Triển khai chương trình tích hợp: Lợi thế “người đi trước”

Văn phòng UBND TP HCM vừa có Văn bản số 860/TB-VP thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chấp thuận cho Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM triển khai chương trình dạy toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam tại các trường công lập do sở biên soạn

Với lợi thế luôn đi đầu cả nước qua nhiều sáng kiến giáo dục, việc TP HCM triển khai thực hiện chương trình dạy và học 3 môn toán, tiếng Anh, khoa học theo phương pháp tích hợp giữa chương trình quốc gia Anh và chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam được đánh giá thực sự là bước đi cần thiết, phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam hiện tại.Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng đây là chủ trương đúng đắn. “Chúng ta tận dụng tri thức của nhân loại được các nước đúc kết lâu nay là điều rất tốt. Tại sao chúng ta không tiếp thu, học tập và phát huy những tinh hoa tốt đẹp của thế giới, nhất là các môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa, khoa học…? Tuy nhiên, chúng ta không bê nguyên xi mà phải tiếp thu có chọn lọc, sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, con người Việt Nam. Tôi ủng hộ chủ trương của TP HCM và mong rằng sẽ nhân rộng mô hình này ra nhiều địa phương khác trong cả nước” - ông nói.

Tp.HCM triển khai chương trình tích hợp toán, khoa học và tiếng anh

Tp.HCM triển khai chương trình tích hợp toán, khoa học và tiếng anh

Về phía Bộ GD-ĐT, trả lời báo chí trước đây, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, cũng khẳng định xét thấy TP HCM là địa phương có nhiều thuận lợi, có thể “đi trước” nhiều địa phương khác trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế về GD-ĐT nên bộ đồng ý về chủ trương việc thực hiện thí điểm đề án “Đổi mới dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến”. Bộ GD-ĐT yêu cầu bảo đảm tính ổn định, thống nhất, kế thừa giữa các cấp học, đặc biệt là bảo đảm chất lượng mà không gây quá tải cho học sinh.

Kinh nghiệm hữu ích

Trước khi đi đến quyết định chấp thuận về mặt chủ trương để triển khai trong thực tế, UBND TP HCM đã chỉ đạo tạm dừng chương trình để nghe Sở GD-ĐT TP báo cáo cụ thể. Trong bối cảnh hiện nay, việc triển khai chương trình này có thể là một tham khảo trong việc thực hiện đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đang tập trung xây dựng.


Tất nhiên, một chương trình giáo dục thành công hay không phải đo đếm bằng hiệu quả dựa trên đầu ra sản phẩm là học sinh. Đây là thước đo chuẩn mực nhất mà mọi cải cách hay đổi mới giáo dục bắt buộc phải hướng đến. Nếu công tâm và khách quan nhìn nhận, điều này có thể lượng giá một cách rõ ràng trên thực tế bằng các khảo sát, đánh giá trong một khoảng thời gian không dài, có thể qua vài học kỳ hoặc vài năm học. Với quy mô thí điểm trong một số trường công lập trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện của học sinh và phụ huynh, đây là “phép thử” đáng giá và cần thiết.
Việc học hỏi và rút tỉa những ưu việt của các mô hình giáo dục tiên tiến của các nước để vận dụng một cách sáng tạo và phù hợp vào bối cảnh giáo dục nước ta là điều cần thiết. Với góc nhìn đó, nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai những chương trình như chương trình tích hợp nêu trên là bước thử nghiệm cần có, được xem là kinh nghiệm tham chiếu đầy hữu ích cho công cuộc chấn hưng giáo dục mà chúng ta đang dồn sức thực hiện.

Theo Báo Người lao động, http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/trien-khai-chuong-trinh-tich-hop-phu-hop-voi-thuc-tien-20141030214055397.htm