Đề thi Văn 2015 đã đổi mới tến gần đến mục đích kiểm tra năng lực

Đó là nhận xét của PGS.TS. Đoàn Lê Giang Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM)

Đề có 2 phần: phần 1 Đọc hiểu (3 điểm), phần 2 Làm văn (7 điểm). Xem đáp án văn 2015 tại đây

Phần 1 có 2 trích đoạn hỏi tổng cộng 8 câu. Trích đoạn 1 là một đoạn thơ của Trần Đăng Khoa về những người lính giữ đảo.Trích đoạn 2 là trích đoạn từ sách giáo khoa về chứng vô cảm.

Cả hai trích đoạn ấy đều khá hay và mới với thí sinh. Tám câu hỏi đều sát vấn đề và vừa sức với thí sinh.

Tuy nhiên, theo ông Giang đề thi cần xem xét: Chuyển 8 câu hỏi thành câu hỏi trắc nghiệm thì có tốt hơn không; 8 câu trả lời từ 2 trích đoạn khá dài mà chỉ lấy được 3 điểm thì đã hợp lý chưa?

Phần 2 có 2 câu yêu cầu làm bài nghị luận: Một là nghị luận xã hội về rèn luyện kỹ năng sống. Hai là bài phân tích một trích đoạn trong tác phẩm đã học trong nhà trường là Chiếc thuyền ngoài xa.

Câu nghị luận xã hội khá hay, mới mẻ, phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Câu nghị luận văn học trong đề chép cả đoạn văn rất dài, dù bài này đã được học. Điều đó cho thấy nhóm ra đề muốn thí sinh phân tích trực tiếp từ văn bản chứ không phải học thuộc văn mẫu.

Đánh giá chung, đề thi năm nay vẫn tiếp tục con đường đổi mới cách thức đánh giá môn Ngữ văn chống văn mẫu, chống học vẹt mà đi vào kiểm tra năng lực của học sinh. Đề thi phù hợp với trình độ của học sinh.

Với đề thi này học sinh có học lực trung bình cũng có thể làm được trên dưới 5 điểm. Tuy nhiên cũng còn có một số vấn đề cần tiếp tục suy nghĩ:

Thứ nhất, đề thi thế này khó cho học sinh giỏi thể hiện năng lực của mình. Học sinh khá giỏi nếu sơ ý cũng có thể bị mất điểm.

Thứ hai, tám câu đầu hỏi ở Phần 1 khá mơ hồ về phương án trả lời, rất dễ tạo sự co giãn trong việc cho điểm – ngoài chuyện được cho quá ít điểm như đã nói ở trên.

Thứ ba, ban ra đề vẫn chưa đi đến phương án hợp lý hơn: thi trắc nghiệm và chỉ để dành một phần tỷ lệ nhỏ cho điểm làm văn. Điều này nhiều người đã khuyến cáo từ lâu, bản thân chúng tôi cũng đã góp ý từ hơn 10 năm trước. Đề thi hiện nay vẫn để ra quá nhiều khoảng không co giãn cho người chấm. Trong khi đó, người chấm thì phân tán ở nhiều cơ sở, năng lực và cách chấm điểm không thống nhất, nên rất dễ dẫn đến kết quả điểm số không đồng đều.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia: Đề thi Văn ôm đồm

Nhận xét ban đầu về đề thi Ngữ văn THPT quốc gia, PGS.TS Trần Hữu Tá cho rằng, cấu trúc đề thi vẫn quen thuộc, hơi ôm đồm vì nhiều câu hỏi.

Đây là những nhận xét ban đầu của tôi (tất nhiên trong vội vàng). Có mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, cấu trúc đề thi vẫn quen thuộc khi có hai phần (phần đọc hiểu và phần làm văn) nên thí sinh không bỡ ngỡ.

Phần "Đọc hiểu" rất tốt vì gợi ý cụ thể, tạo điều kiện cho thí sinh trả lời trọng tâm, sát với yêu cầu. Ở phần "Làm văn", câu hỏi về rèn luyện kĩ năng sống cũng thời sự, yêu cầu về tư tưởng rất đạt.

