2 phương án điểm sàn để tránh hạ điểm

Sau một mùa tuyển sinh không đạt hiệu quả về chỉ tiêu như năm 2012, khối trường ngoài công lập đã kiến nghị khá nhiều để bộ GDĐT đưa hướng giải quyết cho vấn đề này, trong đó nổi cộm là vấn đề điểm sàn đại học.

Năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã đưa ra phương án dự kiến 2 điểm sàn cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2013. Ông Bùi Văn Ga cho biết, hiện vẫn duy trì điểm sàn dựa trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng và tổng chỉ tiêu xác định như hiện nay. Tuy nhiên, sau khi áp dụng mức điểm sàn này mà vẫn còn thiếu chỉ tiêu do tính toán về cơ cấu chuyển dịch không chính xác thì thực hiện việc mở rộng nguồn tuyển đến ngưỡng giới hạn mà chất lượng đầu vào có thể chấp nhận được kèm theo xét kết quả thi tốt nghiệp của thí sinh. Theo đó, điểm sàn thứ 2 là tổng điểm bình quân từng môn của 3 môn thi thuộc khối thi tương ứng. Đây được coi là ngưỡng giới hạn đảm bảo chất lượng đầu vào.

 

Hạ điểm sàn đại học đồng nghĩa với hạ chuẩn đầu ra | Điểm chuẩn ĐH

 

Kết quả thi khối A năm 2012, điểm sàn khối này là 13 điểm

Điểm sàn các năm qua đa số đều cao hơn tổng điểm trung bình của các khối thi, nhất là tại các trường dân lập thường đạt khoảng 12 đến 13 điểm, hiển nhiên là đã thấp hơn điểm sàn quy định của bộ. Bộ cũng đặt ra cách xét tuyển khác nhau. Đối với thí sinh đạt kết quả thi trên điểm sàn thì nhà trường xét trúng tuyển như cũ, thí sinh có kết quả thi nằm giữa điểm sàn đầu tiên và điểm sàn thứ 2 thì các trường xét thêm điểm tốt nghiệp phổ thông để quyết định điều kiện trúng tuyển cho thí sinh.

Mặc dù phương án 2 điểm sàn đặt ra có vẻ khá chu đáo nhưng theo GS Hoàng Xuân Sính: “Bộ ngại đối phó với các trường ngoài công lập. Bộ sợ điểm sàn hạ xuống”. Còn đại diện trường ĐH Hà Hoa Tiên thì nhấn mạnh: “Bộ GD-ĐT cần làm theo đúng Luật. Nếu Bộ đưa ra 2 mức điểm sàn như vậy là đẩy các trường ngoài công lập xuống công dân hạng 2. Đề nghị Bộ chỉ nên có 1 điểm sàn”.

Siết chỉ tiêu trường công lập

Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường ĐH FPT lo ngại bức tranh tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 lại tiếp tục tối màu vì tổng chỉ tiêu tuyển sinh các trường  năm 2013  là 642.657, trong đó, chỉ tiêu các trường công lập là 512.502. Năm 2012 con số này của các trường là  465.000 thì nhiều trường công đã phải “vơ bèo”, năm nay trường công tuyển đủ chỉ tiêu thôi cũng đã là kỳ tích chứ đừng nói đến trường ngoài công lập.

Trước tình hình đó, ông Lê Trường Tùng cho rằng, quan điểm của Bộ là chú trọng chất lượng thay vì hạ điểm sàn cần khống chế chỉ tiêu của các trường công, thực hiện giảm chỉ tiêu của các trường công để nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời với đó, các trường ngoài công lập cũng có cơ hội tuyển đủ chỉ tiêu để đảm bảo điều kiện hoạt động và đầu tư giáo dục.

Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Bắc Hà, ông Đỗ Văn Chừng, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT cho rằng, việc xác định điểm sàn là cần thiết khi vẫn áp dụng “3 chung” trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy nhiên, để giải bài toán nguồn tuyển thì “cơ bản Bộ phải giải quyết được khâu đề thi, có thể vẫn thi ba chung nhưng đề thi năm nay không được quá khó. Đánh đố trong đề thi chính là tạo điều kiện cho tình trạng dạy thêm, học thêm, đồng thời tạo sự chênh lệch lớn giữa thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, khó đi đến một kỳ thi quốc gia chung”.

Vào thời điểm này, kế hoạch đưa ra phương án tuyển sinh riêng như Bộ GD-ĐT khuyến khích đối với các trường ngoài công lập là không khả thi. GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Thăng Long nhận xét: “Bộ rất cương quyết để 3 chung và điểm sàn mặc dù các trường có đưa ra nhiều phương án tuyển sinh riêng. Tôi nghĩ các trường làm đề án tuyển sinh mới này chỉ có trong tương lai chứ giờ không thể được chấp nhận”. Vấn đề sống còn của các trường ngoài công lập hiện chỉ trông chờ vào những cải cách của Bộ GD-ĐT trong việc xác định điểm sàn cũng như cách ra đề thi phù hợp.

 

Bạn muốn biết thêm về:

Điểm sàn đại học thật sự đã quá thấp

Tuyển sinh 2013: phương án 2 điểm sàn đại học vấp phải sự phản đối

 

Tin bài gốc: ANTĐ

Kenhtuyensinh

Theo: ANTĐ