Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

phu_huynh_di_hoc_cung_con

Tại Trường Tiểu học Lương Thế Trân, điểm Bào Kè, rất nhiều phụ huynh ngồi ngoài hành lang chờ con tan học.


Đi học cùng con” - cụm từ nghe lạ nhưng thật ra rất quen thuộc với nhiều phụ huynh vùng nông thôn trong tỉnh, nhất là các phụ huynh có con học tiểu học, đặc biệt ở các trường tiểu học điểm lẻ. Đó là việc phụ huynh đưa con em đến lớp rồi ở đấy đợi các em học xong lại rước về.

 

Tôi có cô bạn học chung thời phổ thông, nhiều lần rủ bạn ấy ra Cà Mau dự họp lớp hay dự đám cưới bạn bè, bạn tôi đều tỏ ra nuối tiếc vì không đi được. Lý do, cô ấy phải “đi học cùng con”.

“Đi học cùng con” - cụm từ nghe lạ nhưng thật ra rất quen thuộc với nhiều phụ huynh vùng nông thôn trong tỉnh, nhất là các phụ huynh có con học tiểu học, đặc biệt ở các trường tiểu học điểm lẻ. Đó là việc phụ huynh đưa con em đến lớp rồi ở đấy đợi các em học xong lại rước về. Đi học cùng con do đường sá xa, lại sình lầy, đưa con đến lớp, quay về loay hoay lại đi rước con - đi bộ thì vất vả, đi xuồng máy thì tốn nhiều xăng, nên ở đợi. Tuy nhiên, phải ở lại chờ con suốt buổi học còn một lý do hết sức chính đáng khác.

Không “đi học cùng con”, không yên tâm

Đến Trường Tiểu học Lương Thế Trân, điểm Bào Kè (thuộc ấp Bào Kè, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước) vào một buổi sáng, đập vào mắt tôi là hình ảnh nhiều phụ huynh ngồi túm tụm chờ con tan học. Chị Trương Thị Diệu cho biết: “Con tôi học mẫu giáo, ngày nào tôi cũng phải đưa cháu đến trường rồi ngồi đợi đến tan học rước về. Coi như con học mất bao nhiêu giờ là mẹ cũng mất bao nhiêu thời gian”.

Như sợ tôi không hiểu, bà Trương Thị Tiệp, có cháu đang học lớp 2, giải thích: “Nhà tôi ở ngang sông, nhưng cũng phải ngồi đợi cháu. Có ai muốn tới đây chầu chực vậy đâu nhưng bỏ con, bỏ cháu một mình, về nhà làm công chuyện cũng không yên tâm. Sông thì sâu, trên đường thì xe cộ, mấy đứa nhỏ đâu ý thức được, sợ rủi ro…”.

Điểm trường Bào Kè nằm cách Quốc lộ 1A (đoạn Cà Mau - Cái Nước) khoảng 4 km. Khá hơn rất nhiều trường học điểm lẻ khác là có được con lộ bê-tông nối liền từ quốc lộ vào. Tuy nhiên, phụ huynh nơi đây ngoài lo con té sông thì còn nỗi lo xe cộ. Bởi con lộ chỉ nằm cách sân trường độ 3 m, bên ngoài con lộ là sông. Trường học có 6 lớp, từ lớp lá đến lớp 5, chia làm 2 ca.

Các phụ huynh cho biết trừ học sinh lớp 3 trở lên (có em phụ huynh vẫn đưa và đợi nhưng có em không), còn lại từ lớp 2 đến mẫu giáo hầu như chẳng phụ huynh nào dám bỏ con em một mình ở trường. Vì các em còn rất nhỏ, rất hiếu động lại chưa có ý thức, thầy cô giáo không thể nào quản lý xuể, nếu các em chạy chơi vô ý lên con lộ hay xuống mé sông thì hậu quả khôn lường. Dường như trường lập bao lâu thì tình trạng phụ huynh phải đi học cùng con cũng ngần ấy thời gian.

