Dạy học tích hợp - liên môn là phương pháp dạy học nhằm giảm tải cho cả giáo viên và học sinh (HS), đó là dạy những nội dung kiến thức liên quan đến 2 hay nhiều môn học. Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM vừa tổ chức dạy học theo phương pháp này ở nhiều môn học trong tuần lễ dạy học “đổi mới, sáng tạo” để các giáo viên và HS cùng tham khảo, trải nghiệm trong các ngày từ 8 đến 12-11.

Sử - địa: Sinh động, hấp dẫn hơn

Với chủ đề “Nhật Bản - sự trỗi dậy thần kỳ”, thầy Nguyễn Viết Đăng Du (môn lịch sử) và thầy Nguyễn Tấn Ngũ Lê (môn địa lý) đã phối hợp để có tiết học liên môn vô cùng lý thú, bổ ích. Thật khó tưởng tượng chương trình địa lý lớp 11 và lịch sử lớp 12 lại có sự liên quan đến nhau để HS lớp 11 và 12 có thể học cùng với nhau trong tiết học. Theo các giáo viên tham gia biên soạn nội dung, trong chương trình địa lý lớp 11 và lịch sử lớp 12 đều có nội dung liên quan đến Nhật Bản. Tuy cùng dạy về một chủ đề giống nhau nhưng mỗi môn học lại đề cập một vài khía cạnh có thể bổ sung cho nhau để giúp HS hiểu rõ hơn. Chính vì thế chủ đề tích hợp liên môn “Nhật Bản - sự trỗi dậy thần kỳ” ra đời.

Để vẫn chuyển tải được những nội dung chính của bài học mà HS không ngao ngán với cách dạy truyền thống. Chủ đề tích hợp - liên môn “Nhật Bản - sự trỗi dậy thần kỳ” được thiết kế thành một cuộc thi. HS được chia thành hai đội thi trong suốt tiết học với các phần thi thuyết trình, đối kháng, trình diễn thời trang, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu văn hóa nước Nhật… Sau các phần thi, HS sẽ thuyết trình về những kiến thức đã tìm hiểu sao cho thể hiện được nội dung của chủ đề sau khi tích hợp là: địa lý tự nhiên, dân cư Nhật Bản. Sự trỗi dậy thần kỳ, các giai đoạn phát triển kinh tế sau thế chiến II, nguyên nhân phát triển, sự phát triển của khoa học kỹ thuật.

Truyền cảm hứng bằng dạy học liên mônHọc sinh mặc trang phục truyền thống của Nhật Bản và tham gia tái hiện bài học trong tiết học liên môn địa lý - lịch sử

Theo thầy Nguyễn Tấn Ngũ Lê, sở dĩ giáo viên chọn chủ đề này để tích hợp - liên môn là vì Nhật Bản là một cường quốc về kinh tế và cũng là một nước ở Đông Á gần gũi với Việt Nam. Dù trải qua thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhưng Nhật vẫn vươn lên phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là lời gửi gắm của giáo viên đến HS, đến thế hệ trẻ, muốn các em có tinh thần và “lửa” như đất nước, con người Nhật Bản, để học hỏi và phấn đấu trong học tập, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. “Chủ đề của bài học nhằm cung cấp cho học trò cái nhìn toàn diện về Nhật Bản. Cách thức tổ chức giờ học theo mô hình sân khấu hóa rèn rất nhiều kỹ năng cho HS, đòi hỏi các em phải có sự chủ động tích cực trong học tập, hứng thú, tự giác... khi không bị áp đặt” - thầy Ngũ Lê chia sẻ.

Gắn thực tế vào bài giảng tích hợp

Ở một tiết học tích hợp - liên môn khác, HS lớp 12 AD2, Trường THPT Lê Quý Đôn được tham gia tiết học liên môn địa lý - giáo dục công dân với chủ đề khá thời sự: sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, luật bảo vệ môi trường. Theo cô Nguyễn Thị Hồng Châu, (giáo viên môn giáo dục công dân), lý do của chủ đề tích hợp này là trong chương trình địa lý và giáo dục công dân lớp 12 đều có nội dung liên quan đến vấn đề tài nguyên thiên nhiên, tuy chủ đề giống nhưng mỗi môn lại đề cập đến khía cạnh khác nhau, có thể bổ sung cho nhau, giúp HS hiểu rõ về vấn đề tài nguyên, cách sử dụng, biện pháp bảo vệ, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững.

Tiết học thực sự gây ấn tượng khi HS đóng vai là nạn nhân của nạn ô nhiễm môi trường, một người mẹ hóa điên vì mất con, một chủ doanh nghiệp lạnh lùng đưa lợi nhuận kinh doanh lên hàng đầu mà bất chấp việc xả thải ra môi trường. Những phóng viên, biên tập viên năng động thâm nhập vào từng khu bị ô nhiễm để ghi nhận đời sống người dân để phản ánh. Kết thúc tiết học là hình ảnh người đại diện chính quyền tuyên bố doanh nghiệp phải có trách nhiệm với môi trường, những biện pháp bảo vệ môi trường để không còn hình ảnh đau thương, những quy định của luật pháp về môi trường và trách nhiệm của công dân trong xã hội…

Khích lệ tinh thần tự học

Theo các giáo viên tham gia dạy tích hợp - liên môn, với cách học này, HS được khích lệ tinh thần tự học, làm việc nhóm, tự sáng tạo, tinh thần tương tác giữa thầy và trò, và quan trọng nhất là thay đổi cách dạy học truyền thống, giúp HS hứng thú với từng giờ học. Về lâu dài, phương pháp này tạo một cái nhìn khác với những môn học vốn bị xem là môn phụ, ít được HS quan tâm.

Theo NLĐ, nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/truyen-cam-hung-bang-day-hoc-lien-mon-20161111223254101.htm