Trường Đại học chuẩn bị hội nhậpSinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ học tiếng Anh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch.

Còn giáo dục ĐH ở VN đã chuẩn bị gì, nhất là khi tiếng Anh vẫn còn là một bất lợi đối với phần lớn sinh viên?

Mở rộng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh

Tính đến thời điểm này, số lượng trường ĐH có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh ở VN còn rất hạn chế. ĐH Quốc gia TP.HCM hiện chỉ có Trường ĐH Quốc tế thực hiện việc giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Sinh viên (SV) của trường ngay từ đầu phải có trình độ tiếng Anh tối thiểu IELTS 6.0 để bắt đầu chương trình chính thức.
Ở các trường khác của ĐH này, việc dạy học bằng tiếng Anh mới chỉ được triển khai ở một số chương trình hoặc một số môn chuyên ngành. Trong 2 năm 2014 và 2015, toàn ĐH Quốc gia TP.HCM có 64% số ngành triển khai các học phần chuyên môn giảng dạy bằng tiếng Anh. Mục tiêu đến năm 2020, ĐH này sẽ mở rộng việc dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh ở hầu hết các ngành học. Theo PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đã có sự chuẩn bị nhiều năm nay trong việc tăng cường ngoại ngữ cho SV khi ra trường. Cụ thể, đánh giá trình độ tiếng Anh cho SV tốt nghiệp từ năm 2017 bằng 4 kỹ năng chứ không sử dụng bài thi truyền thống như trước đây.
Trường ĐH Hoa Sen cũng triển khai dạy học bằng tiếng Anh trong một số ngành theo 2 hình thức: chương trình tiếng Anh và tiếng Việt. Theo quy định của trường, trước khi tốt nghiệp, SV phải có một trong các chứng chỉ quốc tế ở ngoại ngữ thứ nhất tiếng Anh (IELTS 5.0) hoặc tiếng Pháp (DELF B1).
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hiện cũng bắt đầu giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với chương trình cử nhân tài năng. Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo, cho biết việc giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh chưa được triển khai ở bậc đại trà do trình độ Anh ngữ của học sinh từ bậc phổ thông còn nhiều hạn chế.

Tiếp tục nâng chuẩn đầu ra

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hiện có chuẩn đầu ra tiếng Anh TOEIC với mức 450 - 550 tùy theo ngành (chứng chỉ quốc tế). Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương cho biết dự kiến trường sẽ tiếp tục nâng chuẩn này lên mức cao hơn với tối thiểu 500. Đồng thời, ngay từ đầu vào trường này cũng thay đổi hướng tuyển sinh bằng việc đưa thêm tiếng Anh vào các môn xét tuyển. Thạc sĩ Đương cho rằng thời kỳ hội nhập, ngoại ngữ là chìa khóa để SV ra trường có thể tìm được việc làm. Vì vậy, việc tăng chuẩn ngoại ngữ là điều trường bắt buộc phải làm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thời gian tới.
Chưa tăng chuẩn đầu ra, nhưng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng có những động thái để giúp SV đạt được chuẩn B1 trong khung tham chiếu châu Âu. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, cho hay từ năm 2013 đến nay, trường bổ sung vào chương trình học bắt buộc 7 tín chỉ tiếng Anh cơ bản. Trước đó, trường chỉ đào tạo cho SV các học phần tiếng Anh chuyên ngành, còn tiếng Anh cơ bản thì SV tự tích lũy.

