Áp lực và tốn kém đều giảm

Kỳ thi THPT quốc gia đáp ứng được mục tiêu "kép” là xét tốt nghiệp THPT và để các trường ĐH, CĐ căn cứ xét tuyển sinh giảm áp lực và giảm tốn kém cho xã hội là điều được khẳng định.

Trước 2015 kỳ thi THPT thường tổ chức vào các ngày 9, 10, 11, 12-6 nhưng năm nay kỳ thi dự kiến sẽ được tổ chức các ngày 1,2,3,4-7 sẽ giúp các trường có thời gian ôn tập kiến thức cho học sinh tốt hơn. Các sở GD&ĐT không phải thay đổi kế hoạch năm học đã công bố đầu năm, trong đó có việc tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Thi tháng 7 cũng phù hợp với thời điểm thi tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm.

Đổi mới tuyển sinh 2015, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội

Vào đại học là ước mơ của hàng vạn thí sinh

Trước tối thiểu 1 học sinh dự thi tốt nghiệp và thi 1 khối ĐH/CĐ phải làm 7 bài thi - tốt nghiệp 4 bài và ĐH 3 bài, thì nay theo dự thảo dự 1 kỳ thi làm 4 bài tối thiểu, phổ biến là 5 hoặc 6 bài thi (các môn thi tự chọn khác theo nguyện vọng). Việc mở rộng ra hơn 30 cụm thi phần lớn là các cụm thi liên tỉnh (thí sinh đến từ nhiều tỉnh khác nhau, ít nhất là 2 tỉnh), mỗi cụm khoảng 20.000-30.000 thí sinh, thì địa điểm dự thi gần hơn sẽ giảm được chi phí đi lại cho thí sinh và gia đình.

Ngày thi của thí sinh sẽ chỉ còn 4 ngày cũng giảm được chi phí trong khi trước mất đứt 6 ngày cho thi tốt nghiệp và 1 đợt  thi ĐH, chưa kể nếu thi hai đợt ĐH sẽ mất 9 ngày kể cả ngày đăng ký thi. Các tỉnh sẽ bớt sử dụng ngân sách để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, khi thi THPT quốc gia tới đây, khi thống kê sơ bộ cả nước chỉ có dưới 20% thí sinh dự thi xét công nhận tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT đề nghị các tỉnh sử dụng nguồn ngân sách này đưa các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT đến các cụm thi dự thi một cách an toàn, thuận lợi.

Việc thí sinh nhận được kết quả thi mới đăng ký tuyển sinh vào các ngành của trường ĐH, CĐ giúp thí sinh có nhiều hơn cơ hội được tuyển vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp, tránh sự rủi ro đạt điểm cao nhưng vẫn trượt ĐH như những năm trước.

Trường "chạy theo” thí sinh?

Các năm trước, thí sinh trượt nguyện vọng 1 mà đủ điểm sàn mới được cấp giấy chứng nhận kết quả để tham gia xét tuyển vào ĐH, CĐ. Năm 2015, theo dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, chính việc mỗi thí sinh có tới 4 giấy chứng nhận kết quả thi được cấp để xét tuyển vào ĐH, CĐ, mỗi giấy có 4 nguyện vọng, lại đang gây băn khoăn. Vì như vậy, 1 học sinh có thể đăng ký tới 16 nguyện vọng. Trong một trường, các em đã có thể ghi nguyện vọng vào 2, 3 ngành khác nhau, dễ dẫn tới tỉ lệ ảo.

Dù 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi, Bộ GD&ĐT cũng đã có giải pháp dùng phần mềm để hạn chế thực trạng này. Nhưng năm trước, thực tế chỉ cấp có 3 phiếu chứng nhận kết quả thi cho một thí sinh với 3 nguyện vọng mà đã quá nhiều thí sinh ảo, số tới làm thủ tục học có trường chỉ đạt 20% số đến nộp hồ sơ. Năm 2015 này, ông Mai Văn Chinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng kí xét tuyển tối đa 4 đợt, mỗi đợt trong 20 ngày, mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được sử dụng 1 phiếu báo điểm tương ứng.

Như vậy sẽ không lo thí sinh dùng giấy xét tuyển của đợt này để đăng ký xét tuyển đợt khác. Nhưng việc thí sinh được phép rút hồ sơ xét tuyển để nộp sang trường khác trong một đợt 20 ngày, thì các trường liệu có "chạy theo” thí sinh được không khi họ rút hồ sơ ào ào muốn chuyển cơ hội sang trường khác?

Có ý kiến mong muốn Bộ GD&ĐT cần quy định thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 thì không được sử dụng kết quả để xét tiếp đợt 2, 3, 4 mới hạn chế được thí sinh ảo. Song theo TS Phan Huy Phú - Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long, 4 giấy chứng nhận kết quả thi không gây ra sự thay đổi quá lớn, và không ai bắt buộc thí sinh dùng cả 4 giấy chứng nhận này. "Trường chúng tôi có giải pháp về CNTT để giải quyết việc nhiều nguyện vọng đăng ký của thí sinh, nếu các trường nào cần, chúng tôi sẵn sàng cung cấp”, TS Phú nói.

Lãnh đạo một số trường ĐH cũng cho rằng việc sử dụng mã vạch trong giấy chứng nhận kết quả thi là cách làm hiện đại song kèm theo nó phải là phương tiện hỗ trợ tương thích, nếu không dễ làm khó cho các trường. Và dù có mã vạch như dự thảo quy định thì để phân biệt thật - giả, nên ghi rõ giấy chứng nhận số 1, số 2 như trước cho "dễ xem”, giáo viên và thí sinh đều dễ phân biệt; nhà trường thông báo xét tuyển cũng thuận lợi hơn.

Lãnh đạo các trường đều mong hai Quy chế quan trọng của mùa thi, tuyển sinh 2015 ban hành được càng sớm càng tốt, để học trò yên tâm và các trường có hành lang pháp lý triển khai tuyển sinh 2015 đạt chất lượng, bớt tốn kém.

Theo Báo Đại Đoàn Kết, http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=97408&menu=1420&style=1

Thi tốt nghiệp THPT 2015, tuyển sinh đại học