Dẫu số lượng học sinh tham gia rất đông nhưng những vướng mắc về việc lựa chọn ngành nghề, chọn trường nào phù hợp... đã được ban tư vấn giải đáp tối đa.


Tưng bừng ngày hội miền Trung - Ảnh 1
Đông đảo thí sinh đến tham dự ngày hội tuyển sinh tại Đà Nẵng - Ảnh: Đăng Nam

Các thí sinh tham dự ngày hội được thưởng thức miễn phí thức uống tại gian hàng của Trường cao đẳng Nghề du lịch Đà Nẵng chiều 6-3 - Ảnh : Minh Đức

Điểm nổi bật của ngày hội là các bạn học sinh có mặt từ rất sớm. Nhiều trường ở các quận huyện ngoại thành Đà Nẵng như Hòa Vang và từ các trường THPT của Quảng Nam như Lương Thế Vinh, Hoàng Diệu (Điện Bàn), Lương Thúc Kỳ (Đại Lộc), Trần Quý Cáp (Hội An) đã đến tham gia chương trình trước một giờ.

Tưng bừng ngày hội miền Trung - Ảnh 2
GS.TS Bùi Văn Ga, thứ trưởng Bộ GD&ĐT tại Lễ khai mạc
chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2011 tại TP Đà Nẵng sáng 6-3. Ảnh : Minh Đức

Ngay từ 7g sáng, hàng trăm học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã đến tham gia ngày hội. Các bạn cho biết thầy cô đã thông báo thông tin về ngày hội và khuyến khích học sinh tham gia nhằm tìm hiểu cơ hội ngành nghề cũng như được tư vấn ngành nghề phù hợp với mình nhất.

Tưng bừng ngày hội miền Trung - Ảnh 3
Ông Lê Thế Chữ, phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ phát biểu tại lễ khai mạc sáng 6-3. Ảnh : Minh Đức

Tưng bừng ngày hội miền Trung - Ảnh 4
GS.TS Bùi Văn Ga (thứ 2 từ phải sang), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT và ông Lê Thế Chữ (bìa trái),
phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ tặng hoa cảm ơn các đơn vị đã hỗ trợ chương trình tư vấn
tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2011 tại TP Đà Nẵng sáng 6-3 - Ảnh : Minh Đức

 
Cha con cùng dự hội

Nhóm học sinh Trường THPT Hermann Gmeiner (quận Ngũ Hành Sơn) đến ngày hội sớm hơn một giờ. Nguyễn Đăng Ri - học sinh lớp 12/2 - cho biết một nhóm 10 bạn đã rủ nhau đón xe buýt đến tham gia.
Không chỉ học sinh, ngày hội cũng thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh. Cả ngày, ông Nguyễn Văn Hùng (57 tuổi) miệt mài tham dự tất cả các khu vực tư vấn chuyên sâu và ngồi lặng lẽ ở một góc khu vực tư vấn nhóm ngành xã hội nhân văn - kinh tế - luật... chăm chú lắng nghe và cẩn thận ghi lại những ý mà mình tâm đắc.

Ông cho biết do con bận đi học nên mình đi để tự thu thập thông tin tư vấn cho con khi cần thiết. “Con chọn ngành tùy theo sở thích của mình nên tôi cũng để nó tự tìm hiểu. Có những lúc nó tham khảo ý kiến nhưng mình không trả lời được và cũng không có thông tin để khuyên cháu. Các thầy tư vấn nhiều ý rất hay khi chọn ngành, tôi ghi lại để về tư vấn cho con”.

Khu vực trắc nghiệm chọn ngành nghề và trắc nghiệm kiến thức luôn đông nghẹt học sinh. Theo quan sát của chúng tôi, phần cấu trúc đề thi năm 2011 và trắc nghiệm chọn ngành nghề được các bạn học sinh quan tâm nhiều nhất.

Nhiều học sinh cho biết nhờ làm trắc nghiệm mà chọn được nhóm ngành phù hợp với sở thích của mình để từ đó nhờ các thầy tư vấn nên chọn ngành nào. Có bạn ghi lại tỉ mỉ điểm chuẩn của các năm để chọn được trường phù hợp.

