Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

 

Tin liên quan:

bo_GDDT_BUONG_KY_THI_TOT_NGHIEP_THPT

Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2011. Trong năm 2012, nhiều trường kinh tế sẽ thay môn hóa bằng môn tiếng Anh hoặc môn văn.

 

Mặc dù kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2012 vẫn giữ ổn định theo giải pháp “ba chung” nhưng Bộ GD&ĐT cho biết sẽ có một số điều chỉnh. Trước mắt, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu bổ sung một số khối thi để đáp ứng tốt hơn yêu cầu kiểm tra năng lực đầu vào của các ngành đào tạo, tạo sự linh hoạt trong xét tuyển của các trường và tăng cơ hội đăng ký dự thi của thí sinh.

Học sinh lo lắng

Là trường chuyên đào tạo về kỹ thuật nhưng TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, cho biết nếu Bộ cho phép, trường sẽ bỏ môn hóa và thay bằng môn tiếng Anh hoặc môn văn cho một số ngành. “Để giỏi kỹ thuật phải đọc nhiều tài liệu bằng tiếng Anh và môn văn hầu như cần thiết với mọi ngành học” - ông Thư nói. PGS-TS Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cho hay: “Với hướng mở của Bộ dự kiến năm nay học viện sẽ chọn môn tiếng Anh hoặc thêm môn ngữ văn”.

 

TS Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Trong tuần này trường sẽ bàn phương án tuyển sinh. Nếu Bộ cho phép trường lựa chọn thêm môn thi thì thí sinh dự thi vào trường có thể lựa chọn khối thi truyền thống hoặc thêm toán, lý, tiếng Anh”. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng tính phương án ba môn toán, lý, tiếng Anh cho nhóm ngành kinh tế để thí sinh có nhiều lựa chọn.

 

Tuy nhiên, Khánh Linh, học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, cho biết: “Kỳ thi năm nay chưa gì em đã thấy ba cách tuyển sinh. Đó là thi theo khối truyền thống “ba chung”, thi theo khối mở rộng và thi theo đề riêng của các trường được tự chủ. Em đã học xong học kỳ 1 lớp 12 rồi, vì vậy thi theo khối truyền thống là yên lành nhất, không dám mạo hiểm”. H. Tuấn, học sinh Trường THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận, lo lắng: “Em nghĩ nếu đổi môn thi thì nên bắt đầu từ lứa lớp 10 năm sau. Như em, đã học đến năm cuối rồi, đùng một cái thay đổi coi như uổng công ôn luyện ba năm nay. Vả lại đa số học sinh khối A tụi em đều né hai môn văn, tiếng Anh mà đổi môn hóa thay môn này thì khác nào làm khó học sinh”.

 

Khá bức xúc, một học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nói: “Hình thức tuyển sinh mới có lẽ là hay nhưng không hay khi áp dụng quá nhanh. Biết bao bạn học sinh cũng đang học lệch ba môn như em, làm sao có thời gian để quay đầu lại học thêm một môn mới. Giả sử nếu thi ba môn toán, lý, văn thì điểm của các bạn đang chuyên tâm học khối D sẽ chắc chắn cao hơn bạn học toán, lý, hóa. Em thật sự mong các thầy suy nghĩ lại, nếu có đổi chắc cũng không nhanh đến mức áp dụng trong năm nay”.

Trường e dè

Nhận định về mở rộng khối thi, TS Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho hay: “Quan điểm của trường là không đổi khối thi nghĩa là vẫn thi khối A truyền thống nhưng tạo điều kiện tăng thêm cơ hội cho thí sinh chứ nếu đổi ngay là chết học sinh, vì trong hai, ba năm nay đã đầu tư toán, lý, hóa rồi. Mặt khác, Bộ cần thảo luận kỹ với các trường và sớm thống nhất để thông báo rộng rãi, tránh làm xáo trộn tâm lý học sinh”.

 

Mặc dù cho rằng nhóm ngành kinh tế tuyển sinh theo khối mới là toán, lý, tiếng Anh hoặc toán, lý, văn là hợp lý hơn khối truyền thống nhưng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến năm 2012 vẫn tuyển sinh theo khối truyền thống vì “không muốn làm thí sinh hoang mang”. Cùng quan điểm, đại diện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục tuyển sinh theo “ba chung” của Bộ, vì thêm môn thi chưa chắc có tác dụng tốt hơn trong điều kiện hiện nay.

 

Là một trong những trường trọng điểm được Bộ GD&ĐT cho phép đề xuất phương án tuyển sinh riêng nhưng PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết trường vẫn thi theo phương án “ba chung”. Trường ĐH Ngoại thương cũng thi theo mọi năm. “Thí sinh thi khối truyền thống có thể xét tuyển vào các trường khác, còn thí sinh thi theo môn riêng thì xét tuyển nguyện vọng 2 như thế nào? Các trường khác không sử dụng kết quả của những trường thi riêng thì chính thí sinh sẽ bị thiệt thòi” - GS-TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, nói.

 

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng: “Cuối tháng 12 này chúng tôi mới có phương án cụ thể, không thay đổi gì nhiều. Trên tinh thần vẫn tuyển sinh “ba chung”. Theo tôi, phải nghiên cứu kỹ, sau khi chắc chắn mới công bố rộng rãi, công khai và có những hướng dẫn cụ thể để phụ huynh và học sinh biết”.


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (phapluat)


Bài: Tuyển sinh 2012: rối khi mở rộng khối thi