Điểm sàn vẫn là ngưỡng tối thiểu

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về những kiến nghị của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) cho mùa tuyển sinh năm 2013.

Trong đó, các trường ĐH NCL cho rằng, họ không tuyển được thí sinh vì Bộ GD&ĐT cho phép các trường công xét tuyển bằng điểm sàn.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm: Dù các trường ĐH công lập xét tuyển bằng điểm sàn thì nguồn tuyển cũng không hết. Vấn đề là nhiều em đạt mức điểm trên điểm sàn, nhưng đi học CĐ. Rất nhiều trường CĐ lấy điểm trúng tuyển điểm sàn ĐH. Chúng tôi tôn trọng quyền tự chủ của các trường và nguyện vọng của các em. Làm sao có thể dùng biện pháp hành chính để cấm các em đủ điểm vào ĐH nhưng lại chọn học CĐ? Có sự lựa chọn đó là bởi các em thấy học những ngành ở trường CĐ là cần thiết, sau này các em muốn học lên ĐH thì sẽ thi liên thông. Và một khi các em chọn trường và chọn ngành phù hợp thì việc học mới có chất lượng.

 

diem san, diem san dai hoc, diem thi, diem thi dai hoc, dai hoc, truong dai hoc, tuyen sinh 2013, tuyen sinh, thong tin tuyen sinh, bao giao duc, kinh te do thi

 

Vậy, trước đề nghị không áp dụng điểm sàn ở mùa tuyển sinh 2013 của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL, quan điểm của Thứ trưởng thế nào?

- Bao giờ các cơ sở giáo dục cũng muốn tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng tôi cho rằng không thể tuyển đủ chỉ tiêu bằng bất cứ giá nào. Tuyển đầu vào quá thấp, học không được, thì không thể đào tạo ra người có năng lực đáp ứng nhu cầu của người tiếp nhận. Bộ GD&ĐT hoan nghênh đề xuất của Hiệp hội, của các trường làm thế nào để tuyển sinh chất lượng nhất, đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực.

Giải pháp cho tuyển sinh thì có nhiều, cho dù dùng phương án nào, điều quan trọng vẫn là phải đảm bảo chất lượng. Thời gian qua, chúng ta chạy theo số lượng quá nhiều, dẫn đến sinh viên tốt nghiệp bị nhà tuyển dụng chê, dẫn đến thất nghiệp. Tôi khẳng định, đã đến lúc phải kiểm soát chất lượng. Bất cứ giải pháp nào có chất lượng thì sẽ được tôn trọng. Tháng Giêng tới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội nghị tổng kết năm học và sẽ bàn phương án tuyển sinh năm 2013. Hội nghị này sẽ mổ xẻ một cách kỹ lưỡng vấn đề tuyển sinh của các trường NCL rồi đi đến thống nhất.

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL từng nhiều lần kiến nghị Bộ bỏ điểm sàn để xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT, đâu là lý do khiến Bộ không thay đổi, thưa ông?

- Điểm sàn là ngưỡng tối thiểu, dưới ngưỡng thì học sinh không thể học được. Không nên muốn cho đủ chỉ tiêu mà tuyển bằng bất cứ giá nào. Nếu đầu vào thấp, khi các em tốt nghiệp, chất lượng không đảm bảo, vừa gây lãng phí thời gian và tiền bạc của các em, đồng thời nhà tuyển dụng sẽ lên tiếng về chất lượng đào tạo kém. Thực tế, Bộ không gây khó cho các trường. Bỏ điểm sàn các trường có thể tuyển đủ sinh viên, nhưng có nên làm như thế hay không, khi đó là nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo không đảm bảo?

Tại hội nghị của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL vừa diễn ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng, nên có các loại điểm sàn cho các loại trường khác nhau. Thứ trưởng có đồng tình với đề xuất này?

- Các trường NCL luôn muốn không có sự phân biệt bằng cấp, cho nên không thể mức điểm đầu vào khác nhau mà bằng cấp như nhau. Các trường muốn được xã hội đánh giá như nhau thì không thể nào có điểm sàn quy định trường này thấp hơn trường kia. Theo tôi, các trường công lẫn trường NCL phải nâng cao uy tín của mình, trường càng uy tín thì điểm sàn đầu vào càng cao, tạo ra sự phân tầng rõ rệt.

Thứ trưởng có lời khuyên gì đối với các trường NCL trong công tác tuyển sinh năm tới?

- Năm nay, các trường không tuyển được là vì đa số đào tạo các ngành quản lý (kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng) trong khi có rất ít ngành về kỹ thuật. Khi những ngành quản lý bão hòa, các trường ĐH công lập hàng đầu còn tuyển không đủ chỉ tiêu, làm sao những trường top dưới tuyển đủ? Nếu các trường NCL muốn tuyển đủ thì phải đa dạng hóa ngành nghề, hướng đến những ngành theo xã hội yêu cầu. Các trường nên dựa vào quy hoạch Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 xem cần hướng đào tạo vào những ngành nào. Đó là trách nhiệm chiến lược phát triển của trường.

Mùa tuyển sinh năm 2013 sẽ có những thay đổi gì, thưa Thứ trưởng?

- Từ nay đến năm 2015, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ không có thay đổi lớn, chỉ thay đổi kỹ thuật cho phù hợp với tình hình hiện nay (bổ sung diện tuyển thẳng, xét tuyển thí sinh ở các huyện nghèo vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ). Sau năm 2015, khi sách giáo khoa mới và chương trình học phổ thông thay đổi, thì tuyển sinh ĐH, CĐ mới có thay đổi.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

 

Kênh Tuyển Sinh

Theo: Kinh tế Đô Thị