Khác với sự bài bản của mô hình song ngữ Việt - Pháp, mô hình giảng dạy song ngữ Việt - Anh phát triển ngẫu nhiên. Thoạt tiên một số trường tiểu học ngoài công lập xem việc nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ như một cách khu biệt trường mình với trường công nhằm thu hút sự quan tâm của phụ huynh học sinh.

Nhiều năm gần đây, mô hình giảng dạy tiếng Anh tăng cường hoặc song ngữ Việt - Anh là những thế mạnh giúp nhiều trường ngoài công lập tuyển sinh "đắt hàng" dù học phí rất cao. Trường Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Việt Úc, Lê Quý Đôn... ở Hà Nội là ví dụ.


Trường 'xịn' nặng ngoại ngữ, nhẹ chuyên môn - Ảnh 1

Tại hội thảo bàn về tổ chức giảng dạy song ngữ Việt - Anh do Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội tổ chức, đại diện nhiều trường đã chia sẻ những truân chuyên của mình khi triển khai mô hình.

Do trong nước chưa có chương trình chính thức cho các mô hình này nên mỗi trường tự xoay xở. Trường Đoàn Thị Điểm trung thành với giáo trình Let’s Go đã 16 năm nay, từ khi còn là trường đầu tiên trong cả nước đưa tiếng Anh vào dạy cho học sinh tiểu học.

Gần đây trường sử dụng thêm chương trình tiểu học quốc tế Cambridge. Một số trường như Nguyễn Siêu, Nguyễn Bỉnh Khiêm… tổ chức cho giáo viên tự biên soạn chương trình dùng riêng cho trường mình sau khi tham khảo tài liệu của Anh, Mỹ, New Zealand, Singapore… Tuy nhiên, các trường mang danh quốc tế không thể áp dụng cách này mà chỉ có thể mua chương trình của nước ngoài.


Trường 'xịn' nặng ngoại ngữ, nhẹ chuyên môn - Ảnh 2

Ngoài ra, giáo viên là một khó khăn. Thông thường, mỗi trường thực hiện mô hình tăng cường tiếng Anh hoặc song ngữ đều cố gắng đảm bảo tỉ lệ nhất định giáo viên người nước ngoài trong các tiết học tiếng Anh. Những trường được coi là tốt thì dạy bằng tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài. Nhưng theo các đại biểu, giáo viên nước ngoài vừa khó tìm, vừa không ổn định (do hạn visa của họ thường chỉ 1 năm), khó kiểm soát chất lượng.

Bà Nguyễn Kim Hiền, chuyên viên phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội nêu thực tế: "Tôi từng dự giờ toán của giáo viên nước ngoài tại một trường. Giáo viên đó hầu như không giúp gì cho học sinh chúng ta về khả năng làm toán.

Giáo viên chỉ đưa ra đề bài rồi nói với học sinh đáp án câu một là thế này, câu hai là thế kia… Kết thúc giờ học, hỏi một số học sinh có biết tại sao bài toán lại có kết quả thế này thế kia không, các em lắc đầu". Cô Phương Mai, giáo viên trợ giảng của một số trường THPT công lập thí điểm dạy tăng cường tiếng Anh cũng nhận xét: Hầu hết giáo viên dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh (người nước ngoài) chỉ giỏi tiếng Anh chứ không giỏi môn mà mình dạy.

Theo nhiều đại biểu, để phát triển dạy học song ngữ, Bộ GD&ĐT nên tăng cường đào tạo tiếng Anh cho giáo viên người Việt dạy các môn khoa học.

Đăng ký nhận thêm thông tin tại ô bên dưới.