Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Chương trình Tín dụng cho HS, SV nghèo vay vốn học tập trở thành chiếc phao “cứu hộ”, giúp hàng ngàn SV có cơ hội tiếp tục học hành. Tuy nhiên, hiện nay nhiều SV ra trường không trả được nợ mà nguyên nhân chính là do thất nghiệp hoặc lương thấp do làm trái nghề.

Sinh viên nghèo bám được “chiếc phao”

Chương trình Tín dụng cho học sinh, sinh viên (HS, SV) trong những năm qua được xem như chiếc phao cứu cánh cho nhiều gia đình nghèo nuôi con ăn học. Đặc biệt là những gia đình hộ nghèo ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Theo thống kê, sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình Tín dụng HS, SV tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) của 13 tỉnh, thành đã phát vay cho gần 350 ngàn lượt HS, SV vay vốn học tập.

Giãn thời gian thu học phí với sinh viên nghèo

Mới đây do giá cả thị trường, nhu cầu SV vay vốn tăng lên nên chương trình đã mở rộng đối tượng vay vốn, nâng mức cho vay lên 1,1 triệu đồng/HS, SV/tháng. Tính đến cuối năm 2012 tổng nguồn vốn của chương trình lên đến 36 ngàn tỉ đồng.

Cụ thể, đối tượng được vay vốn cũng mở rộng như HS, SV gia đình hộ nghèo, cận nghèo và hộ đang gặp khó khăn… Tuy nhiên qua tìm hiểu của chúng tôi hiện nay ở các tỉnh ĐBSCL có rất nhiều SV đang nợ ngân hàng dù đã tốt nghiệp được 1, 2 năm. Có trường hợp SV tốt nghiệp mấy năm trời nhưng vẫn chưa trả được nợ. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc SV không thể trả nợ vay là không có việc làm hoặc ra trường xin được việc nhưng lương quá thấp, không đảm bảo cho cuộc sống cơ bản nên chưa trả được nợ…

Em Phạm Minh N. ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Em N. học ngành Cơ khí Trường ĐH Cần Thơ, nhà nghèo nên em được vay vốn học tập: “Thất nghiệp hơn 1 năm nay em, trong suốt thời gian này em nộp hơn chục bộ hồ sơ nhưng chưa nơi nào trả lời. Ngân hàng đến nhà hỏi phương án trả khoảng nợ hơn 30 triệu đồng (tính luôn tiền lãi) em chẳng biết lấy tiền đâu trả khi lâm vào cảnh thất nghiệp như thế này!” - em N. cho biết.

Em Nguyễn Ngọc Thu Tốt Phượng Hà - hiện ở trọ tại Ấp 1, xã Sơn Đông, TP Bến Tre, một mình vừa đi học vừa chăm mẹ bị bại liệt bùi ngùi cho biết: “Với tấm bằng cử nhân anh văn hệ Cao đẳng như em chỉ mong tìm được một chỗ dạy để lo cái ăn cho hai mẹ con. Còn khoản vay hơn 20 triệu đồng tiền ăn học đành để đó, đóng lãi hàng tháng rồi từ từ trả chứ chẳng biết làm sao!”.

Không riêng gì trường hợp của em N., Phượng Hà… mà còn rất nhiều SV sau khi ra trường không trả được nợ. Để lâu nợ sẽ chuyển thành nợ quá hạn và lãi suất càng thêm cao và phương án trả nợ càng khó khả quan khi không tìm được việc làm.

Theo thống kê của Ngân hàng CSXH tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có 44.752 SV được vay vốn, với tổng số 550.541 triệu đồng. Hiện doanh số thu nợ trong 5 năm là 42.579 triệu đồng, tổng dư nợ đến ngày 30/6/2012 là 511.464 triệu đồng với 30.280 hộ dư nợ và 34.972 SV dư nợ, trong đó dư nợ quá hạn là 2.966 triệu đồng… Còn tại Cần Thơ 5 năm qua (9.2007- 9.2012) doanh số cho HS-SV vay vốn đạt trên 365,7 tỉ đồng, doanh số thu nợ (đến cuối tháng 9.2012) hơn 48,2 tỉ đồng, nợ quá hạn hơn 2,2 tỉ đồng.

…Nhưng khó buông “chiếc phao”

Chị Nguyễn Thị Bảnh Em (thị trấn Thới Lai, Đồng Tháp) bùi ngùi chia sẻ: “Gia đình tui không có “cụt đất chọi chim”, mấy năm nay để có tiền lo cho 3 đứa con đi học toàn bộ từ tiền vây ngân hàng. Bây giờ thằng lớn ra trường rồi nhưng vẫn chưa tìm được việc, hai đứa nhỏ đang học hệ cao đẳng năm thứ 2… Bây giờ tui chỉ biết cố gằng lo cho nó đi học, ra trường rồi tính tiếp, chứ nghĩ đến số nợ 30 - 40 triệu đồng, chẳng làm sao ngủ được!”.