Học thêm ngôn ngữ trong khối ASEAN

Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang, cho biết: “Việc đầu tiên mà chúng tôi đã làm, đó là thay đổi, cập nhật chương trình đào tạo Bộ quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu và năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp. Trong đó, ngoại ngữ và kỹ năng đặc biệt được chú trọng”. Trong thời gian tới, SV tại trường học các ngành nằm trong 7 lĩnh vực ngành nghề tự do di chuyển trong Cộng đồng ASEAN sẽ học thêm một ngôn ngữ phụ của các nước trong khu vực.
Tiến sĩ Võ Sáng Xuân Lan, Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ thêm: “Tại khoa Du lịch, thời lượng học tiếng Anh trong chương trình tăng từ 20 -30% so với yêu cầu của Bộ. SV bắt buộc phải học thêm ngoại ngữ thứ 2 trong số các ngôn ngữ Pháp, Nhật, Hoa. Mục tiêu của chúng tôi là các em ra trường ai cũng phải thông thạo tiếng Anh, coi tiếng Anh thiết thực như công cụ để làm việc chứ không còn là ngoại ngữ nữa. Có như vậy mới cạnh tranh được với lao động trong khu vực”.
Tiến sĩ Xuân Lan cho biết thêm hiện khoa cũng ký kết với khoa du lịch của một trường ĐH ở Thái Lan để trao đổi giảng viên, SV, giúp người học có thể hội nhập với một trong những quốc gia có ngành du lịch phát triển bậc nhất trong khu vực”.
Đại diện nhiều trường ĐH thừa nhận, tiếng Anh của đa số SV hiện nay còn rất yếu, để đưa ngôn ngữ này vào dạy song song với ngôn ngữ mẹ đẻ như một số nước trong khu vực là điều chưa thể. Thạc sĩ Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm, nhìn nhận: “Hiện tại trường kích thích SV sử dụng tiếng Anh bằng cách mở các câu lạc bộ, vận động tham gia các cuộc thi Olympic tiếng Anh, giao tiếp với các chuyên gia nước ngoài, tham dự các hội thảo, tạo môi trường song ngữ…”. Trong thời gian tới, trường cũng có kế hoạch đưa tiếng Thái vào khuyến khích SV học.
Tại Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, sự chuẩn bị cho hội nhập cộng đồng ASEAN đã được thực hiện gần 2 năm qua. Thạc sĩ Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng, cho hay chương trình đào tạo của mỗi ngành đều có 16 tiết chuyên đề hội nhập quốc tế. Xuyên suốt năm qua, trường đã tổ chức rất nhiều hội thảo, tuần lễ du lịch mời các cơ quan xúc tiến du lịch của các nước trong khối và các công ty du lịch trong nước.

Khuyến khích dạy học bằng tiếng Anh

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Bộ đã có nhiều động thái để đẩy mạnh hoạt động đào tạo ngoại ngữ trong trường học, ví dụ triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.
Bộ cũng nhắc nhở các trường phải chú trọng đào tạo ngoại ngữ cho SV phục vụ thời kỳ hội nhập. Theo ông Ga, việc giảng dạy bằng tiếng Anh là việc nên làm. Tuy nhiên, do điều kiện thực tế còn nhiều khó khăn nên thời điểm này Bộ chỉ khuyến khích các trường thực hiện việc này. Cũng theo ông Ga, sắp tới Bộ sẽ ban hành khung trình độ quốc gia, trong đó có quy định trình độ chuẩn tiếng Anh cần đạt được cho từng trình độ và ngành nghề. Trên cơ sở này, các trường sẽ xây dựng chương trình đào tạo và hoạt động đánh giá theo Khung tham chiếu châu Âu. Với khung trình độ này, các trường sẽ đào tạo nhân lực đạt chuẩn và đủ điều kiện để tham gia hội nhập khu vực.
Hà Ánh

Cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Đề cập về vấn đề giáo dục khởi nghiệp kinh doanh ở ĐH, thạc sĩ Nguyễn Tuấn Dương (Trường ĐH Ngoại thương, cơ sở 2) đề nghị:
“Nhà nước cần xây dựng các chương trình giáo dục tinh thần và kỹ năng khởi nghiệp ngay trong hệ thống giáo dục phổ thông, tăng cường nguồn vốn Chính phủ dành cho những người khởi nghiệp trẻ và đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển”. Lưu Thị Kim Ngân (Khoa Kinh tế thương mại, Trường ĐH Hoa Sen) cho rằng “lỗ hổng” giữa giáo dục và yêu cầu công việc là về kiến thức thực tế. Nơi đào tạo cần cung cấp nhiều hơn lượng kiến thức ứng dụng được vào thực tế và các kỹ năng. Nơi đào tạo và doanh nghiệp nên chủ động liên hệ và gắn kết với nhau trong quá trình đưa ra chương trình đào tạo.
Lê Thanh

Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/truong-dai-hoc-chuan-bi-hoi-nhap-653034.html