Trắc nghiệm: Phương án tối ưu nhất cho kỳ thi 2017


"Việc công bố chính thức hình thức thi trắc nghiệm đối với hầu hết các môn trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 vào ngày 28/9 vừa qua có ảnh hưởng gì đến chất lượng kỳ thi năm 2017 hay không trong khi phương án thi đã được chuẩn bị từ lâu? Việc chủ yếu thi trắc nghiệm có ảnh hưởng gì đến việc dạy và học ở cấp phổ thông năm học 2016-2017? Trong bối cảnh thi trắc nghiệm với hầu hết các môn thi Bộ có biện pháp gì để tránh hiện tượng tiêu cực trong thi cử?"ĐB Nguyễn Trường Giang (Đăk Nông) nêu câu hỏi.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phân tích: Kỳ thi THPT Quốc gia có mục đích chính là kiểm tra kiến thức cơ bản phổ thông của học sinh, bảo đảm tính toàn diện, tránh học tủ, học lệnh, minh bạch, khách quan và là kỳ thi có số đông học sinh tham gia với hàng triệu em.

"Có nhiều hình thức thi, nhưng phương thức nào cũng có cái hay và hạn chế. Với mục đích xét tốt nghiệp THPT và phục vụ các trường ĐH, CĐ xét tuyển, Bộ GD-ĐT đã cân nhắc kỹ và qua tham khảo ý kiến các chuyên gia, phần lớn nhất trí phương án thi trắc nghiệm. Ngoài ra, theo kinh nghiệm quốc tế, các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đều sử dụng phương thức thi đánh giá khách quan như vậy. Các câu hỏi phục vụ cho thi trắc nghiệm được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, chuẩn hoá rất kỹ, bảo đảm tính toàn diện, công khai, minh bạch. Nếu như các kỳ thi trước đây phải đầu tư khâu coi thi rất tốn kém để chống gian lận thì phương thức thi này hạn chế được tối đa tình trạng này. Bộ cũng đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm và áp dụng thí điểm ở Đại học Quốc gia Hà Nội" - Bộ trưởng khẳng định.

Trắc nghiệm: Phương án tối ưu nhất cho kỳ thi 2017

Trả lời câu hỏi cũng của ĐB Giang và và nhiều ĐB khác về phương án đổi mới thi cử, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước năm 2014 Bộ đã thực hiện đổi mới thi cử rất nhiều. Mỗi kỳ thi, phương thức thi có ưu điểm và hạn chế khác nhau.

Gần đây, trước năm 2015, về cơ bản, hình thức thi "3 chung" có nhiều ưu điểm nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Theo tinh thần của Nghị quyết 29 là đổi mới thi cử theo hướng nhẹ nhàng, giảm áp lực, ít tốn kém và khách quan thì kì thi "3 chung" vẫn nhiều tốn kém và nhiêu khê. Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ xây dựng đề án đổi mới thi cử theo tinh thần của Nghị quyết 29, áp dụng một kỳ thi với 2 mục đích.

"Năm 2015, kỳ thi THPT Quốc gia đã thành công, chỉ có điều khi xét tuyển thì hồ sơ rút ra, rút vào rối rắm. Tuy nhiên, không vì điều này mà chúng ta đánh giá kỳ thi 2015 không tốt, bởi kì thi đã giảm được nhiều áp lực, tốn kém", Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm trong việc  thí sinh từ tỉnh này vẫn phải sang tỉnh kia thi, năm 2016, Bộ đã điều chỉnh để thí sinh ở tỉnh nào thì thi ở tỉnh đó. Sau năm 2016, Bộ tiếp tục lược bỏ thi ĐH theo cụm, chỉ giữ lại cụm thi do Sở GD-ĐT tổ chức ở mỗi địa phương, nhưng đề thi do Bộ thực hiện và tăng cường giảng viên đại học hỗ trợ. Ưu điểm của cách làm này là mỗi thí sinh được chấm một mã thi riêng nên bảo đảm tính khách quan, công bằng và ít tốn kém thời gian.

"Trong lộ trình đổi mới có nhiều thang bậc. Bộ GD-ĐT không muốn dồn nhanh, gây tâm lí không tốt cho xã hội, mà chúng tôi hoàn thiện dần theo từng năm, tiếp cận dần đến sự hợp lý. Từ năm 2017 trở đi, kỳ thi tiếp tục sẽ có điều chỉnh. Chúng tôi cũng xin rút kinh nghiệm vì công tác truyền thông, hướng dẫn chưa đầy đủ, tạo dư luận xã hội thiếu tích cực" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.

Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT dừng lời, đã có nhiều ĐB giơ biển xin tranh luận tiếp.


Một bạn giỏi nhất "Ho", cả phòng sẽ làm được bài?


ĐB Nguyễn Trường Giang tiếp tục "xoáy" vào việc Bộ GD-ĐT công bố chính thức hình thức thi trắc nghiệm vào ngày 28/9/2016 trong khi phương án thi đã được chuẩn bị từ lâu có thể hiện sự lúng túng trong việc tổ chức kỳ thi quốc gia năm 2017 hay không?

