Sự kiện: GIÁO DỤC | TUYỂN SINH 2013 | TƯ VẤN TUYỂN SINH

Xoay quanh vấn đề dừng mở thêm ngành thừa đầu ra như tài chính ngân hàng, kế toán, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương - nguyên Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng cho rằng, hiện nay nguồn nhân lực ngành này vừa thừa vừa thiếu và việc dừng mở ngành chỉ là giải pháp tạm thời.

 

nganh hot, nganh de xin viec, tu van chon truong, tu van tuyen sinh, huong nghiep, tu van chon nganh, nganh luong cao, an ninh thu do

 

- PV: Theo dự báo của Viện Nhân lực, năm 2013 có khoảng 32 nghìn sinh viên ngành ngân hàng tài chính ra trường, trong đó hơn 10 nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc làm trái ngành. Tại sao lại khó tìm việc ngành ngân hàng thưa ông?

- PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Ngân hàng cho đến nay vẫn là khu vực có hiệu quả kinh doanh tốt nhất, đem lại cơ hội việc làm lớn cho toàn xã hội và thu nhập cao cho cá nhân người lao động. Trên thế giới và ở Việt Nam, ngành ngân hàng vẫn sẽ là lĩnh vực được sinh viên coi là hấp dẫn nhất, giống như nhu cầu đào tạo bác sỹ và luật sư, nhân viên làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Vì đó là lĩnh vực có cơ hội cạnh tranh, trả lương cao, đãi ngộ tốt có cơ hội thăng tiến.

Tuy nhiên, vì cơ hội tốt nên yêu cầu cao, chỉ những sinh viên xuất sắc nhất mới có thể tìm kiếm được cơ hội việc làm trong những lĩnh vực này. Nhà tuyển dụng thường mong muốn tuyển người có kiến thức chuyên sâu và có kinh nghiệm làm việc. Vì vậy, sinh viên mới tốt nghiệp luôn phải đối mặt với bài toán “con gà và quả trứng” muốn có việc làm thì phải có kinh nghiệm và muốn có kinh nghiệm thì phải có việc làm.

Trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, ngân hàng sẽ thu hẹp tuyển dụng lao động không có kinh nghiệm. Tuy nhiên, những công việc liên quan đến kỹ năng phân tích tài chính và quản trị đầu tư ở các doanh nghiệp khác đều vẫn rất cần và sinh viên hoàn toàn có thể khai thác cơ hội này để chuẩn bị kinh nghiệm cho những cơ hội việc làm tốt hơn.

- Gần đây, Bộ GD&ĐT có chủ trương dừng mở mới ngành đào tạo Tài chính-Ngân hàng vì dư thừa nguồn nhân lực, ông có ý kiến như thế nào?

- Phát biểu tại Hội nghị ngân sách ngành giáo dục 2012 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định năm 2013 không mở mới các trường về khối kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng (TCNH). Các trường công lập và ngoài công lập đã thành lập mà có hồ sơ xin mở ngành thuộc khối ngành trên sẽ không được chấp thuận. Đây là chủ trương đúng đắn đối với toàn bộ khối kinh tế và quản lý để khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” ở Việt Nam. Việt Nam đang thừa người quản lý có trình độ kém và thiếu công nhân lành nghề có chất lượng cao.

Người học tài chính – ngân hàng mà không có kiến thức chuyên sâu tài chính và tác phong làm việc chuyên nghiệp, đào tạo từ nguồn sinh viên chất lượng thấp, chương trình đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội, không gắn kết học thuật với các cơ hội việc làm thì sẽ là gánh nặng cho toàn xã hội.

Kiến thức tài chính cực kỳ quan trọng trong sự phát triển không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Không có chuyện dừng tuyển sinh, nếu có thì dừng mở ngành. Quản lý mở ngành là công tác quản lý nhà nước, cần có định hướng, cần có điều kiện đảm bảo để mở ngành, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu đào tạo của ngành đó.

Chỉ mang tính cơ học

- Theo ông việc dừng mở ngành “hot” có phải biện pháp hiệu quả trong thời gian này?

- Tôi nghĩ biện pháp này mang tính cơ học không giải quyết được vấn đề, có thể giải quyết được 1 năm, 2 năm sau đó đâu lại vào đó. Điều quan trọng là có chiến lược phát triển giáo dục phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, cung cấp thông tin, định hướng, phân luồng giáo dục từ cấp thấp để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với khả năng của cá nhân và yêu cầu của thị trường lao động.

Thay vì việc hạn chế tuyển sinh hay cấm mở ngành thì điều quan trọng hơn trong chiến lược phát triển giáo dục là phải định hướng, phân luồng cho học sinh phổ thông, lựa chọn ngành nghề và chỉ rõ cơ hội nghề nghiệp ngay từ cấp thấp. Đào tạo đạt chuẩn, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, đào tạo gắn kết học thuật với thực tiễn, đào tạo gắn kết nhà trường với doanh nghiệp.

Quy hoạch giáo dục cần định hướng và phân luồng theo chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ các cấp thấp hơn. Để cho người dân tự lựa chọn cơ hội phù hợp với khả năng của mình và tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

- Cảm ơn ông!

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: báo An Ninh Thủ Đô