Nếu như những tín hiệu đổi mới từ phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC mang lại ý nghĩa tích cực  cho những người quan tâm tới GD địa phương thì các kết quả mà ngành GD Thái Nguyên đạt được sau 10 năm xây dựng trường chuẩn quốc gia thực sự là niềm vui lớn đối với mọi  cán bộ, người dân bởi sự khởi sắc về chất lượng GD.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT báo cáo tại HN, cách đây tròn 10 năm, cả tỉnh chỉ có 23 trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ 10,4%; không có trường Mầm non, THCS, THPT nào đạt chuẩn quốc gia.

Sau 10 năm, (cụ thể đến thời điểm 31/12/2010), Thái Nguyên đã có 334/643 trường đạt chuẩn quốc gia (51,94%) vượt 1,94% chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra.

Cụ thể: Mầm non có 86/206 trường đạt chuẩn quốc gia (41,74 %), trong đó có 5 trường đạt chuẩn mức độ 2; Tiểu học có 183/225 trường đạt chuẩn quốc gia (81,39 %), trong đó có 10 trường đạt chuẩn mức độ 2; THCS có 62/180 trường đạt chuẩn quốc gia (34,4%); THPT có 4/32 trường đạt chuẩn quốc gia (12,5%).


Trường chuẩn quốc gia góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao - Ảnh 1
HS Thái Nguyên tham dự kỳ thi giải toán trên máy tính cầm tay năm 2010

Đánh giá về các hiệu quả đạt được từ nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia của ngành GD tỉnh trong 10 năm qua, ông Bùi Đức Cường – Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên khẳng định, một trong những thành công nhất là quy mô hệ thống trường lớp từ Mầm non, Tiểu học đến THCS, THPT toàn tình được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu học tập của HS.

Ngành đã duy trì củng cố vững chắc công tác phổ cập GD Tiểu học, phổ cập GD THCS. Trong từng trường có đầy đủ các tổ chức theo quy định cụ thể của từng cấp học, bậc học. Các tổ chức trong nhà trường hoạt động tích cực, hiệu quả, giúp trường hoàn thành toàn diện nhiệm vụ hàng năm; Hệ thống hồ sơ và hồ sơ quản lý được lập đầy đủ theo quy định, chất lượng bảo đảm.

Theo người đứng đầu ngành GD-ĐT Thái Nguyên, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội, đó chính là cơ sở, tạo tiền đề nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của ngành GD-ĐT trong giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo. Nhiệm vụ này đã được Đảng bộ, chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sát sao, có hiệu quả trong nhiều năm qua. Ngành GD-ĐT đã tích cực, chủ động tham mưu, cùng các ban ngành đoàn thể và nhân dân đóng góp nhiều công sức, nguồn lực để xây dựng được hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học, ngành học trong toàn tỉnh. Chính kết quả đó là điều kiện tốt  đào tạo, bồi dưỡng được nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cho đất nước nói chung.

Bên cạnh các kết quả đạt được sau 10 năm xây dựng trường chuẩn quốc gia, các kết quả trong hơn 2 năm triển khai phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của Thái Nguyên cũng mang lại những tín hiệu khá tích cực, thông qua việc cơ sở vật chất các nhà trường, các trung tâm được cải thiện, số HS bỏ học giảm đáng kể, chất lượng GD toàn diện được nâng cao, xuất hiện những mô hình tiên tiến của phong trào ở các cấp học.

Các thầy, cô giáo phát huy tính chủ động sáng tạo đổi mới phương pháp dạy học, tham gia nhiệt tình có trách nhiệm vào các hoạt động giáo dục HS với mong muốn cho các HS “ Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”;

Các em HS đã tích cực chủ động hơn trong học tập vui chơi, tích cực tham gia chăm sóc các di tích lịch sử văn hóa và các hoạt động xã hội. Có được kết quả đó là nhờ sự chung tay góp sức của toàn xã hội, sự nỗ lực, gương mẫu của đội ngũ cán bộ quản lý GD và của các thầy, cô giáo, sự cố gắng của các em HS toàn tỉnh.

Đây chính là những tiền đề hết sức quan trọng để GD-ĐT Thái Nguyên tiếp tục đà phát triển, đáp ứng niền tin của người dân địa phương và hội nhập cùng GD-ĐT cả nước trong giai đoạn mới.