Tự thoát khỏi vòng vây trấn lột, tống tiền học đường

Trong đó, nhiều chuyên gia cho rằng bản thân các bạn trấn lột phần lớn do bị ảnh hưởng về tâm lý, gia đình và nhà trường.

Còn nạn nhân của các vụ trấn lột lại thường là người ít dám lên tiếng và thiếu kênh chia sẻ trong gia đình, nhà trường.

Một ý kiến đáng chú ý trong việc giải quyết vấn đề chính là: hãy làm bạn với “kẻ thù”.

Hãy để trẻ nói

Thạc sĩ (ThS) Nguyễn Thúy An (giảng viên khoa giáo dục Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) đánh giá trấn lột trong học đường không phải là một vấn đề mới, không chỉ riêng ở giáo dục Việt Nam mà cả thế giới.

“Đáng báo động” là nhận xét của TS Ngô Xuân Điệp (trưởng khoa tâm lý học ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) về tình trạng học sinh rơi vào trạng thái rối loạn lo âu, sợ sệt khi bị vòi tiền.

Bên cạnh đó, theo ThS Nguyễn Thúy An, việc thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề, khi việc trấn lột xảy ra bản thân bị “bí”, không tự tìm được lối thoát.

Đồng tình, chuyên gia kỹ năng sống Đỗ Linh nhận xét nạn nhân bị bắt nạt thường là những bé nhút nhát, hay sợ sệt và thiếu tự tin.

“Sự thiếu tự tin có thể là do bối cảnh gia đình và sự giáo dục từ nhỏ. Nếu gia đình thường “đàn áp”, lấn át con, không cho con trẻ tự do lên tiếng thì khi gặp chuyện, trẻ cũng khó khăn trong việc bộc bạch, thổ lộ” - anh Đỗ Linh nhận xét.

Theo chuyên gia kỹ năng sống Đỗ Linh, trẻ không thổ lộ với người lớn chuyện mình bị bắt nạt có thể là do trẻ sốc, lần đầu đối diện nên không biết xử trí ra sao khi mà trước đó em không hoặc chưa được dạy về những kỹ năng này.

Mặt khác, theo ThS Nguyễn Thúy An, bản thân người chuyên trấn lột có thể thiếu thốn một điều gì đó, chẳng hạn như thiếu tiền chơi game, thiếu tình cảm hoặc trấn lột để thỏa mãn sở thích cá nhân...

Làm bạn với chính “kẻ thù”

Đây là lời khuyên của ThS Nguyễn Thúy An dành cho những em học sinh là nạn nhân của tình trạng vòi tiền, bắt nạt.

“Phải tỉnh táo để thoát khỏi vòng vây của sức mạnh, bằng cách làm bạn với chính “kẻ thù” của mình, biến kẻ thù thành bạn thân. Nên kết thân với một nhóm bạn để được hỗ trợ khi cần thiết”, cô Nguyễn Thúy An chia sẻ.

Chia sẻ suy nghĩ này, thầy Trương Lê Quốc Nguyên, trợ lý thanh niên của Trường THCS-THPT Lạc Hồng (TP.HCM), cho biết nhiều bạn khi bị bắt nạt thì không dám nói trực tiếp với thầy cô, cha mẹ vì e ngại nhiều điều nên đã chọn cách thổ lộ với bạn thân.

“Và chính những người bạn thân này chia sẻ với thầy cô về khó khăn của bạn mình để thầy cô “vào cuộc”. Cách thổ lộ thông qua kênh bạn thân này cũng khá hiệu quả và được nhiều bạn chọn lựa”, thầy Quốc Nguyên kể.

Chuyên gia kỹ năng sống Đỗ Linh cho rằng sẽ không có một mẫu số chung trong việc tìm hiểu nguyên nhân và hướng khắc phục chuyện trẻ bị bắt nạt ở trường. Để trẻ nói ra suy nghĩ của mình và cùng chung tay giải quyết là cả một vấn đề.

“Tôi chọn cách kể chuyện của mình, biến mình thành người từng bị bắt nạt để gợi mở cho một cậu bé chịu thổ lộ chuyện gì đang xảy ra ở trường. Từ chỗ giữ khoảng cách, cậu bé tìm thấy sự đồng cảm và bắt đầu kể. Ngạc nhiên hơn, sau khi dám nói ra chuyện bị bắt nạt, cậu bé còn tự đề ra cách giải quyết cho mình là nhờ sự trợ giúp của anh trai”, chuyên gia Đỗ Linh kể.

