Mệt mỏi

Bà Trịnh Thị Thu Hương, Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Luật Hà Nội cho biết hiện nay Bộ GD&ĐT chưa cho ra được quy chế nên các trường vẫn chờ đợi để ra quyết sách tuyển sinh cho riêng mình. Tuy nhiên, theo bà Hương, các trường cũng đã hình dung ra những khó khăn trong tuyển sinh năm 2015.

Một trong những khó khăn đầu tiên là khung điểm tuyển sinh vào ĐH, CĐ quá ngắn, chỉ từ 5 đến 10 điểm. Nếu một trường tuyển không đủ, chỉ cần hạ 0,5 điểm thì lượng thí sinh đủ điểm số này là quá lớn khiến các trường khó xác định chỉ tiêu tuyển.

Trường đại học bối rối với quy định xét tuyển nguyện vọng 2015

Thấp thỏm xem điểm thi và hồi hộp chờ giấy báo nguyện vọng. Ảnh: Như Ý.

Bà Hương dẫn ví dụ, một trường mới tuyển được 600 thí sinh, để tuyển đủ chỉ tiêu phải hạ xuống thêm 0,5 điểm và ngay lập tức có đến hàng nghìn thí sinh đạt điểm này; chưa kể có nhiều trường cũng hạ đến mức đó, cùng tuyển đến mức đó khiến khái niệm ảo không phải là một lần!

Và điều này, theo lời một nhà tuyển sinh, các trường sẽ phải tuyển 2-3 đợt 1 năm mới có thể lấp đầy chỉ tiêu - rất mệt mỏi!

Một điểm nữa, hằng năm, bà Hương nói, các trường tuyển sinh đều phải bù lỗ, nhưng là bù lỗ cho chính thí sinh thi vào trường mình. Năm 2015 trường nào được giao trọng trách tổ chức thi sẽ phải bù lỗ nên các trường được tin tưởng sẽ không mấy mặn mà. Vì thế, Bộ cần phải xác định lại lệ phí dự thi cho phù hợp với tình hình mới, bà Hương nói.

Với dự báo về khả năng thí sinh ảo rất lớn năm 2015, các nhà tuyển sinh đều dự kiến sẽ phải tuyển vài ba kỳ mới có khả năng đủ thí sinh. Như vậy, phải  kéo dài quá trình tuyển sinh đến tháng 11,12 thì vừa vi phạm quy chế hiện hành vừa đào tạo… không nổi! Đó là ý kiến của ông Lê Hữu Lập, nguyên Phó Hiệu trưởng Học viện Bưu chính viễn thông.

Ông Lập  cho biết, các trường nên dứt điểm tuyển sinh đào tạo vào tháng 8 vì đào tạo theo tín chỉ cũng vẫn phải sắp xếp theo kỳ học, sau đó đến tháng 1/2016 lại tuyển sinh tiếp kỳ mùa xuân là hợp lý nhất.

Ông Lập nói: Tuyển sinh quanh năm như thế thì đào tạo thoải mái. Nhưng, nếu làm thế phải triển khai chung trong cả nước, vì trên thực tế các trường tốp đầu chỉ tuyển một lần là đủ, trường càng yếu càng phải tuyển nhiều lần.

Trường đại học bối rối với quy định xét tuyển nguyện vọng 2015

Thí sinh xem điểm thi đại học tại trường Đại học Công đoàn Hà Nội năm 2014. Ảnh: Ngọc Châu.

Bao nhiêu nguyện vọng là vừa?

Trong lúc Bộ GD&ĐT tổ chức họp kín nhiều lần để bàn thảo tìm giải pháp tối ưu, các nhà tuyển sinh lại không ít phần bối rối, thậm chí như ngồi trên đống lửa, sốt ruột chờ đợi, đoán già đoán non xem mỗi thí sinh nên có mấy nguyện vọng (NV), mấy giấy chứng nhận kết quả thi (CNKQ)…

Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, tổ công tác đặc biệt đang làm việc về những điều sửa đổi của quy chế tuyển sinh mới năm 2015. Tuần tới, sẽ lấy ý kiến trong các trường ĐH, CĐ trước khi đưa ra thảo luận và trưng cầu ý kiến của đông đảo thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Ông Lê Văn Thành, Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, năm 2014 mỗi thí sinh có 3 CNKQ, năm 2015 tăng thêm thành 4 CNKQ để tăng lựa  chọn cho thí sinh và các trường chấp nhận gọi nhiều lần với quá trình tuyển sinh kéo dài và thêm nhiều khó khăn cho bộ phận tuyển sinh.

Còn lại, đa phần các nhà tuyển sinh cho rằng chỉ 3 CNKQ là vừa và Bộ nên có điều kiện khống chế thí sinh đã trúng tuyển một trường không được sang trường khác để hạn chế thí sinh “nhảy” trường khiến cho các trường càng khó tuyển.

Tuy nhiên, ông Lê Hữu Lập một lần nữa khẳng định, nếu Bộ cho phép các trường tuyển sinh 2 kỳ, mùa thu và mùa xuân, thì thí sinh được trả bao nhiêu CNKQ cũng không quan trọng; hiện tượng ảo chỉ xuất hiện nếu chỉ được dồn vào 1 kỳ tuyển sinh.

Ông Lập nói, nếu dồn vào 1 kỳ thì nhiều trường sẽ phải tuyển sinh 3-4 đợt, rất khổ sở vẫn không đủ thí sinh.

Theo Báo Tiền phong, tin gốc: http://www.tienphong.vn/giao-duc/tuyen-sinh-2015-cac-truong-boi-roi-bo-van-dang-ban-788041.tpo