Cứ đến mùa tuyển sinh, vấn đề chỉ tiêu phân bổ cho các trường cộng với chất lượng đào tạo lại “nóng” như trong lò luyện thi của các thí sinh. Bởi trong muôn vàn trường ĐH ngoài công lập mọc ra như nấm, rất ít trường đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chất lượng đào tạo, ấy thế mà vẫn được cấp phép thành lập. Để rồi vài năm sau, trường ĐH ngoài công lập vẫn sống èo uột nhờ sự “rơi vãi” thí sinh từ các trường công lập đến nỗi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phải kiến nghị lên Chính phủ giải thể các trường kém chất lượng.

Trường ngoài công lập kém chất lượng, do đâu ?

Để xảy ra chuyện này, chẳng thấy quy kết trách nhiệm cho ai mà chỉ thấy xã hội “còng lưng”  đi giải quyết hậu quả và đau đầu tìm giải pháp, cũng giống như “cây gậy” làm mất điện miền Nam và vô vàn các chuyện bung bét khác từ trước tới nay, chẳng muốn tìm… thủ phạm.

Trong báo cáo giám sát về giáo dục đại học do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiến hành có nêu: Việc phân bố các trường mới thành lập theo địa lý còn chưa hợp lý do vẫn tập trung chủ yếu ở các vùng thuận lợi như đồng bằng sông Hồng (13 trường), Đông Nam Bộ (6 trường)… Điều này được “đổ lỗi” là do chưa  kiên quyết trong điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường, nên tốc độ thành lập trường trong hai năm 2010-2011 vẫn cao, còn cụ thể “ai chưa kiên quyết” thì không thấy đề cập đến.

Hơn nữa, tình trạng nhiều cơ sở giáo dục đại học khi lập dự án thành lập trường đưa ra rất nhiều cam kết, Nhưng sau khi đi vào hoạt động, việc thực hiện các cam kết này rất hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục tại các trường này.

Theo quy định kể từ năm 2010, sau 3 năm các trường chưa có cơ sở riêng sẽ phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh, đình chỉ hoặc giải thể. Nhưng sau nhiều đợt thanh tra, Bộ GD&ĐT vẫn chưa đưa ra danh sách các trường thuộc diện phải giải thể. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cũng chưa đưa ra những quy định cụ thể về công tác hậu kiểm.

Ngoài ra, báo cáo trên cũng chỉ ra rằng: Phần lớn trường đại học, đặc biệt là trường ngoài công lập vẫn tập trung tuyển sinh chủ yếu các ngành dễ dạy, thu hút đông học sinh, đồng thời ít tốn kém trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành... như quản trị kinh doanh, ngân hàng, tài chính, ngoại ngữ...

Vì thế, không ít trường cố gắn kết các ngành nghề tự nhiên và xã hội lại với nhau chỉ để đào tạo những ngành “hót” với xã hội vào thời điểm thành lập. Trong đó phải kể đến trường KD-CN hay trường ĐH ĐN, giấy xin phép thành lập là trường đào tạo về kiến trúc - công nghệ - kỹ thuật. Nhưng khi chủ đầu tư là một ngân hàng lớn xét thấy các ngành nghề đào tạo trên không còn “ăn tiền” và theo xu hướng xã hội, nên đã chuyển hướng tuyển sinh về ngành ngân hàng chứ không liên quan đến kỹ thuật nữa.

>>Kiến nghị giải thể những trường Đại học kém chất lượng

Hậu quả ai gánh chịu ?

Chuyện các trường đại học ngoài công lập thành lập nhanh chóng mặt cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy và tư cách của giảng viên. Một số trường có số lượng giáo viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn thấp, dưới 50 người như Trường ĐH Thành Đông, Trường ĐH Công nghệ Đông Á, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghiệp Quảng Ngãi… Vì thế, việc thuê giáo viên ngoài không thể tránh khỏi. Điều này đồng nghĩ với chuyện giảng viên có tiếng và có kinh nghiệm sẽ chạy sô giữa các trường. Thực tế, chuyện này không xấu, nhưng sẽ tạo tâm lý dễ dãi cho cả bên thuê lẫn bên dạy. Bởi các trường sẽ ít đòi hỏi giảng viên nộp giáo trình giảng dạy trước. Còn giảng viên, nhất là giảng viên trẻ, vì thu nhập đã nhận dạy cả những môn không nghiên cứu và không quen dạy.

Tình trạng này xảy ra rất nhiều ở các trường đào tạo kinh tế, mỹ thuật khiến sinh viên các ngành nghề này ra trường, nhưng khó xin được việc ngay do kiến thức căn bản được dạy hời hợt. Cho nên, họ khó hòa nhập ngay với môi trường thực tế.

Đó chính là hậu quả của việc cấp phép tràn lan của bộ chủ quản, cấp xong coi như hoàn thành nghĩa vụ, thậm chí cũng chẳng có ý định hậu kiểm xem mình “đẻ” ra rồi thì các trường ngoài công lập sống ra sao, xoay xở thế nào. Điều này dẫn đến tình trạng, “phổ cập ĐH” để rồi lãnh hậu quả nguồn nhân lực được đào tạo không chất lượng, ra trường rồi mà thạc sĩ cũng không xin được việc, còn nghiên cứu sinh thì bỏ học tiến sĩ về đi bán nước mắm... trong khi đất nước vẫn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Việc thành lập một trường ĐH xong thấy họ kém chất lượng rồi lại kiến nghị giải thể đâu có dễ như mua một mớ rau, thấy héo thì vứt vào sọt rác. Sao không thấy ai đi tìm những cơ quan ban ngành đã cấp phép cho các trường này, để hỏi họ xem tại sao thấy kém mà vẫn đồng ý cho thành lập hay đội ngũ này đã “hạ cánh an toàn”, số còn lại “ẩn mình” nhẹ nhàng để không bị lộ hoặc cố tránh liên lụy.

Trong khi giáo dục đóng vai trò quan trọng trong công tác đào tạo con người và nguồn nhân lực phát triển đất nước, thì giờ đây đang phải lãnh hậu quả của cải cách suốt gần 40 năm qua. Động đến chỗ nào cũng dột nát, bung bét. Liệu chiếc áo rách quá có nên đổ tiền “vá lại” hay may áo mới đây, thưa bộ chủ quản?

 

Kênh tuyển sinh: Theo songmoi.vn ( Xem bài gốc)