>> Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, điểm nguyện vọng 2

Những số liệu từ thực tế cho thấy chế độ cộng điểm ưu tiên như hiện hành đã không còn phù hợp. Vì thế tìm một chính sách khác thay thế thích ứng với cuộc sống hiện tại, được mọi người chấp nhận là vấn đề cần đặt ra.

Không nên khuyến khích bằng điểm số

Ưu tiên là cần thiết, nhưng chỉ nên thiên về vật chất. Thí sinh đủ điểm chuẩn thì mới được vào học nhưng nhà nước, nhà trường cần cấp học bổng cho những đối tượng này

GS Vũ Minh Giang, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Ưu tiên là cần thiết, nhưng chỉ nên thiên về vật chất”. Ông phân tích: “Ví dụ, thí sinh đủ điểm chuẩn thì mới được vào học nhưng nhà nước, nhà trường cần cấp học bổng cho những đối tượng này. Với những học sinh thuộc diện chính sách nếu không đủ điểm, cần có cơ chế tạo điều kiện để các em có thể được học các lớp củng cố kiến thức (như dự bị), năm sau thi tiếp”.

Về vấn đề này, PGS-TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, nhìn nhận: “Cộng điểm ưu tiên là chính sách chung của nhà nước nhưng hiện nay không đồng bộ lắm”. Ông phân tích: “Thứ nhất, chính sách ưu tiên mong muốn các em quay về phục vụ địa phương nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Lý do thì nhiều, có thể các em quay về địa phương muốn phát huy bản thân thì không có điều kiện vì học các ngành công nghệ cao, thiết kế vi mạch... Cũng có thể do các em muốn quay về nhưng không xin được việc vì có nhiều tiêu cực…”. Từ đó, ông Đức cho rằng: “Phải có quy hoạch rõ ràng, từng nơi, từng vùng, có biện pháp chặt chẽ, chứ không chỗ thừa nhân lực vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu. Như thế việc ưu tiên mới có hiệu quả”.

Điều chỉnh cho phù hợp với thực tế

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng phân tích những bất cập về việc ưu tiên khu vực. Ông Vũ cho rằng khu vực được ưu tiên bao nhiêu năm nay hầu như không thay đổi. Nhiều địa phương hiện nay đã phát triển, sự chênh lệch về điều kiện kinh tế với thành phố không còn như trước nhưng điểm ưu tiên vẫn còn chênh lệch. “Nhiều địa phương hiện nay đã nâng lên thị xã, thậm chí thành phố nhưng vẫn được hưởng ưu tiên khu vực ở mức cao nhất. Mà bất cập này từ lâu không ai chỉnh sửa”, ông Vũ nhấn mạnh.

Trước thực tế này, thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đề xuất: “Chính sách ưu tiên tuyển sinh trước đây đã từng được điều chỉnh để phù hợp hơn với sự thay đổi của thực tế, cụ thể là rút bớt số điểm ưu tiên tối đa từ 5 xuống còn 3,5 như hiện nay. Tuy nhiên, mức điểm ưu tiên này cần được tiếp tục giảm xuống để hợp lý hơn, vì từ đó đến nay qua thời gian khoảng cách vùng miền cũng có phần bớt cách biệt”.

Đồng ý kiến, PGS-TS Dương Anh Đức nói thêm: “Hiện nay kinh tế đã khá hơn, điều kiện học tập của học sinh nhiều vùng khó khăn cũng tốt hơn, khoảng cách với các thành phố được rút ngắn lại. Bản thân thí sinh đã tốt, lại có thêm chính sách ưu tiên thì càng có rất nhiều lợi thế”. Ông Đức  khẳng định: “Phần lớn mọi người hiện nay muốn việc ưu tiên khu vực thu hẹp lại. Đã từng có thời kỳ ưu tiên đến hơn 10 điểm, sau đó rút ngắn dần và hiện nay đã đến lúc rút ngắn lại nữa để hướng tới sự công bằng hơn”.

Ý KIẾN

Khó đáp ứng công việc khi ra trường

“Ngành y dược và sư phạm không nên đào tạo cử tuyển hoặc dự bị vì đây là những ngành nghề đòi hỏi nhân lực phải thực sự chất lượng cao mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Trong khi đầu vào cử tuyển, dự bị hiện nay rất thấp, gây khó khăn cho học tập và đào tạo, đặc biệt rất khó đáp ứng công việc khi ra trường. Thay vào đó, cần có chính sách phân công sinh viên ngành y dược mới ra trường về vùng sâu vùng xa làm việc trong vòng 2 đến 3 năm với lương cao và chế độ đãi ngộ tốt hơn. Chỉ có như vậy mới giúp ngành y tế có được những cán bộ giỏi làm việc tại các vùng sâu, vùng xa”.

PGS-TS Đặng Văn Tịnh (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM)

Không ai muốn nhận nhân lực từ diện cử tuyển

“Mỗi năm trường tiếp nhận hơn 250 sinh viên dự bị và khoảng trên dưới 30 sinh viên cử tuyển. Chủ yếu các sinh viên này đăng ký học y dược, ít người chịu học các ngành nông nghiệp dù địa bàn này chủ yếu phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, nhiều sở y tế các tỉnh Tây nguyên cho biết dù rất thiếu nhân lực y tế nhưng không muốn nhận lao động tốt nghiệp từ diện cử tuyển, dự bị. Vì thế cử tuyển, sinh viên cũng cần đạt trình độ nhất định, ví dụ trải qua kỳ kiểm tra văn hóa trước khi vào học chứ không nên để “thả cửa” như hiện nay”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tây nguyên)

Điểm ưu tiên không quan trọng bằng nỗ lực

“Thật ra đối với em, điểm ưu tiên cũng là một động lực để em tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay, vì thực chất điều kiện học tập của em không bằng các bạn vùng xuôi. Năm 2010, em cũng từng tham gia thi ĐH, cũng có số điểm ưu tiên cao như vậy (3,5 điểm). Em nghĩ năm đó không đậu là do không ôn luyện kỹ lưỡng. Năm nay em tập trung ôn luyện và quyết tâm đậu, nên em đã có điểm số cao, và dù không cộng điểm ưu tiên, em cũng dư điểm để đậu. Em nghĩ điểm ưu tiên không quan trọng bằng việc mình tập trung ôn luyện”.

Pơ Loong Hiện (thôn Vinh, xã Tà Pơơ, H.Nam Giang, Quảng Nam, á khoa khối C Trường ĐH Quảng Nam)

Sẽ ỷ lại nếu dựa vào điểm cộng

“Một điểm đi thi ĐH là rất quan trọng vì chỉ cần chênh lệch từ 0,5 đến 1 điểm thì kết quả đã khác, có thể trúng tuyển hoặc rớt hẳn. Nhưng đối với em, khi đi thi em xác định không hề để tâm đến điểm số ưu tiên vì nếu em dựa vào điểm số đó thì bản thân em sẽ ỷ lại, không có sự nỗ lực”.

Phan Thị Thu Thảo (thôn Điện An, xã Bình Định Nam, H.Thăng Bình, Quảng Nam, điểm cao đứng đầu của ngành văn hóa du lịch Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng)


 

Theo Báo thanh niên - tin gốc