Tin liên quan

>> Bài văn món canh gà thọ Xương là của người Hà Nội

>> Được và mất trong vụ canh gà thọ xương

>> Nội dung bài văn kể chuyện tấm cám của nữ sinh Hà Nội

Đã tới lúc phải tăng cường cầm tay chỉ việc

Chỉ trong vòng một tuần lễ qua, dư luận xã hội đã xôn xao về 2 vụ việc liên quan đến vấn đề dạy và học Ngữ Văn trong nhà trường (đều xảy ra tại Hà Nội). Vụ việc thứ nhất, đó là bài văn của nữ sinh nhập vai Cám kể chuyện Tấm và vụ việc thứ hai là bài văn cảm nhận bài ca dao về cảnh vật Hồ Tây.

Thú thật là ngay sau khi nhận được thông tin ở từng vụ việc này,  tôi đã nôn nóng muốn đưa ra những nghĩ suy của cá nhân, từ góc độ một giáo viên từng dạy chuyên văn nhiều năm, hòng góp phần vào “chiến dịch” cải thiện thực trạng dạy và học văn trong nhà trường hiện nay.

 

Từ 2 bài văn Tấm Cám và Canh gà thọ xương nhìn lại ngành sư phạm, canh gà thọ xương, canh ga tho xuong, tam cam, tấm cám, nhập vai cám, bài văn tấm cám, bài văn canh gà thọ xương, tuyen sinh, thong tin tuyen sinh

 

Không thể phủ nhận ngành giáo dục những năm qua và cả hiện tại đã có rất nhiều thầy cô giáo dạy giỏi môn Văn và nhiều học sinh thành đạt từ việc Văn trong nhà trường. Mỗi mùa thi đại học, tốt nghiệp, bên cạnh những bài văn ngô nghê, vẫn có những bài văn thật sự lay động lòng người, làm giám khảo “không có chỗ” để mà trừ điểm. Những bài văn như thế cũng từng được báo chí đăng tải để mọi người cùng được đọc. Tuy nhiên, do Văn học là Nhân học (M.Gorki), môn Văn có đặc thù khác với nhiều môn khoa học khác, không chỉ dạy chữ mà còn có chức năng giáo dục tư tưởng, tình cảm, chức năng thẩm mỹ…nên việc dạy và học Ngữ Văn cũng có sự đòi hỏi khắt khe hơn. Văn học còn là món ăn tinh thần gần gũi với đời sống con người. Chính vì những lý do đó mà bất cứ những sai sót nào xung quanh việc dạy và học Văn đều được dư luận quan tâm.

Xin được trở lại với sự phát hiện của dư luận qua từng vụ việc nêu trên. Ở vụ việc em học sinh lớp 10 nhập vai Cám để kể chuyện Tấm Cám, tôi ngạc nhiên khi trong vô số các trang báo mạng đề cập đến vụ việc này, chưa thấy có ai nhận ra rằng, chính đề bài cô giáo cho học sinh làm đã phản tác dụng giáo dục. Tại sao học sinh phải nhập vai phản diện chứ không phải chính diện? Mà đã nhập vai phản diện thì em không còn con đường nào khác là phải đóng cho đúng vai phản diện đó, phải cho ra cái cô Cám đã làm hết việc độc ác này tới việc độc ác khác. Ở đây, em học sinh đã làm đúng theo yêu cầu của cô. Vậy lời phê của cô “ Nhân vật Cám của em đáng sợ quá” là chê hay khen đây? Cũng không thể quy kết rằng, cách xưng hô hành xử của nhân vật Cám qua sự nhập thân của em học sinh là thể hiện sự suy thoái đạo đức trong một bộ phận thanh niên như một vài bài báo.

Việc đổi mới dạy các tác phẩm văn học dân gian trong nhà trường hiện nay ở các trường đều chú ý tới phương pháp đọc, kể sáng tạo theo hướng mở để phát huy trí tưởng của học sinh. Nhưng tiếc thay do sự thiếu đồng đều về năng lực của người thầy giáo, đã dẫn tới sự vận dụng máy móc như trường hợp cô giáo dạy văn buộc học sinh phải hóa thân vào vai Cám nói trên. Trong thực tế đã có chuyện “cười ra nước mắt”. Một GV dạy Văn lớp 9 khi dạy truyện ngắn “cỏ non” của nhà văn Hồ Phương đã yêu cầu học sinh hóa thân thành …con Ba Bớp để kể lại những hành động chăm sóc, yêu thương súc vật của anh Nhẫn ( nhân vật người chăn nuôi bò trong truyện).

Về vụ việc học sinh cảm nhận “ canh gà Thọ Xương” là món ăn canh gà của Hà Nội. Qua bài điều tra thực tế vụ việc khá cặn kẽ “Đâu rồi tính nhân văn” đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại số 206, có thể thấy, chính bản thân cô giáo đã đưa tới sự hiểu lầm cho học sinh, khi cô nói với các em: “ có rất nhiều người hiểu như thế”. Tôi cho rằng, một giáo viên được đánh giá là có năng lực, trình độ như cô Hà Thị Thu Thủy, thì việc tận dụng thời cơ để chốt lại kiến thức ở chỗ này không khó. Chẳng hạn, có thể nói với học sinh rằng: “Hiểu như vậy là sai, là thô thiển! Tiếng chuông đền Trấn Vũ cùng với tiếng gà gáy sang canh từ làng Thọ Xương vọng đến đã đánh thức không gian huyền ảo của Hồ Tây. Hồ Tây không chỉ đẹp nên thơ mà còn rất sống động”...

Có lẽ do chủ quan, sơ xuất, cô đã không tìm hiểu hết ý tứ của bài ca dao nên đã để xảy ra nông nỗi. Trường hợp của cô Thủy không phải là hi hữu. Không ít GV trong quá trình giảng giải trên lớp, do thiếu kiến thức hay thiếu nghiên cứu kỹ bài dạy đã đưa đến những cách hiểu sai tai hại cho học sinh. Chẳng hạn, có giáo viên giảng giải câu thơ “Đôi con diều sáo liệng nhào từng không”  trong bài “Khi con tu hú”của nhà thơ Tố Hữu thành “con diều và con sáo cùng liệng trên bầu trời cao”, hay lầm lẫn “lòng trí bâng khuâng chợt nhớ làng” trong bài Mùa Xuân chín của Hàn Mặc Tử thành “lòng của cậu bé Trí ( tên thật của Hàn Mặc Tử) nhớ về làng quê của mình” (?).

Trong phạm vi bài viết, xin được phép chưa bàn đến cả hai lời phê của 2 GV kể trên vào bài làm của học sinh đều bất ổn, thuộc dạng “có vấn đề”. Nhân sự kiện, chỉ xin gửi tới các trường đào tạo người thầy tương lai một thông điệp: đã đến lúc cần nêu cao hơn trách nhiệm với nghề của người thầy giáo dạy Văn và để nâng cao hiệu quả dạy học Văn trong nhà trường thì cần phải tăng cường cầm tay chỉ việc cho họ!

 

>> Truyện Tấm Cám bị sách giáo khoa thay đổi đoạn kết

Những tin tức đang được quan tâm:

Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi

Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi

Kênh Tuyển Sinh (Giaoduc&Thoidai)