Tháo chạy khỏi trường tư?

Hệ thống 81 trường ĐH, CĐ ngoài công lập cả nước vốn có thị trường giáo dục lớn và họ cũng phải có trách nhiệm quan tâm tới nhu cầu nhân lực, phân luồng đào tạo nghề nếu muốn góp phần tạo nên diện mạo mới của nền giáo dục nước nhà.

Có thể vì nỗi lo thí sinh tiếp tục tháo chạy khỏi trường tư, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập vừa có công văn gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến sự tồn vong của hệ thống các trường này. Trước ngày 15/3, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với Hiệp hội để trao đổi, thống nhất đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.

Điểm sàn đại họcđiểm sàn cao đẳng là ngưỡng đảm bảo chất lượng

Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Bùi Văn Ga cho biết điểm sàn là ngưỡng tối thiểu để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực. Nếu bỏ điểm sàn, thí sinh có điểm thấp vẫn được gọi vào học, ra trường không đáp ứng được yêu cầu xã hội, doanh nghiệp không chấp nhận, đó mới là sự lãng phí lớn. Hiện nay thi 3 chung thì phải có điểm sàn bình đẳng cho cả trường công lập và ngoài công lập.

Cho rằng chính sách về tuyển sinh trong những năm gần đây khiến các trường tư đang gặp khó khăn lớn, chỉ tuyển được 14% số sinh viên, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đề nghị Bộ GD-ĐT thực hiện ngay Luật Giáo dục đại học. Theo đó các "cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”.

Theo Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Nghệ An Nguyễn Mạnh Hà, thất nghiệp quá nhiều là hệ quả của việc mở quá nhiều trường ĐH, CĐ trong khi chất lượng đào tạo ở một số trường chưa tốt. Quy chế xét tuyển ĐH-CĐ hệ chính quy với HS có hộ khẩu thường trú và học 3 năm liên tục tại các huyện nghèo giúp con em các huyện nghèo có cơ hội học ĐH-CĐ, song với tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao, hầu hết các em được xét tuyển thì dăm ba năm nữa, hàng trăm sinh viên của 3 huyện nghèo của Nghệ An tốt nghiệp ĐH sẽ đi về đâu, khi các huyện này vẫn đang có hàng ngàn SV thất nghiệp?

Đó cũng là một giải thích tại không nên bỏ điểm sàn xét tuyển. Nên tinh lọc phân loại hướng tới đào tạo đủ thầy đủ thợ.

Khủng hoẳng tuyển sinh năm 2012 là cơ hội thanh lọc rất tốt

Khủng hoảng tuyển sinh mùa vừa qua có thể là một đại nạn cho ngành GD&ĐT nhưng là một cơ hội thanh lọc rất tốt. Nếu có một thành phần đáng phê phán, đó chính là thống kê và dự báo nguồn nhân lực đã không có được những con số khoa học và thuyết phục, để mặc ngành chức năng chạy theo lối tư duy không quản được thì cấm (khối ngành kinh tế có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đang tăng).

Để tránh lãng phí xã hội trong việc đào tạo sai ngành, cần thông tin mang tính dự báo càng chính xác càng tốt mức thất nghiệp của các ngành để học sinh và phụ huynh cân nhắc kỹ việc chọn ngành dự thi, không theo tâm lý đám đông, cũng không vì dễ đậu hay dễ học, mà quan trọng có phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu nhân sự của xã hội. Đó cũng là yêu cầu của mùa tư vấn tuyển sinh từ nay về sau. ( Xem thêm: Sinh viên thất nghiệp hàng loạt do giáo dục định hướng sai lệch )

Không thể đòi hỏi thay đổi chính sách để cứu hàng loạt trường có nguy cơ đóng cửa

Thời kỳ khủng hoảng càng rất cần nâng chất lượng đào tạo. Có lẽ kinh nghiệm và cũng là bài học lớn nhất đằng sau "Kiến nghị của Hiệp hội” là ngay cả cơ quan quản lý giáo dục đào tạo Nhà nước là Bộ GD&ĐT vẫn có thể sai lầm về chủ trương xã hội hóa giáo dục, khi đã quy hoạch mạng lưới ĐH CĐ quá lớn, cho mở trường nhiều quá mức cần thiết trong thời gian qua.

Không thể đòi hỏi những chính sách phải thay đổi kịp thời để cứu hàng loạt trường có nguy cơ đóng cửa, phá sản, mà phải tinh lọc chất lượng, quy mô đào tạo. Đằng sau những thông tin mang tính khoa học, nâng cao tri thức theo nhu cầu học tập rất chính đáng, cũng có yếu tố kinh tế và tài chính.

Xem thêm:

Theo: Báo Đại Đoàn Kết