Mục tiêu cụ thể, trường thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện. Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chương trình của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, có sản phẩm là bằng sáng chế quốc tế và ứng dụng vào thực tiễn. Phát triển quy mô đào tạo hợp lý, chú trọng đào tạo chương trình chất lượng cao và đào tạo theo đặt hàng

Tự chủ Đại học để tự chủ học thuật

Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Về lịch sử, Trường ĐH Tôn Đức Thắng tự chủ tài chính từ khi thành lập vào năm 1997. Đến năm 2008, khi chuyển sang trường công, Trường ĐH Tôn Đức Thắng vẫn xin được tự chủ tài chính. Khác với các trường công trong nước, Trường ĐH Tôn Đức Thắng không nhận tiền từ ngân sách. Đến nay, khi được phép thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, Trường ĐH Tôn Đức Thắng được tự chủ với phạm vi rộng hơn.

Trước đây, nếu như một việc gì cũng đi xin, thì nay, ngoài tự chủ về tài chính, Trường tự chủ về chuyên môn, tự chủ về nhân sự và tự chủ về hợp tác quốc tế. Độc lập, tự chủ thì mới vận động nội lực, phát huy sáng tạo, và cùng với nó là chịu trách nhiệm cao.

Đã có quá nhiều lời bàn về tự chủ đại học và đánh giá đó là bước đột phá mạnh mẽ trong giáo dục đại học. Một xã hội dân chủ thì học thuật phải dân chủ. Nhưng cho đến nay, khả năng tự chủ không phải ai cũng có. Nhiều trường nếu như buông “bầu sữa” ngân sách ra thì không thể sống được, vẫn cứ hàng năm chạy xin tiền nhà nước. Thậm chí, không ít trường nêu kiến nghị chưa nên tự chủ tài chính. Họ sợ bị cắt “sữa”.

Chưa tự chủ được tài chính thì không thể tự chủ những lĩnh vực khác.

Từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ với Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho thấy Chính phủ tạo điều kiện cho tất cả các trường đại học tự chủ và tự chịu trách nhiệm, chỉ có điều đa số các trường chưa sẵn sàng và chủ động để được tự chủ.

Nếu như các trường đại học đều mạnh dạn tự chủ, dám buông “bầu sữa” ngân sách, thì Nhà nước sẽ nhẹ gánh bao cấp đại học như mấy chục năm qua. Không chỉ là bỏ đi bao cấp tài chính, mà tự chủ đại học sẽ dẹp luôn bao cấp học thuật. Giáo dục đại học lúc đó mới xứng tầm với các nước tiên tiến. Lúc đó, mới nghĩ đến sẽ có trường đại học của Việt Nam lọt vào Top 200 đại học thế giới.

Còn bao cấp thì mãi mãi đại học Việt Nam còn nhỏ dại trong vòng tay của bao cấp.

Theo Lao động, tin gốc: http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/tu-chu-dai-hoc-de-tu-chu-hoc-thuat-293195.bld