Theo Ngân hàng CSXH huyện Lai Vung, hiện dư nợ tiền vay của SV là gần 70 tỉ đồng. Tính đến cuối tháng 9/2013 toàn huyện có 3.466 hộ vay vốn tín dụng HS, SV, gần 4.000 SV được vay với số tiền 68 tỉ đồng. Hiện có 241 SV đến hạn trả nợ và đang đôn đốc thu với số tiền gần 1,9 tỉ đồng. Đặc biệt số SV của huyện đang nợ quá hạn là 136 em với số tiền 437 triệu đồng…

Ông Lê Thanh Tùng - Trưởng Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lai Vung cho biết, hiện nay ngân hàng đang đôn đốc thu 241 SV đến hạn trả nợ với số tiền gần 1,9 tỉ đồng. Nếu không sẽ chuyển thành nợ quá hạn sẽ rất khó cho gia đình các em và khó cho cả phía ngân hàng.

Hộ ông Nguyễn Thanh H. ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) là một trong nhiều hộ đang trong thời gian trả nợ quá hạn cho ngân hàng CSXH huyện. Với số tiền hơn 20 triệu đồng còn nợ quá hạn nên gia đình đang chạy đôn chạy đáo để tìm cách trả. “Nhà có 2 công vườn tạp nên không thể đủ tiền lo cho hai đứa ăn học nên phải vay vốn. Đứa lớn ra trường hơn một năm mới xin được việc làm, giờ có thể phụ tôi trả nợ chút ít, còn đứa nhỏ ra trường một năm nay mà chưa xin được việc. Tôi đang lo không biết khi nào mới trả hết số tiền vay để gia đình và các con yên tâm làm việc…”, ông H. cho biết.

Qua quá trình tìm hiểu những gia đình có SV vay vốn của ngân hàng CSXH, thì cái khó hiện nay là SV ra trường không tìm được việc làm dẫn đến không có phương án trả nợ. Ông Lê Thanh Tùng - Trưởng Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lai Vung cho biết: “Chúng tôi kết hợp với hội đoàn thể, UBND xã đến các hộ để đôn đốc trả nợ. Nếu trả một lần được thì quá tốt nếu không thì cam kết trả dần. Tuy nhiên hộ gia đình đã nghèo mà con em ra trường không có việc làm thì gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế có gia đình cam kết trả từ 1 đến 2 triệu đồng/tháng nhưng cũng có người chỉ trả được 500 ngàn đồng/tháng…”.

Ngoài ra, SV mới ra trường khó trả nợ vay là do thời gian gia hạn trả nợ còn ngắn. Theo quy định khi SV ra trường chưa có việc làm thì cho gia hạn thêm. Ví dụ như một SV học ĐH 5 năm, vay vốn học tập 5 năm, sau khi ra trường thời gian trả nợ là 5 năm, thời gian gia hạn chỉ có 2,5 năm. Tuy nhiên đối với các SV học CĐ hay trung cấp thì ít hơn nhiều, thời gian học chỉ 3 năm hoặc 2 năm thì thời gian cho gia hạn nợ có 1 năm, có khi là 6 tháng… Cho nên nhiều SV ra trường hiện nay đã hết thời gian gia hạn mà không trả được nợ nên chuyển thành nợ quá hạn.

Hiện nay nợ quá hạn chủ yếu rơi vào trường hợp các SV học hệ CĐ hoặc trung cấp. Có những em học nghề chỉ 1 năm và thời gian trả nợ trong 1 năm, gia hạn nợ 6 tháng nên rất khó có phương án khả thi. Khi chuyển thành nợ quá hạn thì lãi suất là 0,845%/tháng (bằng 130% lãi suất cho vay) nên SV không trả nợ thì lãi chồng lãi, để càng lâu thì gia đình cũng như bản thân các em SV sẽ rất vất vả.

Liên quan đến tình trạng nhiều sinh viên (SV) ra trường không tìm được việc làm, mới đây (10/11), UBND tỉnh Đồng Tháp giao cho Sở Lao động - Thương binh và xã hội làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ đăng ký học ĐH văn bằng 2 của SV đã tốt nghiệp ĐH nhưng chưa có việc làm. Đối với SV tốt nghiệp ngành Sư phạm (có khoảng 2.000 SV), tỉnh có kế hoạch đào tạo ngành Sư phạm kỹ thuật để bố trí giảng dạy ở các trường Trung cấp Nghề trong tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ đào tạo sinh viên học ĐH Luật văn bằng 2 hệ chính quy để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của ngành Kiểm sát và tòa án.

Theo tác giả Khánh Anh, Báo Petrotimes

Xem tin gốc tại: http://petrotimes.vn/news/vn/xa-hoi/giao-duc/sinh-vien-danh-gia-giang-vien-chi-la-hinh-thuc.html