Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Việc Quảng Nam vừa khai tử một số trường THPT tư thục làm dấy lên làn sóng phê phán việc các nhà quản lý nắm đăng chuôi, bỏ mặc nỗi lo của học trò. Mãi đến khi "ngày cùng tháng tận”, sự việc trường "chết” đã không thể cứu vãn, phụ huynh và học sinh mới được biết và biết trong hoàn cảnh khá bất ngờ, gây ra những bức xúc lo lắng không đáng có.

Khi kinh tế khó khăn, dân số đạt mức sinh thay thế, tức không tăng, mà trường tư thục, dân lập vẫn "đông như quân Nguyên”, cả ở phổ thông và CĐ, ĐH, chuyện giải thể, khai tử là khó tránh. Ông Võ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT tư thục Phạm Văn Đồng (xã Hương An, huyện Quế Sơn) cho biết đầu năm học này, trường chỉ tuyển được 15 học sinh. Cộng dồn cả 3 khối lớp cũng chỉ được 43 em, sĩ số chỉ bằng một lớp trường công. Khó khăn trăm bề. Ông Hiệu trưởng kiêm cả đánh trống… thu nhập cũng chỉ 800.000 đồng/tháng. Học phí thu 400.000 đồng/tháng mỗi em, nhà trường giỏi mấy cũng không đủ trả lương 19 giáo viên, nhân viên chăm chỉ.

Xử lý quá chậm trễ

Thời gian qua, số lượng các trường tư thục, không chỉ ở Quảng Ngãi, tăng quá nhanh nhưng chất lượng không đồng bộ. Sự yếu kém trong hệ thống các trường trước hết bắt nguồn từ cơ chế "xin-cho” và buông lỏng quản lý. Một thời gian dài, ngành giáo dục và chính quyền địa phương quá dễ khi đồng ý thành lập ào ào mà không tính đến nâng chất lượng, tái cấu trúc hoặc thanh lọc hàng năm, mạnh tay cảnh báo giải thể trước khi quá muộn.

Cho đến khi các nhà quản lý nhận ra rằng, đến lúc phải siết chặt lại chỉ tập trung đầu tư cho các trường công lập. Các trường ngoài công lập hoặc tự đổi mới để thu hút người học hoặc phải chấp nhận sự thật nghiệt ngã là giải thể, thì học sinh cũng đã quá hoang mang.

Trở lại chuyện Quảng Ngãi. Cũng như bất cứ trường tư nào khai tử, nỗi đau đè nặng giáo viên và học sinh. Những người có trách nhiệm nêu đủ thứ lý do. Ngày cuối của tháng 10, một Phó Chủ tịch tỉnh thông báo tại cuộc họp với Hội đồng Quản trị, Hội đồng Sư phạm một trường THPT tư thục rằng "trong điều kiện khó khăn, trường có văn bản đề nghị các ngành chức năng của tỉnh tham mưu UBND tỉnh ra quyết định giải thể theo Luật Phá sản”. Vậy là "cái chết” trường được các lãnh đạo quy về lý do "điều kiện khó khăn”. Điều này khá kém thuyết phục bởi trong hoàn cảnh khó khăn này sao nhiều trường tư thục vẫn trụ vững, vẫn vươn lên khẳng định thương hiệu?

Lý do cụ thể, trực tiếp cần được nói thẳng, đó là không có học sinh vào học. THPT tư thục Phạm Văn Đồng năm nay chỉ vỏn vẹn 15 học sinh thì hai năm nay THPT Hà Huy Tập gần như không tuyển được học sinh lớp 10. Lý do? Một số lãnh đạo trường bảo, vì tỉnh có tới 8 trường TCCN, 4 trung cấp nghề. Khi trượt trường công lập nhiều em chọn học nghề chứ không chọn học trường tư - chưa tính việc học phí trường tư ngất ngưởng khiến nhiều trò tránh cho xa.

Phân tích trên có thể đúng lý mà không đúng tình, ở chỗ tại sao chỉ khi "sự đã rồi” các trường mới mổ xẻ, thay vì phải dự báo, cảnh báo trước đó? Trong trường học thì đối tượng là học sinh, nhưng cũng còn là giáo viên. Tất cả họ đều muốn yên ổn học và dạy từ đầu đến cuối một năm học, trọn vẹn ở một ngôi trường nào đó. Mọi xáo động nếu bất khả kháng hãy tìm cách giải quyết trong dịp hè, trước năm học mới, trước khi trống khai giảng gióng lên đầy hứa hẹn.

Điều đặc biệt nữa là tuổi học trò THPT là tuổi đương lớn, đầy ước mơ hy vọng lập thân lập nghiệp. Thật kinh ngạc là lãnh đạo các trường này, biết hơn ai hết trường mình đang "chết lâm sàng”, vẫn ra quyết định tuyển sinh, vẫn hy vọng ngóng chờ những sự trợ giúp không thể có (!). Không nên chỉ trách tỉnh đã nhanh chóng đồng ý ra quyết định khai tử những ngôi trường rỗng học sinh này, mà trước hết, các trường nên tự trách mình đã không tự tôn trọng thương hiệu trường, khi tuyển sinh thất bại mới bó tay, mặc học trò "tan nát”…

Cũng liên quan đến hệ thống giáo dục ngoài công lập ở bậc CĐ, ĐH, GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, chủ trương xã hội hóa giáo dục của chúng ta không phải là sinh ra nhiều trường để đáp ứng nhu cầu của người học. Xã hội hóa giáo dục ở đây là sự kêu gọi tầng lớp nhân dân, tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục một cách nghiêm túc, có chất lượng. Nếu trường ĐH, CĐ nào không vượt qua được yêu cầu khắt khe của việc nâng cao chất lượng đào tạo thì dù có bị giải thể, bị phá sản cũng là hoàn toàn xứng đáng.

Không thể bắt buộc người học gánh chịu những rủi ro mà các trường kém chất lượng mang lại. Vì thế, không thể và không nên bảo vệ sự tồn tại của các trường bằng mọi giá. Vì những khác biệt khá căn bản trong trường công, trường tư - ít nhất là về mức học phí, quy định "phá hợp đồng học tập” phải được bồi thường - càng phải rõ ràng. Đó cũng là những chuẩn mực đạo đức cần có trong bất cứ môi trường nào. Sự kiện một số trường tư giải thể "bất chợt”, vô tư bỏ trò giữa năm, cho thấy chuẩn mực quy định và cả chuẩn mực đạo lý trong ngành đang lệch chuẩn.

>> Bộ giáo dục không bỏ rơi trường ngoài công lập

Theo: daidoanket