Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

tuyen_sinh_2012_bo_thi_cum_cham_cheo

Theo lãnh đạo nhiều sở giáo dục và đào tạo thì ngoài giảm kinh phí thi cử, thì cả học sinh và giáo viên sẽ thoải mái hơn nếu áp dụng quy định thi mới. Ảnh mang tính minh hoạ. Ảnh: Trung Dũng

 

 

Theo tin từ bộ Giáo dục và đào tạo, năm 2012, hình thức “thi cụm, chấm chéo” liên tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ bị xoá bỏ và thu hẹp lại trong từng địa phương. Như vậy, sau ba năm triển khai, hình thức “thi cụm chấm chéo” có thể sẽ được công bố “phá sản” vào giữa tháng 1.2012 tại hội nghị tuyển sinh toàn quốc.

 

Được biết, đề thi vẫn là đề thi quốc gia do bộ ra. Tuy nhiên, bộ sẽ giao cho giám đốc các sở giáo dục và đào tạo tự tổ chức cách thức thi phù hợp với địa phương của mình. Sở cũng được phép chủ động tổ chức chấm thi, nhưng phải đảm bảo yêu cầu chấm chéo bài thi tự luận giữa các trường trong địa bàn tỉnh. Mặc dù vậy, trong khi nhiều địa phương đang gấp rút lên kế hoạch triển khai, thì có nơi cho biết chưa nhận được công văn chỉ đạo thực hiện quy định mới này…

Bỏ là phải!

Hình thức thi cụm, chấm chéo được chính thức triển khai từ năm 2009. Các sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm sắp xếp các trường thành cụm trường để tổ chức thi. Mỗi cụm có ít nhất ba trường THPT hoặc ba trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, nếu nhìn cảnh thí sinh đảo Cô Tô (Quảng Ninh) phải vượt 60km đường biển vào đất liền đi thi, hay học sinh trường THPT Cần Thạnh (Cần Giờ, TP.HCM) phải vượt 40km để đến Bình Khánh, Cần Giờ để thi mới thấy hình thức “thi cụm, chấm chéo” phá sản là dễ hiểu.

 

Ông Thái Văn Long, giám đốc sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Cà Mau tán thành quy định tổ chức thi cụm chấm chéo để đảm bảo công bằng cho thí sinh. Tuy nhiên, theo ông, sự cố “11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cùng nhau thoả thuận nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, cho thấy sự thiếu khách quan trầm trọng. Nếu tỉnh B chấm vừa, tỉnh C chấm chặt... sẽ không đảm bảo công bằng cho thí sinh. Chưa kể, các thí sinh vùng sâu vùng xa vốn đã rất thiệt thòi về cơ sở vật chất, giờ lại phải lặn lội đến thi tại các điểm thi xa nhà. “Nếu được bộ giao trách nhiệm và quyền tự chủ, tôi cho rằng các sở hoàn toàn có thể làm tốt nhiệm vụ này, vì các địa phương hiểu đâu là phương thức phù hợp với địa phương mình”, ông Long nhấn mạnh.

 

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tám, giám đốc sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên cho rằng, chất lượng một kỳ thi nằm ở khâu giảng dạy và luyện thi cho thí sinh tốt, chứ không phải ở việc cho thí sinh này ngồi với thí sinh khác trường. Việc bỏ thi cụm sẽ giúp học sinh và phụ huynh đỡ vất vả, nhưng giám thị sẽ phải giám sát tích cực hơn.

Nhưng phải xem chất lượng dạy học

Ông Trần Trọng Khiếm, giám đốc sở Giáo dục và đào tạo Cần Thơ, cho biết sở đang chuẩn bị kế hoạch để trình UBND cho ý kiến, khi đó mới công bố được. Còn theo lãnh đạo phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, thuộc sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, từ nhiều năm nay TP.HCM đã chủ động đổi mới trong thi tốt nghiệp THPT, nên quy định mới này của bộ không gây xáo trộn. Việc chấm thi cũng thực hiện chéo giữa các hội đồng thi theo quy chế của bộ ban hành nên cũng không gặp trở ngại gì.

 

Ông Nguyễn Xuân Ngọc, giám đốc sở Giáo dục và đào tạo Lâm Đồng, nói: “Nếu bỏ hình thức thi theo cụm thì bộ phải có văn bản hướng dẫn đánh giá khác, giống như bỏ thi THCS ngày xưa cũng vậy thôi”.

 

Theo ông Ngọc, áp dụng hình thức thi mới sẽ tiết kiệm được nhiều khoản kinh phí, đỡ gây ức chế, áp lực cho học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Tuy nhiên, ông lại cho rằng: “Đây cũng là động lực của vấn đề thi cử. Nếu bỏ thi cụm thì phải đổi mới cách thức dạy và học, và kể cả chương trình, đánh giá học sinh theo chuẩn kiến thức kỹ năng phải phù hợp”. Mỗi năm, tỉnh Lâm Đồng có khoảng 17.000 học sinh dự thi tốt nghiệp THPT.

 

Các địa phương như Đồng Tháp, Bình Dương và Tiền Giang cũng đã nắm tinh thần của bộ qua báo chí nhưng chưa nhận được văn bản chỉ đạo cụ thể. Ông Phạm Văn Khanh, phó giám đốc sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Tiền Giang, nói: “Phải chờ công văn chỉ đạo cụ thể để triển khai, nhưng ngành giáo dục ủng hộ quyết định này. Còn phía tâm lý phụ huynh như thế nào thì chưa thể nắm được. Quan điểm của sở là dù thi cụm hay không cũng phải thực hiện “hai không” một cách nghiêm túc như những năm trước”.

 

Giám đốc sở Giáo dục và đào tạo Đồng Tháp, ông Hồ Văn Thống, cũng ủng hộ chủ trương đổi mới trong thi cử nhưng theo ông, giao quyền tự chủ như vậy sẽ phát sinh tiêu cực nếu không nêu cao tinh thần “học thật thi thật”.

 

Ông Đặng Thành Sang, phó giám đốc sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Dương, cũng cho rằng: “Cũng là đề bộ ra nhưng tâm lý học sẽ thoải mái khi đối diện với kỳ thi khi được thi tại trường của mình, thầy cô dạy mình. Tuy nhiên, chắc chắn mặt bằng kết quả thi giữa các tỉnh sẽ chênh nhau rất lớn. Nếu thực hiện “hai không” không nhất quán, trường nào quyết liệt thực hiện thì sẽ thiệt. Vì vậy dù giao quyền tự chủ nhưng kiểm tra, giám sát và thực hiện thi phải nhất quán, đặc biệt là việc nói không với bệnh thành tích”.

Tuyển sinh CĐ, ĐH 2012 sẽ có nhiều thay đổi

Bộ Giáo dục và đào tạo cũng vừa đưa ra một số thông tin mới về tuyển sinh 2012. Cụ thể, sẽ bổ sung một số khối thi; các trường ĐH trọng điểm, các trường ĐH khối năng khiếu – nghệ thuật chủ động đề xuất phương án tuyển sinh. Đặc biệt, các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm việc xét tuyển, trên cơ sở điểm sàn và chỉ tiêu đã xác định. Học sinh đạt giải ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia sẽ được vào thẳng đại học. Thông tin chính thức các thay đổi cụ thể sẽ được bàn thảo và đưa ra tại hội nghị tuyển sinh toàn quốc, vào ngày 14.1.2012 tới.


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (SGTT)


Bài: Tuyển sinh 2012: bỏ thi cụm và chấm chéo