>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Trưởng phòng Đào tạo Đại học Hà Nội Lê Quốc Hạnh đánh giá, kỳ xét tuyển đại học năm nay thật "khác thường" với cách làm chưa từng có trong ngành giáo dục Việt Nam. "Tôi đã đi nhiều quốc gia, tìm hiểu nền giáo dục nhiều nước, nhưng cũng chưa thấy ở đâu xét tuyển theo phương thức này", thầy Hạnh, người có nhiều năm gắn bó với công tác tuyển sinh, nói.

Trao quyền tự chủ tuyển sinh cho trường để tránh "vỡ trận" xét tuyển đại học

Trưởng phòng Đào tạo Đại học Hà Nội Lê Quốc Hạnh đề xuất trao quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo. Ảnh: Quỳnh Trang.

Thầy Hạnh cho rằng, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được coi là thành công, tuy nhiên khâu xét tuyển đại học lại thất bại. Thứ nhất là gây mệt mỏi kéo dài cho toàn xã hội, đặc biệt là thí sinh, phụ huynh và cán bộ tại các trường. Ý tưởng của Bộ Giáo dục - tăng cường sự tự chủ trong lựa chọn tương lai cho học sinh là tốt, nhưng không tổ chức chu đáo dẫn đến mất kiểm soát, phản tác dụng.

"Thay vì trải nghiệm trái ngọt để trưởng thành hơn thì cái thí sinh thu về chỉ là sự bối rối, thất vọng rồi bi quan. Một trải nghiệm đầu đời không thể phai", ông Hạnh nói và cho rằng việc để thí sinh được chọn 4 nguyện vọng vào một trường là quá nhiều, gây mất định hướng nghề nghiệp vì nhiều em chọn chỉ vì sự đỗ đạt chứ không vì yêu thích.

Lý do quan trọng nhất dẫn đến náo loạn trong xét tuyển 2015, theo ông Hạnh là các đại học bị phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn dữ liệu duy nhất do Bộ Giáo dục và Đào tạo nắm giữ. "Cơ quan quản lý nhà nước mà lại quyết định tất cả công tác xét tuyển của các trường, để cả thí sinh, phụ huynh phụ thuộc vào nguồn dữ liệu duy nhất. Cuối cùng hoá ra cả nước chỉ có một trường đại học?", ông Hạnh nói.

Nhà quản lý giáo dục này đánh giá, những năm qua ngành giáo dục đã có những việc làm thực thi ý tưởng giao quyền tự chủ cho các trường, nhưng kỳ xét tuyển đại học năm nay dường như "đi ngược lại". Ông đề xuất năm sau Bộ Giáo dục nên giao quyền tự chủ xét tuyển cho các cơ sở đào tạo. Trong khi chưa có phương án khả thi, phù hợp, nên để thí sinh đăng ký trường, ngành theo cách truyền thống - trước khi thi THPT quốc gia.

"Không nên để thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng vào một trường mà nên cân nhắc cho chọn một ngành ở nhiều trường. Như vậy các em sẽ không bị mất định hướng nghề nghiệp, chỉ là ưu tiên xếp trường nào số một thôi", ông Hạnh nói.

Trao quyền tự chủ tuyển sinh cho trường để tránh "vỡ trận" xét tuyển đại học

Thí sinh mệt mỏi chờ đăng ký xét tuyển vào Đại học Kinh tế quốc dân vào chiều 20/8. Ảnh: Quỳnh Trang.

Cùng quan điểm, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Kinh tế quốc dânNguyễn Quang Dong cho rằng Bộ cần có quy định hạn chế số lần rút, điều chỉnh nguyện vọng của các thí sinh để tránh mục tiêu định hướng nghề nghiệp bị phá vỡ. Kỳ thi THPT nên tổ chức sớm hơn, vào khoảng đầu tuần tháng 6 để đảm bảo thời gian tuyển sinh 2015 không bị gấp rút.

Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng Trần Mạnh Dũng đề xuất rút ngắn thời gian xét tuyển đợt 1 để tránh tâm lý nghe ngóng, đến phút chót mới nộp hồ sơ gây náo loạn. Bộ chỉ nên cho thí sinh có 2-3 nguyện vọng mỗi đợt hoặc có 4 nguyện vọng một đợt, nhưng không được thay đổi.

Từ ngày 1 đến 20/8, các trường đại học, cao đẳng cả nước thực hiện xét tuyển đợt 1 từ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Theo quy định, thí sinh được quyền đăng ký 4 nguyện vọng trong một trường và có thể thay đổi. Các trường 3 ngày một lần cập nhật danh sách đăng ký xét tuyển, xếp theo thứ tự từ cao đến thấp, thí sinh căn cứ vào đó biết được vị trí mình, cân nhắc lựa chọn nộp - rút hồ sơ. Đến 20/8, ngày cuối của xét tuyển đợt 1, thí sinh nháo nhào nộp - rút gây ra cảnh hỗn loạn ở nhiều trường.

Nên để các trường tự xác định phương án tuyển sinh

Nên để các trường tự xác định phương án tuyển sinh

Đó là ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ảnh) - khi trao đổi với Lao Động sáng 23.8, về việc xét tuyển nguyện vọng 1 ĐH-CĐ vừa qua. GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: Thường là cái mới bao giờ lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, cũng làm cho người ta lo lắng, hồi hộp; nhưng tôi sợ rằng, nếu còn thi theo kiểu này thì sang năm những khó khăn sẽ còn nguyên.

