Sự kiện: Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyen sinh 2012

Tin liên quan:

sinh_vien_tai_cac_truong_dh_bi_dinh_chi

Sinh viên trong giờ thực hành tại ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Trung Kiên

 

Ngay trước khi khép lại năm 2011, một số trường ĐH đã phải đón nhận "hung tin" về việc bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 do không bảo đảm các điều kiện cam kết khi thành lập trường.

Dẫu kết cục này đã được Bộ GD-ĐT cảnh báo bấy lâu nay, song khi quyết định được đưa ra, dư luận vẫn xôn xao bởi nó đã thoát khỏi tiền lệ "giơ cao đánh khẽ" nhiều năm qua.

Thanh tra ra nhiều chuyện

Kết thúc đợt kiểm tra đầu tiên tại 24 trường, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đưa ra nhận xét: Hầu hết các trường, gồm 8 trường công lập (CL) và 16 trường ngoài công lập (NCL), chưa thực hiện được cam kết. Trước hết là lực lượng giảng viên quá mỏng. Có 10 trường chưa đầy 100 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn, đặc biệt có 3 trường có số giảng viên cơ hữu chưa đến 60 người. Trường ĐH Nguyễn Trãi có 55 người, Trường ĐH Văn Hiến có 52 người, trường ĐH Hà Hoa Tiên có 59 người. Thực trạng này dẫn tới hệ quả không tránh khỏi là tỷ lệ sinh viên/giảng viên của nhiều trường quá cao. 6 trường có tới trên 50 sinh viên/giảng viên. Nếu tính cả số sinh viên hệ vừa làm vừa học, học sinh trung cấp chuyên nghiệp ở các trường ĐH thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa.

 

Một số trường CL tuyển sinh vượt quá quy mô cam kết (ĐH Kinh tế - Quản trị kinh doanh - ĐH Thái Nguyên vượt 126% cam kết). Có trường vừa tuyển sinh ĐH, vừa tuyển hệ CĐ, TCCN, dạy nghề như ĐH Công nghiệp Hà Nội, trong khi đó một số trường tư thục có xu hướng tuyển sinh ngày càng ít đi (ĐH Hòa Bình, ĐH Chu Văn An, ĐH Nguyễn Trãi, đặc biệt Trường Đại học Hà Hoa Tiên chỉ đạt 4,2% cam kết).

Bi đát hơn cả là chỉ tiêu về giảng viên tiến sĩ, thạc sĩ. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, có 41 ngành không có tiến sĩ, 12 ngành không có cả tiến sĩ và thạc sĩ, thậm chí có ngành chưa có giảng viên cơ hữu. Nhiều giảng viên còn chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Đất xây dựng trường cũng là vấn đề nan giải đối với các trường. Một số trường chưa xây dựng được cơ sở vật chất độc lập. Ba trường chưa có đất là ĐH Đông Đô (thành lập từ năm 1994), ĐH Văn Hiến (thành lập năm 1997), ĐH Nguyễn Trãi (thành lập năm 2008). Ba trường có diện tích đất dưới 1ha. Có trường như ĐH Hòa Bình đã có đất, song khả năng xây dựng trong vài năm tới rất khó khả thi.

Về việc đình chỉ tuyển sinh 3 trường

Bộ GD-ĐT cũng không phủ nhận là hầu hết các trường đã có cố gắng xin đất, xây dựng cơ sở vật chất, huy động kinh phí, xây dựng lực lượng để triển khai mở ngành đào tạo sau khi được thành lập hoặc nâng cấp. Các trường CL duy trì và phát triển mạnh quy mô. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và ĐH Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh trang bị được nhiều thiết bị hiện đại; 13 trường đã có trên 5ha đất trong đó có 6 trường có trên 20ha đất; 6 trường có trên 200 giảng viên cơ hữu... Tuy nhiên, điều đáng nói là thực trạng không bảo đảm cam kết nói trên đã tồn tại từ nhiều năm nay và khác rất nhiều so với những gì mà các trường đưa ra trong các báo cáo về "3 công khai" (có chỉ tiêu về giảng viên và cơ sở vật chất) từ năm 2009.

Ngoài 3 trường và 12 ngành học chính thức bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 là ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô và CĐ Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh, Bộ cũng đã cảnh báo ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô, ĐH Nguyễn Trãi, nếu đến năm 2013 vẫn chưa có đất xây dựng trường theo cam kết thì đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường. Bộ còn cảnh báo 4 trường khác chưa xây dựng được cơ sở vật chất và đưa ra thời hạn là năm 2013 các đơn vị này phải xây dựng được trường. Tuy nhiên, việc này, chính Bộ cũng thấy trước là mục tiêu đặt ra không khả thi với một số trường.

Trong số các trường nằm trong diện cảnh báo vì chưa xây dựng được trường, có đơn vị đã có chủ trương giao đất song gặp vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng. Hiệu trưởng Đặng Ứng Vận của Trường ĐH Hòa Bình cho biết, trường chưa xây dựng được bởi việc giao đất bị hoãn lại, nằm trong diện phải rà soát lại sau khi địa phương sáp nhập với Hà Nội. Nhà trường vẫn đang chờ thành phố quyết định cho xây dựng.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, sau đợt thanh tra đầu tiên với 24 trường, việc kiểm tra các trường ĐH, CĐ thành lập trong thời gian từ năm 1998 đến 2010 bao gồm cả trường CL, NCL, cả trường thành lập mới, trường nâng cấp từ TCCN lên CĐ và từ CĐ lên ĐH... trên phạm vi cả nước sẽ được tiếp tục mở rộng. Quyết định cứng rắn vừa qua của Bộ GD-ĐT lần này khiến người ta tin rằng các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo đang được quản lý tốt hơn, việc mở trường, mở ngành đang thực sự được siết chặt và chờ đợi việc xử lý thích đáng tương tự ở các đợt thanh tra tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, điều mà dư luận cũng như các trường cần từ phía Bộ GD-ĐT là việc định hướng cách khắc phục những khó khăn vượt quá tầm của các trường, bởi đã "sinh" thì cũng phải "dưỡng".


Tuyển sinh, tuyen sinh 2012, thông tin tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh

Kenhtuyensinh (hanoimoi)