Nếu gia đình nào có con em học khác lớp, khác buổi thì coi như cả ngày phải “neo” ở trường với các em. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh nhà ở gần nhau, có con học cùng lớp hoặc cùng buổi, họ “chia ca” đưa rước, trông coi luân phiên nhau cho đỡ bớt thời gian, công sức. Có những phụ huynh vì hoàn cảnh đơn chiếc, khi đưa con đi học phải mang cả con nhỏ theo và ngồi đợi đến hết buổi rước con về.

Không phải chỉ điểm trường Bào Kè, rất nhiều trường học điểm lẻ trong tỉnh cũng cùng tình cảnh trên. Chị Trần Thị Tươi, ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, cũng than vãn: “Con tôi học ở điểm trường lẻ, điểm chính thì có rào nhưng điểm lẻ thì không. Hàng ngày cũng phải đưa rước và đợi con về. Nơi đây sông suối rất nhiều, đâu dám bỏ con một mình ở lớp”.

Không phải vấn đề nan giải

Việc phải đến lớp suốt buổi cùng con nghe đơn giản nhưng ảnh hưởng rất lớn đến các gia đình, nhất là về mặt kinh tế. Gia đình mỗi ngày phải san sẻ bớt đi một lao động, nhiều ngày nhiều tháng, thiệt hại kinh tế là không nhỏ. Đối với những gia đình hoàn cảnh neo đơn, kinh tế khó khăn thì lại càng nan giải hơn. Do vậy, có gia đình vì thế mà phải để con thất học.


Ngoài ra, việc đến lớp đợi con còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Đó là việc các phụ huynh phải ngồi chầu chực ngoài hành lang lớp học, trông vừa không đẹp mắt, lại không tránh khỏi sự ồn ào, ảnh hưởng đến giờ học bên trong. Có nơi, thậm chí phụ huynh còn tràn vào chỉ bài cho con em mình khi các em làm kiểm tra, giáo viên đôi khi vì vị nể không dám lên tiếng, như vậy rất ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Thực trạng là thế, tuy nhiên không phải không có cách giải quyết. Chỉ cần mỗi điểm trường có hàng rào là mọi việc đâu sẽ vào đấy. Trong khi kinh phí Nhà nước còn hạn hẹp thì việc làm hàng rào nên kêu gọi xã hội hóa. Nếu nơi nào không đủ khả năng làm hàng rào kiên cố thì có thể làm hàng rào bằng cây gỗ địa phương. Ý kiến này đã được rất nhiều phụ huynh đồng tình.

“Nếu được phát động, chúng tôi sẵn sàng mỗi người đóng góp một vài cây gỗ để làm hàng rào. Mình làm cũng để cho con mình học. Làm được hàng rào sẽ đỡ biết bao công lao đưa rước”, bà Trương Thị Tiệp, điểm trường Bào Kè chắc chắn như thế.

Tuy nhiên, để làm được điều này, vai trò hội phụ huynh cũng như các thầy, cô giáo dạy ở những điểm trường ấy trong việc khơi dậy phong trào, tổ chức thực hiện là rất lớn. Và để việc làm hàng rào được thực hiện đồng loạt ở tất cả các trường học điểm lẻ trong toàn tỉnh, thiết nghĩ, sở GD-ĐT cần có văn bản chỉ đạo chung.

Bởi việc các trường học điểm lẻ có được hàng rào, ngoài bảo vệ tính mạng cho học sinh, giảm bớt nhọc nhằn cho phụ huynh, tránh tác động bên ngoài đối với giờ học còn giúp các trường hạn chế được việc mất mát tài sản, tạo vẻ mỹ quan trường lớp.

Bên cạnh đó còn tránh được tình trạng heo, gà, vịt, thậm chí cả trâu, bò vào khu vực trường phá phách, thải chất bẩn gây mất vệ sinh, đã xảy ra ở một số điểm trường như hiện nay.

 

Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (Theo: báo Cà Mau)