Một kênh khác để trẻ có thể thổ lộ, theo thầy Trương Lê Quốc Nguyên, đó là hộp thư và các số điện thoại đường dây nóng ở trường. Tuy nhiên, theo thầy Nguyên, cách làm này vẫn chưa đủ nhanh và thuận tiện cho học trò.

“Tôi nghĩ có thể cấp cho các em những hộp thư riêng trên website của nhà trường. Từ đó, bất kỳ khó khăn gì, các em có thể thông qua kênh này và âm thầm gửi đến thầy cô. Thầy cô phụ trách website sẽ tiếp nhận và can thiệp giúp các em ngay lập tức”, thầy Quốc Nguyên nói.

Để trẻ tự chiêm nghiệm, lấy cha mẹ làm gương

Từ phía gia đình, ThS Nguyễn Thúy An cho rằng hãy để cho con trẻ được nói và tự chiêm nghiệm những câu hỏi như nếu đánh bạn, hậu quả sẽ như thế nào, nếu trấn lột thì chuyện gì sẽ xảy ra.

Theo các chuyên gia, sự trách móc đôi khi sẽ phản tác dụng vì trẻ sẽ nghĩ mình là “đứa hư hỏng rồi, làm thêm chuyện xấu gì cũng chẳng sao, cứ “cuốn theo chiều gió” thôi.

Cha mẹ nên hướng dẫn con cách đối nhân xử thế, giải quyết mâu thuẫn một cách khéo léo bằng chính tấm gương là mình, biến mình thành hình mẫu để con học hỏi, noi theo, cô Thúy An đưa ra lời khuyên.

Bản thân nhà trường đôi khi lại chưa có cách giáo dục thấm vào lòng học sinh. ThS Thúy An cho rằng cần phải có cách giáo dục phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

“Nếu cứ khuyên, khuyên không được thì cấm là không ổn. Yếu tố giáo dục đóng vai trò quan trọng định hướng suy nghĩ và hạnh phúc của các em. Hơn nữa, cuộc sống ngày càng áp lực, cần có những khóa học kỹ năng, tĩnh tâm, tìm lại chính mình, giúp các em sống tốt đời đẹp đạo”, cô Nguyễn Thúy An chia sẻ.

Cân nhắc chuyển trường khi cần thiết

Luật sư Lê Quang Vũ (phó trưởng Văn phòng luật sư người nghèo) cho biết việc chuyển trường cho học sinh bị bắt nạt trong nhiều trường hợp là cần thiết.

Về vụ việc cụ thể của em Ng.T.D, luật sư Vũ cho biết em D. học lớp 8, có độ tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi, đã có hành vi nhiều lần cưỡng đoạt tài sản của em H. với số tiền khoảng 3 triệu đồng là vi phạm pháp luật.

Theo khoản 2, điều 12, Bộ luật hình sự quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng (khung hình phạt lên đến 15 năm) do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (khung hình phạt trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình).

Tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại khoản 1 và khoản 2, điều 135, Bộ luật hình sự có mức hình phạt từ 1 năm đến 10 năm.

Do đó, trong trường hợp này em D. không phạm tội do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cha mẹ của em D. phải có trách nhiệm trả lại tiền đã chiếm đoạt và bồi thường thiệt hại cho gia đình em H. theo điều 606 Bộ luật dân sự.

Để xảy ra vụ học sinh cấp II trấn lột nhau như trên, có nhiều em tham gia, trong một thời gian dài làm cho nạn nhân lo sợ không dám đến trường là trách nhiệm của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên quản sinh và cả gia đình.

Theo luật sư Vũ, gia đình yêu cầu được chuyển trường là nguyện vọng chính đáng. Nhà trường và Phòng giáo dục quận 6 đã giải quyết ổn thỏa là việc làm đáng hoan nghênh.

Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/tieu-diem/20151214/tu-thoat-khoi-vong-vay-tran-lot-tong-tien-hoc-duong/1019062.html