ĐB Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) bày tỏ lo lắng khi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, với việc tổ hợp các môn học vào trong một bài thi, học sinh có thể phải thi 9 môn thi trong 2 ngày thi. Liệu cách thi như vậy có gây áp lực cho học sinh hay không và các em có nhớ được kiến thức, đủ sức khoẻ để thi các môn liên tục như vậy không?

"Theo trả lời của Bộ trưởng thì thi trắc nghiệm là hình thức thi ưu việt tuyệt đối, nhưng trên thực tế tôi thấy ngược lại. Thứ nhất, về mặt lý thuyết, thi trắc nghiệm không phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh cũng như không rèn luyện được kỹ năng thực hành cho các em ở các môn khoa học tự nhiên, kỹ năng nghe, nói ở bộ môn ngoại ngữ" - ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) tranh luận.

"Theo Bộ trưởng, thi trắc nghiệm rất có tác dụng trong đánh giá học sinh một cách công bằng, tránh gian lận trong thi cử. Theo tôi điều này là ngược lại. Tôi xin cung cấp cho bộ trưởng sự thật là các cháu học sinh đi thi về nói rằng chỉ thích thi trắc nghiệm. Vì sao? Vì phòng thi sẽ chọn ra một bạn học giỏi nhất, sau đó cho sức dầu gió thật nhiều. Sau đó, câu hỏi 1, bạn ấy ho một tiếng, cả phòng sẽ tích vào phương án 1. Phương án 2, ho 2 tiếng... và trong quy chế thi thì không ai cấm thí sinh ho. Thế cho nên chỉ cần một bạn làm được bài thì tất cả đều làm được bài. Vậy đó có phải là phương án ưu việt hay không?" - ĐB Nga nêu vấn đề.

Trả lời câu hỏi của các ĐB, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ một lần nữa khẳng định sự cải tiến, đổi mới trong thi cử qua từng năm của Bộ là không đường đột mà có tính toán về mặt chuyên môn.

"Quá trình đổi mới thì phải có sự thay đổi. Chúng tôi xét thấy có trách nhiệm, đặc biệt cần phải tính toán kỹ hơn, thông báo cho xã hội tốt hơn" - Bộ trưởng nhìn nhận trách nhiệm.

Trả lời câu hỏi của Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), vị trưởng ngành giáo dục khẳng định hình thức thi trắc nghiệm không phải ngược lại với chủ trương phát triển học sinh theo hướng tích cực, năng động.

"Phương pháp tổ chức học từ thụ động sang phát huy phẩm chất năng lực không ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương án thi. Đối với thi tốt nghiệp, áp dụng cho hàng triệu em trong thời gian ngắn, mục tiêu là kiểm tra kiến thức cơ bản, toàn diện chứ không phải đi vào chuyên môn. Thi trắc nghiệm cũng không hề cứng nhắc mà rất khoa học. Đề thi sẽ có những câu hỏi suy luận, liên quan đến tư duy phản biện, hoàn toàn phát triển năng lực chứ không phải là nhớ máy móc. Trong quá trình đổi mới, với mỗi phương thức thi, chúng tôi rất cân nhắc vì ảnh hưởng đến hàng triêu người. Không phương án thi nào có ưu điểm tuyệt đối mà đây là phương án phù hợp nhất trong các phương án phù hợp với mục tiêu thi. Không có một phương thức đúng mãi trong nhiều năm" - Bộ trưởng cho biết thêm.

Về số môn thi trong một ngày, theo Bộ trưởng, so với tổng số môn phải thi, phải học chưa phải là nhiều. Trước năm 2014, thí sinh đã phải thi tới 6 - 7 môn. Kỳ thi 2017 cũng có gây áp lực với thí sinh nhưng áp lực này có thể chấp nhận được và thí sinh có lợi hơn nhiều.

"Khi tính toán, kiến thức trong đề thi không trải rộng trong 3 năm cấp III mà chỉ tập trung vào lớp 12. Với bài thi tích hợp 3 môn thi, các câu hỏi thi cân nhắc đến độ khó để các thí sinh có thể tham gia được. Độ khó trong câu hỏi thi phù hợp với điều kiện hiện nay. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lưu ý giảm áp lực cho thầy và trò", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng khẳng định, trong thiết kế đề thi sẽ không có chuyện để thí sinh thoa dầu mà cả phòng làm được bài. Mỗi em một mã đề thi riêng, tổ hợp bài thi riêng. Ví dụ nếu có 25 thí sinh trong một phòng thì mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng. Việc chấm thi bằng máy cũng sẽ bảo đảm tính khách quan, minh bạch.


Tuyển sinh 2017



Theo Hà Nội mới, nguồn: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Tuyen-sinh/855165/trac-nghiem-phuong-an-toi-uu-nhat-cho-ky-thi-2017