Gian tư vấn của các trường cũng hết sức sôi động với nhiều hoạt động tư vấn rất thu hút. Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai mang đến ngày hội những hình ảnh hết sức lạ mắt.

Các sinh viên mặc những bộ thời trang lạ mắt do các bạn tự thiết kế đứng tư vấn cho các bạn học sinh. Trường trung cấp nghề du lịch Việt - Úc (Đà Nẵng) trình diễn nấu và trang trí món ăn, pha chế cocktail rất điệu nghệ.

Đặc biệt, các trường thành viên ĐH Đà Nẵng đã bố trí các chuyên viên phòng đào tạo tư vấn cho các bạn học sinh quan tâm.


Tưng bừng ngày hội miền Trung - Ảnh 5
Từ sáng sớm các bạn học sinh THPT của Đà Nẵng đã nhận những thông tin
 về tuyển sinh ĐH do báo Tuổi Trẻ cung cấp. Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Tưng bừng ngày hội miền Trung - Ảnh 6
Háo hức tham khảo tài liệu tại ngày hội tư vấn tuyển sinh. Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Tưng bừng ngày hội miền Trung - Ảnh 7
Theo dõi thông tin trên báo Tuổi Trẻ về tuyển sinh ĐH. Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Tưng bừng ngày hội miền Trung - Ảnh 8
Các thí sinh nhận quà tặng của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Đăng Nam
Tưng bừng ngày hội miền Trung - Ảnh 9
Các thí sinh Đà Nẵng tham gia tại khu vực trắc nghiệm trên máy tính - Ảnh : Minh Đức


Trường gần nhà “đắt hàng”

Trong cả hai buổi tư vấn, rất nhiều thí sinh quan tâm, đặt câu hỏi với ĐH Đà Nẵng. Bên cạnh đó là vấn đề về nguồn nhân lực địa phương trong thời gian tới. TS Đào Hữu Hòa - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) - cho rằng đây là trăn trở của rất nhiều thí sinh và phụ huynh trong mùa thi sắp tới.

Theo ông Hòa, Chính phủ đã xác định khu vực miền Trung sẽ là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, dịch vụ... Như vậy nguồn nhân lực về cả các khối ngành về kinh tế cũng như kỹ thuật ở đây sẽ rất cần.

ThS Giang Thị Kim Liên - phó ban đào tạo ĐH Đà Nẵng - cũng cho biết thêm hiện nhóm ngành kinh tế vẫn được học sinh ở địa phương này yêu thích nhất vì thực tế ở TP Đà Nẵng ngành kinh tế du lịch đang phát triển nhất. Bên cạnh đó, một số khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận đang phát triển mạnh nên rất cần nhân lực nhóm ngành kỹ thuật.

Tuy nhiên, cũng có khá nhiều thí sinh quan tâm tới ngành sư phạm tâm tư nhiều người học ngành sư phạm tốt nghiệp khá giỏi vẫn khó có việc làm. Học ngành sư phạm ra trường phải lên miền núi dạy học...

TS Nguyễn Tấn Lê, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), giải thích sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm các bạn phải qua kỳ tuyển công chức của các sở GD-ĐT. Việc thi tuyển thường lấy theo số điểm các bạn đạt được trong hồ sơ (điểm học lực...) để xếp loại từ cao xuống thấp. Tốt nghiệp ngành sư phạm loại xuất sắc, đáp ứng một vài tiêu chí thì cũng có thể trở thành giảng viên ĐH.

ThS Phạm Hồng Phong - Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) - cho biết: “Phạm vi hoạt động của ngành rất rộng lớn chứ không phải chỉ lên núi làm việc. Một số địa phương thiếu lực lượng giáo viên ở miền núi mới phân công các em mới ra trường về đó công tác thôi”.

Theo Ông Lê Trung Chinh, giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng: “Đà Nẵng là một TP trẻ và giàu tiềm năng cần nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển của TP. Ngành GD-ĐT chú trọng định hướng, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT. Vì thế hoạt động tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ trong những năm qua góp phần cùng ngành giáo dục đạt được nhiều mục tiêu về tuyển sinh ĐH, CĐ và hướng nghiệp cho học sinh”.



Nguồn: Tuoitreonline