Không còn tình trạng văn mẫu

Chiều 24-6, Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố đáp án ba môn thi vào lớp 10 (khóa ngày 21, 22-6-2013). Đúng như sự mong mỏi của dư luận, đáp án cũng “mở” như đề thi.

 

Đề thi môn văn vào trường chuyên | Sách dạy văn mẫu

 

Thí sinh làm thủ tục trước khi thi môn văn tại hội đồng thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5, TPHCM) kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2013 - Ảnh: Như Hùng

 

Chúng tôi trích đăng đáp án của hai câu hỏi thuộc dạng “đề mở” là câu số 2, số 3:

Câu 2: Xác định phương châm hội thoại đã vi phạm và nêu nguyên nhân vi phạm.

Thí sinh có thể trả lời theo những hướng sau: Vi phạm phương châm lịch sự (0,5). Nguyên nhân: do thiếu hiểu biết (cách dùng từ ngữ không phù hợp đối tượng giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp...) hoặc không tôn trọng đối tượng giao tiếp (thiếu lịch sự, tôn trọng đối tượng giao tiếp...). (0,5). Vi phạm phương châm cách thức (0,5). Nguyên nhân: nói không rõ ràng, rành mạch (0,5). Lưu ý: thí sinh có thể trả lời một hoặc hai nội dung trên là được trọn số điểm.

Câu 3: Trình bày suy nghĩ được gợi ra từ câu chuyện “Ôm ước mơ đi về phía biển”.

a. Yêu cầu về kỹ năng: Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận xã hội; bố cục và hệ thống ý sáng rõ; biết vận dụng, phối hợp nhiều thao tác nghị luận: giải thích, chứng minh, bình luận... Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục. Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; trình bày bài rõ ràng.

b. Yêu cầu về kiến thức: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tinh thần hiếu học hoặc học sinh nghèo vượt khó; ý chí vươn lên thực hiện ước mơ học tập; tình cảm yêu thương, lo lắng, sự hi sinh của cha mẹ đối với việc học của con cái... Lưu ý: đây là dạng đề mở nên thí sinh có thể lựa chọn các vấn đề khác nhau để bàn luận nhưng cần gắn với văn bản đề bài đã cho.

Giải thích: Từ câu chuyện, giải thích vấn đề đã nêu ra ở mở bài.

Bàn luận: Thí sinh trình bày nhận định, đánh giá về ý nghĩa, tác dụng của vấn đề bằng cách lập luận và phân tích dẫn chứng để làm rõ vấn đề. Phê phán những tư tưởng, hiện tượng sai trái. Mở rộng vấn đề: từ vấn đề đã bàn hướng đến những giá trị, ý nghĩa rộng lớn hơn. Rút ra bài học nhận thức và rèn luyện thái độ sống đúng đắn.

* Cô Phan Thị Xuân (giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM):

Đáp án như Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố với các phương tiện truyền thông theo tôi là hợp lý, đi đúng tinh thần của một đề thi “mở”, đặc biệt với câu 2, 3. Điều này chắc sẽ làm nhiều học sinh vui vì sau khi thi xong, các em cứ gọi điện hỏi tôi: Cô ơi, con làm về tinh thần hiếu học có đúng không? Con làm về sự vượt khó, vươn lên trong học tập thì có sai không? Con làm về sự hi sinh của người mẹ nghèo thì có được chấm điểm không? Nhìn chung, các em có nhiều suy nghĩ khác nhau và giải quyết câu 3 một cách đa dạng, phong phú như chính suy nghĩ của mình. Ở câu này, sẽ có thí sinh bình luận về một vấn đề nhưng cũng có thí sinh nói về hai vấn đề. Tôi nghĩ với những bài làm từ hai vấn đề trở lên thì giám khảo sẽ linh động để chấm điểm, miễn sao bài làm của các em viết trong khuôn khổ một trang giấy thi và trình bày vấn đề thuyết phục.

Với đề thi và đáp án như thế này, tôi nghĩ học sinh sẽ không dám học tủ, học vẹt, học theo văn mẫu nữa. Tôi cũng nghĩ làm giám khảo môn văn năm nay sẽ rất thú vị vì chính câu hỏi đã tạo điều kiện cho thí sinh thể hiện sở trường của mình, gợi mở sự sáng tạo, tạo điều kiện cho các em thỏa sức trình bày quan điểm, suy nghĩ độc lập của mình.

* TS Trần Thị Mai Nhân (Trường ĐH KHXH & NV - ĐH Quốc gia TP.HCM):

Đáp án như đã công bố là khá gọn, rõ ràng, có tính chất “mở”, đáp ứng lòng mong mỏi của đa số thí sinh, phụ huynh và giáo viên. Tuy nhiên, ở câu số 4, đáp án khái quát quá, tôi nghĩ hội đồng chấm thi cần thống nhất lại mỗi ý quan trọng chiếm bao nhiêu điểm (trong tổng số 4 điểm của phần thân bài). Với đáp án như hiện nay, rất cần có những giám khảo vững tay nghề và chấm bài tận tâm. Vì người chấm phải đọc thật kỹ, nắm được cái “hồn” của bài viết, phát hiện những ý hay, sáng tạo của học sinh chứ không thể đọc qua loa, rà ý cho điểm (không nên để xảy ra tình trạng cứ thấy ý trùng với đáp án là cho điểm mặc dù cách hành văn của thí sinh không hay). Không nên để xảy ra tình trạng bài thi được điểm cao nhưng khả năng cảm thụ văn học của thí sinh không tốt và ngược lại.

Tóm lại, đề thi - đáp án môn văn năm nay sẽ phân hóa thí sinh một cách rõ nét, đồng thời cũng sẽ góp phần thay đổi phần nào việc dạy và học văn trong trường phổ thông.

 

Kenhtuyensinh: tuoitre