Cân nhắc kỹ

Theo ghi nhận, hầu hết thí sinh chưa nộp hồ sơ đăng ký dự thi (HSĐKDT). Đến chiều qua (14- 3), Sở GD&ĐT TPHCM mới nhận được 1 hồ sơ dự thi vào trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn TPHCM. Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TPHCM cũng chỉ nhận được 1 bộ hồ sơ đăng ký thi Học viện Hành chính Quốc gia.


Tại các trường THPT Tam Bình, Thủ Đức, Lê Quý Đôn…, học sinh chỉ đến hỏi về cách thức ghi hồ sơ. Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh tại Cơ quan đại diện Bộ GD& ĐT tại TPHCM, thời gian nộp hồ sơ còn dài nên học sinh còn cân nhắc về việc lựa chọn ngành, chọn trường.


Tuyển sinh 2018 - chưa vội nộp hồ sơ dự thi - Ảnh 1
Hình minh hoạ

Ông Đỗ Thanh Duy, chuyên viên Vụ ĐH và sau ĐH, Bộ GD&ĐT, năm nay có trên 500.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào 437 trường ĐH, CĐ. Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi từ 14-3 đến 14-4. Sau thời gian này, thí sinh có 1 tuần (từ ngày 15-4 đến ngày 21-4) để nộp trực tiếp tại trường ĐH, CĐ. Thí sinh có một tháng để nộp hồ sơ, vì vậy nên thận trọng cân nhắc.


Ông Duy lưu ý thí sinh: Trước khi khai hồ sơ đăng ký dự thi (HSĐKDT) cần đọc kỹ hướng dẫn để tránh nhầm lẫn một số mục đặc biệt. Mục 2 trong HSĐKDT dành để khai tên trường dự thi; mục 3 dành để khai trường mà thí sinh định học nhưng trường đó không tổ chức thi.


Thí sinh được xét ưu tiên chú ý ghi chính xác khu vực hưởng ưu tiên. Thí sinh thuộc đối tượng nào thì khoanh đúng ô của đối tượng đó, đặc biệt là con thương binh hoặc người được hưởng chính sách như thương binh.


Thí sinh đang theo học trường dự bị, trường nội trú, trường tạo nguồn cần lưu ý mình là đối tượng thuộc diện được ưu tiên theo hộ khẩu thường trú chứ không phải theo nơi học như học sinh các trường THPT khác. Vì vậy, phải khai ưu tiên theo hộ khẩu thường trú (trên thực tế thí sinh thường khai ngược lại dẫn đến nhầm lẫn, thiệt thòi).


Thí sinh tự do lưu ý, phải ghi rõ địa chỉ để không thất lạc giấy báo dự thi và phiếu điểm chính xác (nhiều thí sinh tự do ôn thi ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Huế... thường ghi địa chỉ nhà trọ).


Tuyển sinh 2018 - chưa vội nộp hồ sơ dự thi - Ảnh 2
Hình minh hoạ

Hồ sơ và lệ phí thi


HSĐKDT gồm một túi hồ sơ và 2 phiếu ĐKDT có đánh số 1 và 2; ba ảnh chụp theo kiểu chứng minh thư cỡ 4x6cm ghi họ, tên và ngày, tháng, năm sinh của thí sinh ở mặt sau (một ảnh dán trên túi đựng hồ sơ, hai ảnh nộp cho trường); bản sao hợp lệ giấy chứng nhận là đối tượng ưu tiên (nếu có); ba phong bì dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để các sở GD&ĐT gửi giấy báo dự thi, giấy chứng nhận kết quả thi (hoặc giấy báo điểm) và giấy báo trúng tuyển;


Đối với thí sinh là đối tượng tốt nghiệp trung cấp nghề (hệ THCS) phải có xác nhận đã học đủ khối lượng và thi đạt các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT. Thí sinh nộp lệ phí ĐKDT (50.000 đồng) và lệ phí thi (30.000 đồng) một lần khi nộp HSĐKDT.


HSĐKDT do sở GD&ĐT ban hành; thí sinh tự do mua tại các điểm quy định của các sở và phòng GD&ĐT quận, huyện; thí sinh là học sinh phổ thông mua tại các trường THPT mình đang theo học.


Thời gian xét tuyển nguyện vọng (NV) 2 và 3 được kéo dài hơn trước: NV2 từ ngày 25-8 đến ngày 15-9; NV3 được xét tuyển từ ngày 20-9 đến ngày 10-10. Thí sinh vẫn dự thi tuyển sinh theo 3 đợt như năm trước.

Bà Song Hà, Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối tháng 3 rất ít thí sinh đến nộp HSĐKDT; đông nhất là tháng 4. Thí sinh đang học lớp 12 tại các trường THPT nộp hồ sơ tại trường mình và theo lịch quy định cho từng trường.


Tuy nhiên, nếu hạn chót của trường THPT đã hết trong khi hạn nộp hồ sơ chung của cả nước vẫn còn, các trường THPT vẫn phải đáp ứng nhu cầu nộp hồ sơ bổ sung của thí sinh.