Không nên đem thí sinh lên bàn cân
Đại diện các trường ủng hộ chủ trương đổi tuyển sinh theo hướng tự chủ, ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng ĐH dân lập Phương Đông nhận xét: “Việc thi 3 chung giống như đào tạo lính chì, không giúp tuyển chọn những con người tự chủ sáng tạo”. Đây là trường thụ hưởng nhiều nhất từ phương án thi 3 chung: lúc đầu trường tổ chức thi theo 3 chung, nhưng khoảng 3-4 năm qua trường không tổ chức thi mà xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi 3 chung.

Tuy nhiên, ông Dụ phân tích: “Do hiểu một cách thô thiển về sự công bằng nên phương án 3 chung đã mang 1 triệu học sinh đặt lên một cái cân. Ai nặng nhất từ số 1 đến số 300.000 thì vào ĐH; số còn lại vào CĐ, trung cấp và hoàn toàn không tính tới cá thể con người. Đó là điều dở nhất của 3 chung”. Theo ông Dụ, nên để các trường tự chủ biết lấy học sinh nào, ở mức độ nào, chọn bao nhiêu môn thi để phù hợp với ngành đào tạo.
Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT khẳng định đảm bảo quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội của các trường là xu thế tất yếu trong phát triển giáo dục ĐH hiện nay. Hiện có nhiều ĐH xin được cơ chế đặc biệt để tự chủ tuyển sinh, gồm các trường RMIT, Việt Đức... Thực tế cho thấy điều này không ảnh hưởng gì đến chất lượng đào tạo cũng như quyền lợi của người học.

Với quan điểm tuyển sinh là chọn được các thí sinh có tố chất phù hợp với ngành học và nghề nghiệp, ngoài kết quả 3 chung mà các thí sinh bắt buộc phải vượt qua, ĐH FPT tổ chức một đợt thi riêng của trường với các đề thi phù hợp, đáp ứng các điều kiện quy định hiện nay (tốt nghiệp phổ thông, có điểm thi đại học trên điểm sàn,...).
Với cách thi tổ chức thi sơ tuyển như vậy, ĐH FPT vừa chủ động chọn được thí sinh có tố chất phù hợp, vừa không vi phạm quy chế hiện hành, lại hỗ trợ thí sinh hướng nghiệp tốt hơn. Ông Lê Trường Tùng cho rằng, cái dở của phương án tự chủ bán phần này là thí sinh phải thi nhiều lần: thi tốt nghiệp phổ thông tháng 6, thi tuyển sinh vào ĐH tháng 7, và thi đại học FPT tháng 4 hoặc tháng 8.

Cải lùi
Ông Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN gọi việc giao quyền tự chủ tuyển sinh này là một bước cải lùi. Bởi trước đây, các trường đã tự tổ chức thi và vì có nhiều vấn đề nên hình thức thi 3 chung ra đời và mang lại khá nhiều thuận lợi trong tuyển sinh.
Nếu trở lại phương án các trường tự tuyển sinh, theo ông Hóa, sẽ có nhiều hệ lụy. Trước hết là việc tự ra đề thi gây tốn kém. “Để có một đề thi tốn 50 triệu đồng. Sẽ phải mất số tiền khổng lồ khi để hơn 300 trường “tự chủ” ra đề”. Ngoài ra còn những hệ lụy như nở rộ trung tâm luyện thi. Mỗi người ra đề sẽ mở một trung tâm luyện thi như trước đây”.

Tự chủ tuyển sinh ĐH, CĐ: Bước 'cải lùi'? - Ảnh 1

Các trường tự chủ tuyển sinh không phải là một hình thức mới mẻ

Ông Nguyễn Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mở HN cho rằng “cần cẩn thận với giao quyền tự chủ”. Đối với các trường có số lượng thí sinh đăng ký dự thi lớn như ĐH Mở Hà Nội, phương án thi 3 chung là rất tốt. “Những trường có đủ điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên sẽ cảm thấy thật tự do khi được đứng trên đôi chân tự tuyển. Tuy nhiên, tự chủ trong tuyển sinh có đạt được hiệu quả không thì còn băn khoăn”.

Ông Đỗ Xuân Tùng, Phó hiệu trưởng ĐHDL Thăng Long nhấn mạnh: Dù chung hay không chung thì việc ra đề không đơn giản. Nên chăng đưa ra hướng mới để cải tiến hình thức thi 3 chung để có mặt bằng đánh giá chất lượng chuẩn mực.

Bộ GD&ĐT có ngân hàng đề thi, các trường chủ động thời gian tuyển sinh và tiếp tục dùng chung kết quả và cùng chung một điều kiện tuyển sinh là điểm sàn (ĐS). Bộ cần khống chế ĐS để đảm bảo chất lượng đầu vào vì ĐS như hiện nay là đã ở dưới mức 5 điểm/môn (với cao đẳng còn thấp hơn) và các trường tự phải thích ứng.
Ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng ĐHDL Phương Đông cũng đưa ra giải pháp: Nếu không cho tự chủ, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức một kỳ thi chung cho các môn học và các trường sẽ tuyển chọn theo môn học và nhân hệ số các môn thi theo yêu cầu ngành mình đào tạo.

Theo Tiền Phong