Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh 2014

Sau khi Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực, Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường tự chủ trong tuyển sinh, tự xác định chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên hầu như chỉ có trường ngoài công lập sốt sắng, còn đa phần các trường công lập vẫn "bình chân".

Thi riêng, mất cơ hội xét tuyển chung

Năm 2013, Bộ cho phép 10 trường khối văn hóa nghệ thuật được phép tuyển sinh riêng. Đó là các trường Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Âm nhạc TP.HCM, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật T.Ư, Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Trường CĐ Múa Việt Nam, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.

Các ngành nghệ thuật (khối H, N, S) xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT môn ngữ văn, riêng môn năng khiếu sẽ do hiệu trưởng các trường quyết định hình thức và thời gian thi tuyển.

Với cách tuyển sinh này, thí sinh khối C muốn vào các trường xét tuyển riêng phải thi ở một trường khác có khối thi tương ứng, sau đó dùng kết quả để xét tuyển.

Tuy nhiên, đối với các thí sinh tuyển sinh riêng ngành năng khiếu do không thi môn văn theo đề chung nên khi không trúng tuyển nguyện vọng 1 đã không thể xét tuyển vào các trường thi theo “3 chung” có cùng khối thi.

Cả Bộ GD-ĐT lẫn các trường đã không phổ biến rõ ràng cho thí sinh trước khi làm hồ sơ đăng ký dự thi. Vì vậy, sau khi có kết quả thi, các thí sinh không trúng tuyển NV1 chỉ có nước chạy loanh quanh tìm cách xét tuyển vào các trường trong nhóm thi riêng với chỉ tiêu xét tuyển ít ỏi.

Trên thực tế, việc trì hoãn tuyển sinh riêng mặc dù được Bộ GD-ĐT “bật đèn xanh” của một số trường như ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội… cũng xuất phát từ e ngại thí sinh không sử dụng được kết quả thi tuyển vào trường để xét tuyển vào trường khác nếu không trúng tuyển NV1, thí sinh mất các cơ hội “dự phòng” nên sẽ “chê”.

đại học công lập chưa mặn mà tuyển sinh riêng đại học 2014

Việc tuyển sinh riêng gây khó cho thí sinh trong việc dự tuyển NV2 ở các trường khác.

Thừa nhận thi riêng có nhiều điểm lợi như tạo cơ hội cho thí sinh thi được nhiều trường hơn (do thời gian tuyển sinh các trường khác nhau), trường có nguồn tuyển nhiều hơn và đánh giá thí sinh cả quá trình phổ thông… nhưng cũng nảy sinh nhiều bất cập. Chẳng hạn tình trạng thí sinh mất cơ hội xét tuyển vào các trường có cùng khối thi nhưng thi theo “3 chung”. Trước tình hình này, lãnh đạo nhiều trường cũng cho rằng, lẽ ra Bộ nên chỉ ra điều này khi cho phép các trường tuyển sinh riêng để trường và thí sinh không phải bỡ ngỡ.

Trả lời về vấn đề này, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Bộ cho 10 trường tuyển sinh riêng trong năm nay theo đề án của các trường và thời gian thi tuyển do các trường này chủ động. Vì vậy, thí sinh vẫn có thể tham dự kỳ thi “3 chung” của các trường khác để nộp hồ sơ xét tuyển chứ không được sử dụng kết quả thi từ 10 trường này”!

Trường công lập chưa mấy mặn mà

Mặc dù Bộ GD-ĐT đề nghị một số trường ĐH trọng điểm xây dựng phương án tuyển sinh riêng, nhưng đến nay mới chỉ có ĐHQG Hà Nội và ĐH QG TP.HCM dự kiến phương án sẽ thực hiện trong năm 2014. Còn lại gần 20 đề án tuyển sinh riêng gửi về Bộ trong thời gian qua là của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Nếu như các trường ngoài công lập vì sự sống chết của chính nhà trường mà phải loay hoay nghĩ phương án tuyển sinh riêng, thì có thể nhìn thấy rằng, các trường công lập không mấy mặn mà với quyền tự chủ.

TS Lê Thị Thu Thủy - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương - cho hay trường chưa có phương án tuyển sinh riêng. Nếu thực hiện tuyển sinh riêng, các trường vốn không có giáo viên ở các môn văn hóa theo cấp học phổ thông sẽ gặp nhiều khó khăn.

Còn PGS.TS Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cho rằng việc để các trường tự quyết cách thức tuyển sinh là xu thế tất yếu, nhưng các trường vẫn cần sự hỗ trợ ở khâu ra đề.

PGS.TS Lê Trọng Thắng cho rằng: “Cần thiết có một đơn vị chuyên trách làm đề thi vì năng lực từng trường rất khác nhau mà việc ra đề rất khó. Tốt nhất là có đơn vị độc lập tập hợp được các chuyên gia, chuyên ra đề thi theo chuẩn, sau đó chuyển cho cơ quan như Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đánh số đề thi, bảo đảm bí mật đề thi”.

PGS. TS Đinh Xuân Khoa, hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cho biết: “Khi Bộ GD-ĐT khuyến khích xây dựng phương án tuyển sinh riêng, Trường ĐH Vinh chúng tôi cũng đã có suy nghĩ, cân nhắc. Tuy nhiên, qua thực tiễn tuyển sinh của trường, chúng tôi thấy rằng kỳ thi ĐH 3 chung rất hiệu quả.

Vì lẽ, kỳ thi 3 chung đảm bảo sự an toàn, nhất là trong khâu ra đề. Đồng thời, tạo ra mặt bằng để chất lượng GD ĐH được nâng lên, đảm bảo tính ổn định của cả hệ thống. Và, kỳ thi 3 chung hiện đang được xã hội đồng tình. Với những ưu điểm này của kỳ thi 3 chung, chúng tôi không có nhu cầu thay đổi...”.

Ông Khoa cũng cho rằng, Trường ĐH Vinh được Bộ giao tổ chức cụm thi Quốc gia, mỗi kỳ thi như vậy, ĐH Vinh làm lợi cho xã hội từ 70 – 100 tỉ đồng, người nhà và thí sinh không phải ra Hà Nội hay vào TP.HCM để dự thi.

Tuy nhiên, theo ông Khoa, ngay sau khi Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT được ban hành, trường đã thành lập Ban đổi mới căn bản và toàn diện Trường ĐH Vinh để nghiên cứu, từ đó sẽ có những đổi mới kỳ thi tuyển sinh của nhà trường.

>>Lo ngại tiêu cực nếu tự chủ tuyển sinh trong năm 2014

Bên cạnh đó, trước phương án thi riêng bằng cách kết hợp nhiều hình thức đánh giá (làm bài đánh giá năng lực, phỏng vấn, xét hồ sơ), PGS.TS Lê Trọng Thắng cho rằng trong điều kiện bảo đảm minh bạch, công khai ở VN còn quá nhiều hạn chế, thì nếu thi riêng mà người phỏng vấn đánh giá theo chủ quan hay “chấm điểm theo quan hệ” thì kết quả thi cử sẽ không thể chính xác. Ông nhấn mạnh: “Cũng phải lưu ý hình thức phỏng vấn rất phù hợp với việc tuyển sinh hẹp, đối tượng tuyển sinh cho các chương trình chất lượng cao như ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến triển khai. Nhưng khi tiến hành đại trà, mỗi trường có đến vài chục nghìn thí sinh thì phương thức này chắc chắn cần những điều chỉnh cho phù hợp”.

Theo Khánh An, Petrotimes