểm nhận hồ sơ thì đương nhiên thí sinh sẽ nộp vào trường công lập do học phí các trường này thấp hơn trường dân lập. Thí sinh cũng chỉ nộp hồ sơ vào trường dân lập để dự phòng mà thôi”.

Trước những rắc rối có thể nảy sinh gây khó khăn trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, một số lãnh đạo các trường ĐH, CĐ đưa ra kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có thêm quy định thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 thì không được sử dụng kết quả để xét đợt 2, 3, 4 nữa. Bộ nên có quy định thời gian xét tuyển cụ thể cho những trường ĐH top đầu, tiếp theo đó là trường top 2, rồi đến top 3 và 4 xét tuyển.

Trước những rắc rối, lo lắng của thí sinh và nhà trường trong công tác tuyển sinh, xét tuyển, có thể thấy rằng nếu không có sự điều chỉnh hợp lý, kỳ thi “2 trong 1” mà Bộ GD&ĐT đang hướng tới sẽ mất đi ý nghĩa như đã đề ra, đó là giảm áp lực, bớt tốn kém và hạn chế đi lại cho thí sinh và người nhà.

Theo Báo Gia đình xã hội, http://giadinh.net.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dh-cd-2015-truong-lo-ao-thi-sinh-lo-chay-20150105095407462.htm

Thi tốt nghiệp 2015, tuyển sinh đại học