Tin Tức: MBA / HỌC MBA / CHƯƠNG TRÌNH MBA / TRƯỜNG QUỐC TẾ / GIÁO DỤC

>> Chương trình học MBA tại Việt Nam / Chương trình MBA Học viện Tài Chính/Những khoá học MBA có thi đầu vào khó nhất Việt Nam

Tuyển sinh đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài

Bộ GD&ĐT vừa thông báo tuyển sinh 1.100 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ tại nước ngoài năm 2013. Đối tượng dự tuyển là giảng viên biên chế, giảng viên hợp đồng của trường ĐH, học viện, CĐ, sinh viên tốt nghiệp ĐH, Học viện tốt nghiệp thạc sĩ cam kết đi học để về làm giảng viên ĐH, CĐ. Đây là hoạt động thuộc Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010.

Bộ GD-ĐT cho biết, theo tinh thần Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH-CĐ giai đoạn 2010 - 2020 (Đề án 911), bộ tuyển sinh năm 2013 với 1.100 chỉ tiêu gửi đi đào tạo tại Anh, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Canada…

Đối tượng dự tuyển là giảng viên biên chế, giảng viên hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn của các đại học, học viện là cơ sở đào tạo đại học, trường ĐH-CĐ; sinh viên tốt nghiệp đại học, học viên tốt nghiệp thạc sĩ trong vòng 12 tháng tính đến ngày dự tuyển...

Bộ ưu tiên đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, nông nghiệp và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Dự thảo quyết định quy định chính sách đầu tư

Ưu đãi cho nhà khoa học tại trường đại học. Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Quyết định quy định chính sách đầu tư, chế độ đãi ngộ nhằm thu hút các nhà khoa học và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong trường ĐH tại Việt Nam. Cụ thể, nhà khoa học sẽ được đảm bảo sinh hoạt phí, chỗ ở, chỗ làm việc, phương tiện đi lại, được miễn thuế thu nhập cá nhân… Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm cho trường ĐH có đề tài, dự án nghiên cứu chung với nhà khoa học nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài.

Hà Nội xây thêm hơn 700 trường mầm non.

Theo quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và mạng lưới trường học của Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố, ở bậc mầm non tỷ lệ trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia đến năm 2015 đạt 50-55%, năm 2020 đạt 65-70%, đến năm 2030 đạt 75-80%. Từ nay đến năm 2030, toàn thành phố xây dựng thêm 724 trường mầm non (bao gồm 500 trường công lập và 224 trường ngoài công lập); Trong đó, mỗi xã, phường có ít nhất 1 trường mầm non công lập kiên cố.

Bình chọn gương học sinh tiêu biểu.

Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, để thực hiện kế hoạch về tổ chức Hội trại truyền thống lần thứ VII - năm 2013 và Liên hoan học sinh TPHCM với chủ đề “Làm theo lời Bác”, Sở đã có hướng dẫn các đơn vị lựa chọn gương học sinh tiêu biểu. Theo đó, các trường THPT, Trung tâm GDTX tổ chức bình chọn một gương tiêu biểu “Học sinh làm theo lời Bác” của đơn vị. Những tấm gương tiêu biểu sẽ được lựa chọn, tuyên dương và tham gia giao lưu tại 8 cụm trại trong ngày 5/1/2013.

Trang bị kỹ năng CNTT cho giáo viên Tiếng Anh.

Theo thỏa thuận hợp tác giữa Bộ GD&ĐT và Công ty TNHH Intel Việt Nam, trong thời gian tới sẽ thúc đẩy ứng dụng các giải pháp Công nghệ Thông tin và Truyền thông trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Cụ thể, Intel sẽ cùng Bộ GD&ĐT đào tạo 80 ngàn giáo viên dạy Anh Văn có kỹ năng sử dụng CNTT thông qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, giúp đội ngũ cán bộ giảng viên ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ hiện nay tại Việt Nam.