Thưa ông, sự náo loạn những ngày cuối cùng của đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vừa qua được dư luận gọi với nhiều cách: Kỳ thi chứng khoán, náo loạn, mất kiểm soát... quan điểm của ông về vấn đề này?

- Tôi cho rằng cách ví von này rất thú vị và chính xác, tuy nhiên ngành giáo dục cần có thay đổi cho phù hợp để thí sinh không phải chơi trò chơi may rủi như vậy.

Thực ra, nếu tuyển sinh theo cách làm ở những năm trước thì vẫn sẽ có nhiều trường hợp các em học sinh đạt điểm cao nhưng không vào được trường mình yêu thích. Ví dụ, có những năm thi vào Đại học Y Hà Nội, thí sinh đạt 27 điểm vẫn có khả năng trượt. Chuyện đó năm nào cũng có thể xảy ra. Chỉ có điều khác biệt là, các năm trước, học sinh muốn thi vào trường nào thì ghi tên vào đúng trường ấy. Các em sẽ thi tại các cụm thi của trường, nên các em có thể xem phổ điểm của trường đó để tự xác định vị trí của mình, nếu thấy khả năng không trúng thì có thể chuyển ngay sang nguyện vọng 2.

Vậy theo ông, căn nguyên của những “náo loạn” trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 ĐH-CĐ năm 2015 khiến cả học sinh, phụ huynh và các trường lâm vào cảnh nhốn nháo là gì?

- Tôi cho rằng cách tổ chức cho thí sinh đăng ký nộp hồ sơ vào các trường đại học, cao đẳng vừa qua là không hợp lý, việc thí sinh được đăng ký tới 4 ngành trong 1 trường và được thay đổi trong 20 ngày là không hợp lý, vì như vậy sẽ phát sinh thí sinh ảo, không thực chất. Năm nay, các trường tuyển sinh trên phạm vi toàn quốc với kết quả thi chung, học sinh chỉ ghi nguyện vọng sau khi đã biết điểm… cho nên việc xác định danh sách cạnh tranh là khó. Học sinh không biết mình ở vị trí nào, nên vào trường nào.

Còn việc phụ huynh và thí sinh phải chạy hết trường nọ, trường kia để nộp hồ sơ thì sao, thưa ông?

- Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã quản điểm thi, thông báo điểm thi trên mạng rồi thì cũng nên để học sinh nộp hồ sơ đăng ký trên mạng. Khi nào các em đã lọt vào danh sách trúng tuyển rồi thì chuyển hồ sơ của mình đến trường, có thể trực tiếp hoặc qua bưu điện. Tôi nghĩ cần có sự thay đổi để thí sinh thuận lợi hơn, không nên để thí sinh chạy hết trường này đến trường khác.

Để khắc phục tình trạng trên, ngành giáo dục cần phải có những cải tiến như thế nào, thưa ông?

- Theo tôi, cần phải có một số cải tiến. Thứ nhất: Phải để cho thí sinh tự chọn cụm thi của mình, tránh quy định các cụm thi cứng theo ranh giới hành chính. Vì nếu quy định như hiện nay thì sẽ có nhiều thí sinh ở cuối tỉnh, cuối huyện lẽ ra thi ở cụm B sẽ thuận lợi hơn nhưng các em lại buộc phải thi theo cụm A vì các em ở tỉnh thuộc cụm thi đó; nghĩa là phải di chuyển xa hơn.

Thứ hai, phải để cho các trường đại học, cao đẳng được quyền công bố ngay từ đầu phạm vi tuyển sinh của mình. Ví dụ, Đại học Bách khoa Hà Nội xác định chỉ tuyển những thí sinh thi ở cụm Đại học Bách khoa Hà Nội, cụm ĐH Bách khoa TPHCM hay ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM... Như thế thì các trường mới có thể có được một số lượng thí sinh xác định, thí sinh cũng có thể biết được là triển vọng của mình như
thế nào.

Thứ ba, việc công bố điểm nên để cụm thi nào thì công bố điểm cho cụm thi ấy chứ không nên đưa tất cả về bộ như năm nay. Nên tiếp tục công bố điểm thi của toàn bộ thí sinh. Năm nay, thí sinh chỉ biết điểm của mình, không biết điểm của các bạn khác. Như vậy, các em sẽ khó xác định được vị trí của mình để chọn trường.

Về lâu dài, việc thi tốt nghiệp nên giao cho các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức và không nhất thiết cả nước phải thi vào cùng một ngày. Còn việc tuyển sinh đại học, cao đẳng thì nên để các trường đại học, cao đẳng tự xác định phương án tuyển sinh. Trường có thể tổ chức thi tuyển sinh riêng, liên kết với trường khác tổ chức thi tuyển sinh theo cụm hoặc không tổ chức thi mà chỉ cần xét tuyển theo kết quả tốt nghiệp THPT…

Theo

  • VnExpress, tin gốc: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/trao-quyen-tu-chu-cho-cac-truong-se-tranh-vo-tran-xet-tuyen-dai-hoc-3268145.html
  • Lao động, tin gốc: http://laodong.com.vn/giao-duc/nen-de-cac-truong-tu-xac-dinh-phuong-an-tuyen-sinh-367771.bld