Câu hỏi phần "Làm văn" (4 điểm) yêu cầu cảm nhận về nhân vật người đàn bà làng chài trích trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu - vốn là một tác phẩm hay. Đoạn trích cũng khá tinh, dẫn dắt thí sinh suy nghĩ nghiêm túc về hai vấn đề thân phận người phụ nữ và quyền sống của con người lao động, thế mạnh đặc biệt của nhà văn Nguyễn Minh Châu (nhà văn Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn có nhìn nhận đặc biệt về cuộc sống và con người).

Nhưng tôi cảm thấy đề văn có lẽ ôm đồm. Phần "Đọc hiểu" với 8 câu hỏi liệu có cần thiết? Theo tôi, để thí sinh làm bài kĩ lưỡng và trau chuốt câu văn, có những ý tưởng mới mẻ chỉ cần một nửa là đủ.

Ở phần "Làm văn" cũng vậy. Câu hỏi 4 điểm yêu cầu "cảm nhận về nhân vật người đàn bà" vốn đã hay nên thêm yêu cầu "nhận xét về rèn luyện kĩ năng sống" sẽ làm học sinh rất căng. Nếu nội dung đề bài giảm đi một chút sẽ tốt hơn.

Với đề văn này, lượng thí sinh đạt điểm trung bình rất nhiều, nhưng để có bài hay, bài xuất sắc hơi khó vì các em không có thời gian để trau chuốt.

Về mục tiêu xét tốt nghiệp và sử dụng cho xét tuyển đại học, đề thi này hoàn toàn đạt yêu cầu vì kiểm tra cùng một lúc nhiều thứ.

Đề thi đã quan tâm bao quát cả hai phương diện văn chương và xã hội.

Cụ thể, với yêu cầu hiểu biết về văn học: Đây là những thứ cơ bản của môn văn như thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ, phương thức biểu đạt…

Thứ hai, đề thi cũng kiểm tra các em về việc cảm thụ thông qua đoạn trích trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.

Hơn nữa,đề thi kiểm tra thí sinh về phương diện hiểu biết thời sự, xã hội (câu số 4 trong phần Đọc hiểu đoạn thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa, câu số 8 (phần Đọc hiểu), việc rèn luyện kĩ năng sống là vấn đề đang rất quan tâm gây không ít lúng túng, đau đầu).

Nhưng tôi vẫn băn khoăn 1 điều vì đề thi tương đối dài nên sợ các em không có thời gian để trau chuốt kĩ.

Nếu được, có thể bớt 4 câu ở phần Đọc hiểu. Giữa 4 câu đầu và 4 câu sau nên chọn một phần là giữ lại đoạn thơ của Trần Đăng Khoa.

Điều thú vị là trích đoạn thơ này không có trong chương trình học. Thông thường, xưa nay hễ cái gì ngoài chương trình học sinh đều không nắm. Ngay việc ra đề quanh chuyện bài học thêm  đã kêu ầm lên.Vì vậy phải làm cho học sinh hiểu rõ rằng các em đã hiểu biết về văn chương phải biết sử dụng những kiến thức hiểu biết đó để phân tích đánh giá.  Mặt khác, nếu 4 câu này với mức điểm 3 điểm cũng hoàn toàn phù hợp vì 3 câu đầu ở mức 1,5 điểm, câu số 4 ở mức 1,5 điểm vì bộc lộ bản lĩnh học sinh.

Ở phần làm văn, câu hỏi rèn luyện kĩ năng sống (3 điểm) cũng đành, nhưng nếu được nên để 2 điểm và dành 5 điểm cho câu sau. Đây là câu hỏi quan trọng nhất để phân hoá học sinh, các trường đại học căn vào đó để chọn thí sinh.

Tựu chung lại, sự đổi mới về ra đề rất đáng hoan nghênh, trân trọng nhưng cần rút thêm kinh nghiệm.

Cái mới của việc ra đề đã dựa trên cơ sở cấu trúc cũ nhưng từng phần cụ thể, sát sao, giúp học sinh làm bài dễ dàng đồng thời kiểm tra được năng lực của các em về văn chương cũng như cuộc sống.

Thứ hai, những người ra đề đã quan tâm đầy đủ kiến thức văn học và kiến thức đời sống (những chuyện rất thời sự, nóng như biển đảo, rèn luyện kĩ năng sống, quyền sống con người) nhưng có lẽ hơi ôm đồm.